Ảnh minh hoạ.
Khai hoang, lấn biển theo chủ trương hay lấn chiếm?
Qua sự phản ánh bức xúc của công dân nay cũng đã tầm tuổi “xưa nay hiếm” là ông Nguyễn Tròn (sinh năm 1944, quê ở Thôn Tây, xã Mỹ Thắng, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định) về hai bản án hành chính sơ thẩm và phúc thẩm. Lý do là cả hai bản án đều bác yêu cầu khởi kiện của ông đối với Quyết định số 5699/QĐ-UBND ngày 15/9/2021 của UBND huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định về giải quyết khiếu nại đất đai với các nhận định và quyết định chưa thuyết phục xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của người khiếu kiện.
Theo ông Nguyễn Tròn trình bày, vào năm 1984, gia đình ông đã bắt đầu canh tác tại vùng đất thuộc Hòn Tràm thuộc xã Mỹ Thắng, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định, gia đình đã khai hoang được diện tích 138.786,4m2 (thuộc thửa số 68, tờ bản đồ đất lâm nghiệp số 2) và sử dụng ổn định, lâu dài đủ điều kiện để đề nghị nhà nước công nhận quyền sử dụng đất.
Để chứng minh cho việc tạo lập, sử dụng hợp pháp ông cho rằng, vào năm 1990, gia đình ông có đơn xin trồng cây liễu trên bãi cát ven biển với diện tích 5ha tại vị trí Hòn Tràm Lớn, đã được Chủ tịch UBND xã Mỹ Thắng thời điểm đó xác nhận: “…UBND xã nhất trí cho phép hộ anh Tròn được canh tác trồng cây lâm nghiệp và có quyền sử dụng kể cả thừa kế con cháu trong gia đình được lâu dài và chịu trách nhiệm đóng thuế…”.
Sau một thời gian khai hoang, phục hóa, cải tạo và trồng cây gây rừng tại vị trí đất đã được chấp thuận của UBND xã. Ngày 20/6/1997, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Định có thỏa thuận với hộ gia đình ông Tròn về việc ký hợp đồng triển khai tiến bộ khoa học kỹ thuật đến hộ nông dân mô hình nông lâm kết hợp, thời gian thực hiện là 12 tháng. Do gia đình ông đã canh tác ổn định, lâu dài từ những năm 80 cho đến năm 2015 (Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực) không có ai tranh chấp nên đến năm 2015, hộ gia đình ông Nguyễn Tròn có đơn yêu cầu công nhận quyền sử dụng đất đối với phần đất nêu trên. Do không được Nhà nước công nhận toàn bộ quyền sử dụng đất đã được tạo lập từ năm 1984, ông Tròn có đơn khiếu nại UBND huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định.
UBND huyện Phù Mỹ ra Quyết định giải quyết khiếu nại số 5699/QĐ-UBND ngày 15/9/2021 có nội dung: Công nhận một phần nội dung khiếu nại của ông Nguyễn Tròn về khiếu nại liên quan đến đề nghị cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình ông tại khu vực có tục danh Hòn Tràm Lớn, xã Mỹ Thắng, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định. Công nhận diện tích 5ha đất do ông Tròn xin khai hoang sử dụng từ năm 1990 là phù hợp với quy hoạch sử dụng đất. Không công nhận nội dung khiếu nại của ông Tròn về diện tích 4ha nằm trong dự án điện năng lượng mặt trời xã Mỹ Thắng, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định và phần diện tích 4,88ha nằm ở phía tây thửa đất, hộ gia đình ông Nguyễn Tròn sử dụng sau ngày 01/7/2004. Không đồng ý với Quyết định giải quyết khiếu nại của UBND huyện, ông Tròn khởi kiện vụ án hành chính đối với Quyết định số 5699 của UBND huyện Phù Mỹ ra Toà án nhân dân tỉnh Bình Định.
Bản án sơ thẩm số 64/2022/HC-ST ngày 21/10/2022 của TAND tỉnh Bình Định tuyên xử: “Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Nguyễn Tròn về việc yêu cầu Tòa án hủy một phần quyết định 5699/QĐ-UBND ngày 15/9/2015 của Chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định về việc không công nhận nội dung khiếu nại của ông Nguyễn Tròn đối với diện tích 0,4ha nằm phía Tây thửa đất của ông Nguyễn Tròn sử dụng sau ngày 01/7/2004.”
Bản án hành chính phúc thẩm số 153/2023/HC-PT ngày 18/5/2023 của Toà án nhân dân Cấp cao tại Đà Nẵng tuyên xử: “Bác kháng cáo của người khởi kiện ông Nguyễn Tròn… và giữ nguyên quyết định của bản án sơ thẩm”.
Bất ổn về căn cứ để không công nhận quyền sử dụng đất
Nguyên nhân phát sinh khiếu kiện hành chính từ việc công nhận hay không công nhận quyền sử dụng đất tại địa phương (UBND huyện Phù Mỹ), khi có khiếu nại về việc công nhận quyền sử dụng đất của hộ gia đình ông Tròn thì UBND huyện mới bắt đầu xác minh, kiểm tra hiện trạng để ban hành quyết định giải quyết khiếu nại. Theo đó, UBND huyện giao cho Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phù Mỹ kiểm tra kết quả, ngày 07/5/2015, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có văn bản số 30/BC-NN về việc kết quả kiểm tra, trả lời đơn của ông Nguyễn Văn Tròn. Nội dung như sau: “…qua sự chỉ dẫn của ông Tròn, tổ công tác tiến hành đo đạc thực tế khu đất với diện tích 90.000m2, trong đó diện tích trong quy hoạch thuộc chức năng phòng hộ 40.000m2, có hiện trạng trồng cây keo và điều đang phát triển bình thường, diện tích còn lai 50.000m2 thuộc đất quy hoạch ngoài lâm nghiệp hiện trạng cây keo , cây điều rải rác và chủ yếu là đất trống”. Từ đó ra kết luận: “…thửa đất đã bỏ hoang trong thời gian dài”. Vấn đề là ngay kết luận đã mâu thuẫn với chính nội dung kiểm tra, khi kiểm tra thì đang trồng cây, mà kết luận là …bỏ hoang, để không đủ …điều kiện để giao đất?. Chính từ báo cáo này, UBND huyện Phù Mỹ mới cho rằng có căn cứ để không công nhận quyền sử dụng đất.
Theo trình bày ông Tròn không hề tham gia hướng dẫn, hay chỉ ranh đất cho tổ công tác, cho nên báo cáo ghi nhận là theo hướng dẫn của ông Tròn là không đúng, không trung thực. Hơn nữa, việc kiểm tra thực địa thì phải lập thành biên bản để làm cơ sở cho báo cáo mới phù hợp với quy định của pháp luật.
Thế nhưng, kết quả do Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện thực hiện do chỉ đạo của Chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ phối hợp với UBND xã Mỹ Thắng liên quan đến việc cấp giấy chứng nhận cho hộ ông Tròn có nội dung cho rằng: “…lấn chiếm sử dụng sau ngày 01/7/2004 không được công nhận!” Trong khi đó, hộ gia đình của ông Tròn đã sử dụng suốt từ những năm 80, và tiếp tục cho đến khi có dự án nhà máy điện mặt trời của tỉnh Bình Định.
Cần nói thêm là hộ gia đình ông Tròn tạo lập và sử dụng toàn bộ diện tích đất nêu trên nên mới có việc Sở Khoa học công nghệ và Môi trường tỉnh Bình Định triển khai thỏa thuận ký kết hợp đồng ngày 20/6/1997, Sở Khoa học công nghệ và Môi trường về mô hình kết hợp nông lâm kết hợp.
Dẫn đến đánh giá chứng cứ của tòa án không khách quan, toàn diện
Cũng từ căn cứ để UBND ban hành quyết định giải quyết khiếu nại về không công nhận quyền sử dụng đất của hộ gia đình ông Tròn. Toà án nhân dân các cấp cũng dựa và chứng cứ này của đại diện UBND huyện Phù Mỹ để xác định bác yêu cầu khởi kiện của ông Tròn Ủy ban cho rằng: “thời điểm năm 2015, diện tích đất 4ha đã quy hoạch chức năng phòng hộ do Ban quản lý rừng phòng hộ Phù Mỹ quản lý sử dụng theo Quyết định số 10 và 358 của UBND tỉnh Bình Định. Đối với diện tích 5ha thuộc diện tích ngoài lâm nghiệp, gồm 1,2ha trồng keo lai, có chuồng trại chăn nuôi, khoản 500m2 trồng dưa, diện tích còn lại thuộc chủ yếu là đất trống, đất ngập nước và một số cây điều già cỗi (bao nhiêu cây già cỗi, bao nhiêu diện tích ngập nước không có biên bản nào ghi nhận).
Như vậy, xét nguồn gốc sử dụng của hộ gia đình ông Tròn, có căn cứ để được nhà nước công nhận quyền sử dụng đất hoặc được đền bù, bồi thường thiệt hại trong quá trình nhà nước thu hồi đất như trường hợp có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Theo quy định tại khoản 2 Điều 101Luật Đất đai năm 2013 quy định: “Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không có các giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này nhưng đất đã được sử dụng ổn định từ trước ngày 01 tháng 7 năm 2004 và không vi phạm pháp luật về đất đai, nay được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận là đất không có tranh chấp, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị, quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt đối với nơi đã có quy hoạch thì được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất”. Việc không công nhận quyền sử dụng đất đối với trường hợp trên là chưa phù hợp với tinh thần của Luật Đất đai cũng như việc đánh giá chứng cứ chưa khách quan, toàn diện.
Ngoài ra, tòa án các cấp cũng đưa ra chủ trương của tỉnh, cũng như các dự án của các doanh nghiệp và quyết định thu hồi đất của tỉnh để hướng bản chất của vụ án sang hướng quyền sử dụng đất bị nhà nước thu hồi vì mục đích kinh tế... để tránh việc đánh giá tính hợp pháp của nguồn gốc đất khai phá của hộ gia đình ông Tròn và cũng là căn cứ để bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện là bất ổn, thiếu cơ sở pháp lý để quyết định mang tính thuyết phục.
Cần khắc phục bằng việc xét lại bản án đã có hiệu lực pháp luật
Khoản 2 Điều 9 Luật Đất đai năm 2013 quy định: “Nhà nước có chính sách khuyến khích người sử dụng đất đầu tư lao động, vật tư tiền vốn và áp dụng thành tựu khoa học, công nghệ vào các việc khai hoang, phục hóa, lấn biển, đưa diện tích đất trống, đồi núi trọc, đất có mặt nước hoang hóa vào sử dụng theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất...”. Từ sau năm 1975, gia đình ông Tròn cũng đã thực hiện chủ trương, chính sách của đảng, nhà nước về khai hoang, phục hóa, trồng cây chắn gió, biển, bỏ ra bao mồ hôi, công sức để gìn giữ, cải tạo và bồi bổ đất đai, họ là người xứng đáng để được thừa hưởng thành quả lao động chính đáng của mình. Do đó, Toà án nhân dân Tối cao cần xét lại hai bản án nêu trên một cách thấu tình, đạt lý trả lại sự công bằng, trả lại cho họ những gì xứng đáng nhất bằng mồ hôi, công sức của người nông dân suốt đời gắn bó với cách mạng, với đảng và cũng là việc khẳng định việc xét xử các vụ án hành chính phải dựa trên cơ sở cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân đều bình đẳng trước pháp luật, độc lập hoàn toàn trong công tác xét xử.
Luật sư TRẦN HỢP