Ông Nguyễn Thanh Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ kiểm tra điểm sạt sở tại xã Trung Sơn
Theo báo cáo của huyện Yên Lập, do ảnh hưởng mưa, lũ lớn đêm 25/6/2024 và rạng sáng 26/6/2024 đã làm sạt lở mái taluy dương 5 tuyến đường giao thông liên khu trên địa bàn xã Trung Sơn với 19 điểm sạt lở, khối lượng đất đá sạt lở khoảng 27.000 m3, lũ cuốn trôi 1 cầu tạm...
Ngay sau khi xảy ra sạt lở, huyện đã huy động máy móc, phương tiện đào, xúc, xử lý đất bị sạt lở gây ảnh hưởng giao thông; hỗ trợ và hướng dẫn Nhân dân khẩn trương khắc phục tạm thời các cơ sở vật chất bị hư hại; đồng thời tiếp tục thống kê, rà soát khắc phục thiệt hại trên địa bàn. Tuy nhiên do tình trạng mưa lớn kéo dài liên tục khiến các tuyến đường liên thôn thuộc xã Trung Sơn bị sạt lở, đến nay đã có tổng số 21 điểm sạt lở...
Kiểm tra tình hình thực tế tại điểm sạt lở, ông Nguyễn Thanh Hải đề nghị huyện Yên Lập theo dõi chặt chẽ các bản tin cảnh báo, dự báo, diễn biến mưa, lũ; kịp thời thông tin, cảnh báo đến các xã, thị trấn và người dân để chủ động phòng, tránh, ứng phó; đảm bảo an toàn về con người, tài sản cho các hộ dân, hạn chế tối đa thiệt hại.
Các điểm sạt lở, có nguy cơ sạt lở cần cảnh báo, khoanh vùng khu vực nguy hiểm; theo dõi chặt chẽ tình trạng sạt lở trên tinh thần phải đảm bảo an toàn về tính mạng, tài sản của người dân; tổ chức khơi thông dòng chảy, xử lý kịp thời các sự cố công trình; bố trí lực lượng ứng trực tại các khu vực trọng điểm, xung yếu để sẵn sàng ứng cứu, cứu hộ cứu nạn khi có sự cố thiên tai xảy ra. Ông Nguyễn Thanh Hải cũng yêu cầu huyện Yên Lập chủ động phương án đảm bảo an toàn đê điều, hồ đập; hạn chế thiệt hại đối với nuôi trồng thủy sản, sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và công trình hạ tầng...
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Hải và đoàn cũng đã đi thăm, kiểm tra tình hình sản xuất và mô hình phát triển nông nghiệp trên địa bàn huyện. Ông đã đánh giá cao sự quan tâm, nỗ lực của huyện đối với sản xuất nông nghiệp. Đồng thời đề nghị huyện Yên Lập tiếp tục khai thác tiềm năng về đất đai, phát triển trồng trọt, chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng rừng sản xuất; chú trọng lựa chọn các cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao vào sản xuất theo hướng hàng hóa nhằm nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
THƯƠNG NGUYỄN