Công khai bảo vệ cho sai phạm...?
Liên quan đến hiện tượng “loạn” tên tích tại di tích kiến trúc nghệ thuật Phủ Dầy, UBND huyện Vụ Bản đã ban hành Văn bản số 117/UBND–VHTT ngày 01/02/2024 yêu cầu UBND xã Kim Thái thực hiện việc quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia Phủ Dầy bao gồm cả việc treo biển tên di tích, biển hướng dẫn đường đến di tích theo đúng quy định của Luật Di sản văn hóa và Quyết định số 488/QĐ–BVHTTDL ngày 28/01/2021 của Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể Thao và Du lịch (VHTTDL).
Văn bản của Bộ VHTTDL gửi UBND tỉnh Nam Định có nội dung đề nghị chỉ đạo treo biển tên di tích theo Quyết định số 488 của Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện.
Ngày 28/3/2024, UBND huyện Vụ Bản cũng đã có Văn bản số 267/UBND–VHTT gửi Tạp chí Luật sư Việt Nam về một số bất cập trong quản lý di tích Phủ Dầy theo đơn thư kiến nghị của bạn đọc. Văn bản có nội dung ông Trần Khắc Thiềng, Chủ tịch UBND xã Kim Thái “lý giải” về việc chỉ đạo treo biển tên di tích tại Phủ Tiên Hương (với tên gọi khác là Phủ Chính, Phủ Chính Tiên Hương) là căn cứ vào Văn bản số 5712/BVHTTDL–DSVH báo cáo Phó Thủ tướng Phạm Hồng Hà; Văn bản 170/ BVHTTDL – DSVH ngày 17/01/2022 (gọi tắt là văn bản 170 ); Văn bản số 812/DSVH –DT ngày 11/10/2022 (gọi tắt là Văn bản 812) và theo chỉ đạo của các sở, ngành tỉnh Nam Định. Dựa vào các căn cứ nêu trên, ông Trần Khắc Thiềng khẳng định việc treo biển tên di tích tại Phủ Tiên Hương hiện nay (với tên gọi Phủ Chính, Phủ Chính Tiên Hương) là đúng quy định của Luật Di sản văn hóa và UBND xã Kim Thái đã thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Sở VHTTDL tại Văn bản số 41 và Văn bản 117 của UBND huyện.
Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, Luật sư Bùi Xuân Lai cho biết, ông Trần Khắc Thiềng đang “ngụy biện” để bao che cho việc “loạn” tên di tích. Bởi lẽ Văn bản 812 và 170 về bản chất là văn bản hành chính không thể điều chỉnh nội dung của một văn bản quy phạm pháp luật (Quyết định 488). Ngoài ra, theo Nghị định số 30/2020/NĐ-CP về công tác văn thư, các Văn bản 812 và 170 mặc nhiên đã không còn hiệu lực, khi Bộ VHTTDL đã kịp điều chỉnh bằng Văn bản 5671 ngày 22/12/2023 đề nghị UBND tỉnh Nam Định chỉ đạo các sở, ban ngành thực hiện tốt công tác quản lý di tích, trong đó có việc treo biển tên di tích theo Quyết định số 488 của Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện. Vì vậy, theo phân cấp phân quyền, Sở VHTTDL tỉnh Nam Định ban hành Văn bản số 41 và UBND huyện Vụ Bản ban hành Văn bản số 117 đề nghị UBND xã Kim Thái chỉ đạo việc treo biển tên di tích theo đúng tên gọi tại Quyết định số 488 (với tên gọi là Phủ Tiên Hương) là hoàn toàn tuân thủ các quy định của pháp luật. Do vậy, việc ông Trần Khắc Thiềng, Chủ tịch UBND xã Kim Thái “ngụy biện” để không thực hiện chỉ đạo các di tích treo biển tên theo Quyết định số 488 như Văn bản số 117 của UBND huyện Vụ Bản là thể hiện hành vi công khai bao che cho vi phạm.
Huyện có “yếu mềm”...?
Không những chỉ đạo bằng văn bản (Văn bản 117) mà tại Hội nghị giao ban của UBND huyện Vụ Bản ngày 20/02/2024 vừa qua, ông Nguyễn Khắc Xung, Chủ tịch UBND huyện cũng đã chỉ đạo Phòng Văn hóa và Thông tin phối hợp với UBND xã Kim Thái xử lý, dỡ bỏ các biển chỉ dẫn có ghi tên biển chưa đúng theo quy định tại di tích kiến trúc nghệ thuật Phủ Dầy.
Tên di tích và biển chỉ dẫn đường đến di tích không đúng với tên gọi di tích tại Quyết định số 488 của Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện.
Thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND huyện, Phòng Văn hóa và Thông tin đã có Văn bản số 33/VHTT–TH gửi UBND xã Kim Thái (trực tiếp là Chủ tịch UBND xã Trần Khắc Thiềng) khẩn trương xử lý, dỡ bỏ các biển chỉ dẫn có ghi tên biển chỉ dẫn chưa đúng trên địa bàn theo quy định và yêu cầu các di tích tháo dỡ, thay các băng rôn dễ gây hiểu lầm, tạo sự đồng thuận giữa các di tích... thực hiện xong trước ngày 28/3/2024.
Theo Quyết định số 488 của Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện, hiện nay di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia Phủ Dầy bao gồm Phủ Tiên Hương, Phủ Vân Cát, Lăng Mẫu Liễu Hạnh ( bỏ các di tích có liên quan). Còn theo quan sát của phóng viên, các biển tên di tích, biển chỉ dẫn đường đến di tích tại khu vực Phủ Vân Cát, Lăng Mẫu Liễu Hạnh đều đúng với tên gọi tại Quyết định số 488.
Tại khu vực Phủ Tiên Hương, vẫn thấy treo biển với tên gọi là Phủ Chính, biển chỉ dẫn đường đến di tích có tên là Phủ Chính, Phủ Chính – Phủ Dầy. Các tên gọi này đều không đúng với tên gọi tại Quyết định số 488. Đồng nghĩa với việc các biển không đúng quy định đều phải tháo dỡ, theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND huyện và Phòng Văn hóa và Thông tin.
Biển tên di tích và biển chỉ dẫn đường đến di tích với tên gọi di tích theo đúng Quyết định số 488 của Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện.
Theo Luật sư Hoàng Doanh Trung, Công ty Luật PSSLAWYERS, hiện tại chưa có bất kỳ văn bản nào của các cơ quan có thẩm quyền, bác bỏ hoặc thay thế, hiệu lực của Quyết định 488. Do đó, bất kỳ một văn bản nào của cấp dưới đi ngược với tinh thần, nội dung của Quyết định 488 đều không có giá trị về mặt pháp lý. Việc sử dụng tên di tích với tên gọi khác không đúng với tên gọi theo Quyết định 488 không những vi phạm pháp luật mà còn tạo ra sự bất bình đẳng trong cấu trúc thành phần của di tích Phủ Dầy.
“Cần khẳng định, việc UBND huyện Vụ Bản chỉ đạo UBND xã Kim Thái hướng dẫn các di tích treo biển tên di tích theo Quyết định 488 và tháo dỡ các biển tên, băng rôn chưa đúng quy định tại di tích Phủ Dầy là thực hiện đúng chức năng nhiệm vụ trong quản lý và bảo vệ di tích theo phân cấp phân quyền. Tuy nhiên cũng thể hiện có sự “mềm yếu” trong hành động khi mà các chỉ đạo vẫn chỉ nằm trên giấy (chưa được cấp dưới thực thi). Một vấn đề rất cần được UBND huyện Vụ bản làm rõ, là phải chăng có một “nhóm lợi ích” đang lợi dụng danh nghĩa quản lý di tích, thao túng cả hệ thống chính quyền cấp xã để mưu cầu lợi ích khi mà ông Trần Khắc Thiềng “bất tuân” chỉ đạo của huyện?", Luật sư Trung nhấn mạnh.
Quan điểm của UBND huyện Vụ Bản xung quanh vấn đề “loạn” tên di tích sẽ thông tin trong kỳ tiếp theo.
TẢ THANH THIÊN