Ngày 19/6/2025, Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành Thông tư 10/2025/TT-BNV hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Sở Nội vụ thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và lĩnh vực nội vụ của phòng chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân xã, phường, đặc khu thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Thông tư 10/2025/TT-BNV này thay thế Thông tư 05/2021/TT-BNV và mở rộng đáng kể phạm vi công việc đối với bộ phận chuyên môn ở cơ sở.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Trong đó, Điều 3 Thông tư 10/2025/TT-BNV nêu rõ, Phòng Văn hóa - Xã hội sẽ tham mưu UBND cấp xã trong quản lý tổ chức hành chính; xây dựng vị trí việc làm, biên chế; theo dõi tinh giản biên chế và đánh giá cán bộ. Đơn vị cũng chịu trách nhiệm kiểm soát thủ tục hành chính, triển khai chuyển đổi số hồ sơ cán bộ, quản lý địa giới đơn vị hành chính, thi đua khen thưởng, văn thư lưu trữ, cũng như hoạt động của hội, quỹ và các tổ chức phi chính phủ trên địa bàn.
Bên cạnh đó, Điều 4 Thông tư 10/2025/TT-BNV cũng quy định, Phòng Văn hóa - Xã hội phải trình HĐND và UBND cấp xã ban hành kế hoạch, nghị quyết về nội vụ; tổ chức triển khai các chương trình cải cách hành chính hằng năm; đồng thời giám sát việc sắp xếp lại cơ cấu tổ chức, bảo đảm tinh gọn, hiệu lực.
Với lĩnh vực lao động, tiền lương và bảo hiểm xã hội, Phòng Văn hóa - Xã hội có quyền tiếp nhận hồ sơ xác nhận người lao động thuộc diện tham gia bảo hiểm bắt buộc, hướng dẫn doanh nghiệp tạm dừng đóng quỹ hưu trí khi gặp khó khăn và kiểm tra an toàn, vệ sinh lao động tại cơ sở sản xuất.
Ngoài ra, Phòng Văn hóa - Xã hội trở thành đầu mối thực hiện chính sách đền ơn đáp nghĩa, quản lý mộ, công trình ghi công liệt sĩ và hồ sơ người có công; lồng ghép mục tiêu bình đẳng giới, thanh niên và an sinh xã hội vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm của địa phương. Đối với lĩnh vực tôn giáo, tín ngưỡng, đơn vị có nhiệm vụ hướng dẫn, kiểm tra việc đăng ký sinh hoạt tôn giáo và xử lý kiến nghị của tổ chức, cá nhân theo thẩm quyền.
Để bảo đảm thực thi, Thông tư 10/2025/TT-BNV cũng giao Sở Nội vụ cấp tỉnh hướng dẫn UBND các xã phân công nhân sự có trình độ phù hợp, hoàn thiện hạ tầng công nghệ để quản lý hồ sơ điện tử cán bộ và kết nối dữ liệu với Cơ sở dữ liệu quốc gia. Các địa phương phải ban hành quy chế phối hợp giữa Phòng Văn hóa - Xã hội và các bộ phận chuyên môn khác trước ngày văn bản có hiệu lực.
Ở cấp tỉnh, so với quy định hiện hành, Thông tư 10/2025/TT-BNV không làm thay đổi khung nhiệm vụ cốt lõi của Sở Nội vụ. Cơ quan này vẫn tham mưu UBND tỉnh về tổ chức bộ máy, biên chế và quản lý đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; chủ trì các chương trình cải cách hành chính; quản lý địa giới hành chính, thi đua - khen thưởng, văn thư, lưu trữ, tín ngưỡng - tôn giáo, hội và quỹ.
Điểm mới chủ yếu nằm ở yêu cầu Sở hướng dẫn, kiểm tra và tổng hợp việc thực hiện các nhiệm vụ nội vụ vừa được đưa xuống Phòng Văn hóa - Xã hội cấp xã, bảo đảm thống nhất quy trình, hạ tầng số và nhân lực.
Trong giai đoạn chuyển tiếp đến hết năm 2025, Sở Nội vụ sẽ kiểm tra định kỳ nhằm đánh giá mức độ đáp ứng nguồn nhân lực, hạ tầng và tiến độ cải cách hành chính tại cấp xã; kịp thời đề xuất Bộ Nội vụ điều chỉnh nếu phát sinh vướng mắc. Bộ cũng khuyến khích ứng dụng chữ ký số và phần mềm quản lý nhân sự, coi đây là tiêu chí quan trọng khi chấm điểm cải cách hành chính hằng năm của địa phương.
Thông tư 10/2025/TT-BNV sẽ chính thức có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2025.