/ Pháp luật - Đời sống
/ Phước Long, Bình Phước: Thẩm phán giải quyết án bằng cách cho đương sự vay tiền bị xử lý do vi phạm pháp luật

Phước Long, Bình Phước: Thẩm phán giải quyết án bằng cách cho đương sự vay tiền bị xử lý do vi phạm pháp luật

10/04/2024 09:20 |

(LSVN) - Liên quan đến vụ việc Thẩm phán Nguyễn Thị Minh Nghĩa, Tòa án nhân dân (TAND) thị xã Phước Long, tỉnh Bình Phước giải quyết vụ án bằng cách cho đương sự vay tiền mà Tạp chí Luật sư đã phản ánh. Mới đây, Chánh án TAND tỉnh Bình Phước đã ban hành Kết luận nội dung tố cáo số 01/KL-CA ngày 11/3/2024 xác định Thẩm phán Nguyễn Thị Minh Nghĩa có vi phạm pháp luật; giao Phòng Tổ chức cán bộ, thanh tra – Thi đua khen thưởng phối hợp với Chánh án TAND thị xã Phước Long, tỉnh Bình Phước tổ chức kiểm điểm rút kinh nghiệm và xử lý đối với bà Nguyễn Thị Minh Nghĩa theo quy định của pháp luật.

Kết luận nội dung tố cáo.

Chánh án TAND thị xã nói không vi phạm

Vụ việc được phát hiện khi Thẩm phán Nghĩa được Chánh án TAND thị xã Phước Long phân công giải quyết vụ án dân sự thụ lý số 21/2022/TLST-DS ngày 07/4/2022 về việc “Tranh chấp hợp đồng mua bán tài sản” giữa Nguyên đơn bà V.T. Lương và Bị đơn bà T.T.Q. Trâm.

Mặc dù, có mối quan hệ quen biết với cả nguyên đơn và bị đơn nhưng bà Nghĩa không từ chối tiến hành tố tụng, trái lại bà Nghĩa lại giải quyết vụ án theo kiểu “khác thường”, bằng cách cho bị đơn viết giấy mượn tiền, đích thân Thẩm phán Nghĩa tự mình giao tiền cho nguyên đơn.  Chưa dừng lại, Thẩm phán Nghĩa còn “phớt lờ” những khoản tiền bị đơn trả nợ cho nguyên đơn dẫn đến vụ việc trở nên phức tạp gây khiếu nại, tố cáo.

Hành vi của Thẩm phán Nghĩa rõ ràng có vi phạm pháp luật, vi phạm quy tắc đạo đức và ứng xử của thẩm phán. Thế nhưng, khi giải quyết tố cáo từ đơn của ông Nguyễn Thái Cường (người phát hiện vụ việc), thì ông Hoàng Ngọc Bân, Chánh án TAND Thị xã Phước Long lại ban hành kết luận nội dung tố cáo số 02/2023/KL-TA  ngày 12/5/2023 khẳng định Thẩm phán Nghĩa chỉ vi phạm nội quy cơ quan, quy chế hoạt động của đơn vị, từ đó, ông Bân cho rằng ông Cường tố cáo không có căn cứ.

Chánh án TAND tỉnh  xác định có vi phạm

Nhận thấy nội dung kết luận của Chánh án Bân là chưa đầy đủ, không khách quan và có dấu hiệu bao che hành vi vi phạm của Thẩm phán Nghĩa nên ông Nguyễn Thái Cường tiếp tục có đơn tố cáo đến Chánh án TAND tỉnh Bình Phước để giải quyết. 

Sau thời gian xác minh, làm rõ, ngày 11/3/2024, bà Phạm Thị Bích Thủy, Chánh án TAND tỉnh Bình Phước đã ban hành Kết luận nội dung tố cáo số 01/KL-CA đối với bà Nguyễn Thị Minh Nghĩa, Thẩm phán sơ cấp TAND thị xã Phước Long, tỉnh Bình Phước xác định Thẩm phán Nghĩa có vi phạm pháp luật và việc ông Cường tố cáo là có cơ sở.

Kết luận của Chánh án TAND tỉnh Bình Phước đã chỉ ra những vi phạm của Thẩm phán Nghĩa và giải quyết tố cáo của Chánh án TAND thị xã Phước Long là chưa phù hợp, cụ thể:

- Tại Quyết định giám đốc thẩm số 287/2023/DS-GĐT ngày 21/11/2023 của TAND cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh đối với vụ án "Tranh chấp hợp đồng mua bán tài sản" giữa nguyên đơn V.T Lương và bị đơn T.T.Q Trâm đã hủy Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự số 08A/2022/QĐST-DS ngày 17/5/2022 của TAND thị xã Phước Long, tỉnh Bình Phước do Tòa án chưa thu thập chứng cứ, chưa thực hiện đầy đủ việc chứng minh, dẫn đến công nhận sự thỏa thuận của các đương sự chưa phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án. Như vậy, nội dung tố cáo về việc Thẩm phán Nghĩa vi phạm pháp luật trong quá trình giải quyết vụ án là có căn cứ.

- Đối với nội dung Thẩm phán Nguyễn Thị Minh Nghĩa cho bà T.T.Q Trâm vay 01 tỉ đồng để bà Trâm trả cho bà V.T Lương, Thẩm phán Nghĩa xác định là chỉ cho bà Trâm mượn không có lãi và chỉ vì thiện chí, không có tư lợi cá nhân là đúng, tuy nhiên việc Thẩm phán Nghĩa cho rằng đó là việc cá nhân của mình và không vi phạm là không đúng, bởi lẽ: Về nguyên tắc công chức chỉ được làm những việc pháp luật cho phép, việc làm của bà Nghĩa đã vi phạm Quy định 87, cụ thể: Khoản 1 Điều 5 quy định: "Thẩm phán phải vô tư, khách quan, thực hiện nhiệm vụ một cách đúng đắn, không vì lợi ích cá nhân, không thiên vị bất cứ bên nào trong vụ việc” và điểm đ khoản 1 Điều 10 quy định: “Thẩm phán phải từ chối tiến hành tố tụng theo quy định của pháp luật”. Thẩm phán Nghĩa xác định mình quen biết với cả nguyên đơn Lương và bị đơn Trâm nhưng không từ chối tiến hành tố tụng nhằm đảm bảo vụ án được giải quyết khách quan, công bằng là vi phạm quy tắc đạo đức và ứng xử của Thẩm phán. Trong khi giải quyết vụ án, Thẩm phán Nghĩa tiếp tục cho bị đơn vay 01 tỉ đồng (bà Trâm viết giấy vay tiền và bà Lương nhận tiền đều tại phòng làm việc của bà Nghĩa) để bị đơn trả nợ cho nguyên đơn là không vô tư khi làm nhiệm vụ; sau khi lập biên bản hòa giải thành, Thẩm phán đã nhận tiền của bị đơn để giao cho nguyên đơn, nhưng không quan tâm bị đơn đưa tiền cho mình để làm gì, không hỏi rõ là không thuyết phục, điều này đã làm cho các đương sự và Thẩm phán phát sinh tranh chấp, khiếu nại, tố cáo.

-Kết luận số 02/2023/KL-CA ngày 12/5/2023 của Chánh án TAND thị xã Phước Long xác định Thẩm phán Nghĩa có vi phạm nội quy cơ quan, quy chế hoạt động của đơn vị, tạo hiểu lầm là tiêu cực trong khi tiến hành tố tụng - vi phạm này được quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 11 Quy định 87, cụ thể: "Chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật, quy định, quy chế làm việc của cơ quan, đơn vị”, nhưng Kết luận tố cáo Chánh án TAND thị xã Phước Long lại cho rằng tố cáo không có cơ sở là chưa phù hợp.

Như vậy, nội dung tố cáo đối với Thẩm phán Nguyễn Thị Minh Nghĩa là có cơ sở, cụ thể Thẩm phán Nguyễn Thị Minh Nghĩa đã vi phạm khoản 1 Điều 5, điểm đ khoản 1 Điều 10 và điểm đ khoản 1 Điều 11 Quy định 87.

Từ nội dung nêu trên, Chánh án Phạm Thị Bích Thủy kết luận: Nội dung tố cáo bà Nguyễn Thị Minh Nghĩa, Thẩm phán sơ cấp TAND thị xã Phước Long, tỉnh Bình Phước vi phạm pháp luật được quy định tại khoản 3 Điều 48 và Điều 345 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015; vi phạm quy tắc ứng xử của Thẩm phán được quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 10 Quy định 87 trong quá trình giải quyết vụ án là có cơ sở được chấp thuận.

Đối với vi phạm pháp luật trong quá trình giải quyết vụ án dân sự, Chánh án TAND tỉnh Bình Phước giao Chánh án TAND thị xã Phước Long xử lý trách nhiệm của người giữ chức danh tư pháp theo quy định; Giao Phòng Tổ chức cán bộ, thanh tra – Thi đua khen thưởng phối hợp với Chánh án TAND Thị xã Phước Long, tỉnh Bình Phước tổ chức kiểm điểm rút kinh nghiệm và xử lý đối với bà Nguyễn Thị Minh Nghĩa theo quy định pháp luật.

Vẫn chưa làm rõ về số tiền 01 tỉ đồng

Khi nhận được kết quả giải quyết tố cáo từ thông báo của TAND tỉnh Bình Phước, ông Nguyễn Thái Cường cho biết rất trân trọng và gửi lời cảm ơn đến bà Phạm Thị Bích Thủy, Chánh án TAND tỉnh Bình Phước đã quan tâm đến người tố cáo, giải quyết khách quan, công tâm. Ông Cường hy vọng ông Bân, Chánh án TAND thị xã Phước Long kiểm điểm lại việc giải quyết tố cáo sai của mình và có hình thức xử lý nghiêm đối với Thẩm phán Nghĩa.

Tuy nhiên, tại đơn tố cáo mới nhất,ông Cường vẫn tiếp tục đề nghị lãnh đạo TAND tiếp tục làm rõ, đến nơi, đến chốn về nguồn gốc số tiền 01 tỉ đồng mà Thẩm phán Nghĩa đưa cho nguyên đơn tại phòng làm việc của thẩm phán; về trách nhiệm kê khai tài sản...

Trong đơn, ông Cường trình bày: Tại văn bản giải trình nội dung tố cáo và biên bản làm việc trực tiếp với người bị tố cáo của TAND tỉnh: Thẩm phán Nghĩa xác định số tiền 01 tỉ đồng cho bà Trâm vay là tiền cá nhân của bà, do gia đình dành dụm, tích góp được; Thẩm phán Nghĩa chưa kê khai năm 2022 vì bà Trâm chưa trả cho bà cũng như không rõ quy định về kê khai tài sản thu nhập.

Ông Cường cho rằng, việc giải trình của Thẩm phán Nghĩa là thiếu trung thực, không thể chấp nhận được, bởi:

Thứ nhất, tại giấy cho vay tiền nội dung thể hiện bà T.T.Q Trâm nợ Thẩm phán Nghĩa số tiền 01 tỉ đồng. Số tiền này thẩm phán Nghĩa cất giữ tại phòng làm việc của Tòa án, tự mình giao tiền cho nguyên đơn Lương thay cho bị đơn Trâm.

Thứ hai, Thẩm phán Nghĩa cho rằng số tiền 01 tỉ đồng là tiền của cá nhân, tiền do gia đình dành dụm nhưng chưa có tài liệu, chứng cứ nào chứng minh đó là tiền dành dụm từ gia đình. Cho dù có phần tiền dành dụm từ gia đình, Thẩm phán Nghĩa cũng phải có nghĩa vụ kê khai theo khoản 1 Điều 33 Luật Phòng, chống tham nhũng:  “Người có nghĩa vụ kê khai phải kê khai tài sản, thu nhập và biến động về tài sản, thu nhập của mình, của vợ hoặc chồng, con chưa thành niên theo quy định của Luật này”.

Tuy nhiên, Thẩm phán Nghĩa đã không kê khai là vi phạm quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức được quy định tại điểm n khoản 1 Điều 10 Nghị định 130/2020/NĐ-CP về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị quy định: “Thẩm phán là người có nghĩa vụ kê khai hằng năm theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 36 của Luật Phòng, chống tham nhũng” và khoản 2 Điều 33 Luật Phòng, chống tham nhũng: “ Người có nghĩa vụ kê khai phải kê khai trung thực về tài sản, thu nhập, giải trình trung thực về nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm theo trình tự, thủ tục quy định tại Luật này và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc kê khai tài sản, thu nhập".

Mặt khác, theo ông Cường: Việc Thẩm phán Nghĩa viện lý do “chưa kê khai năm 2022 vì bà Trâm chưa trả cho bà cũng như không rõ quy định về kê khai tài sản thu nhập” là hết sức mâu thuẫn, bởi lẽ: Thẩm phán Nghĩa là người được Chủ tịch nước bổ nhiệm để nhân danh Nhà nước thực hiện quyền tư pháp nên bà Nghĩa phải có nghĩa vụ thường xuyên học tập, rèn luyện, tích lũy kinh nghiệm để nâng cao kiến thức pháp luật, trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Đặc biệt, phải luôn tự cập nhật thông tin để nắm bắt đầy đủ, kịp thời, sâu sắc về sự phát triển của pháp luật, các vấn đề quan trọng của đời sống chính trị, kinh tế, xã hội trong nước và quốc tế, hỗ trợ cho việc áp dụng pháp luật đúng đắn nhất, phù hợp với lẽ phải được quy định tại Điều 9 Bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử của Thẩm phán về năng lực và sự chuyên cần. Do đó, cho thấy những hạn chế, yếu kém và biểu hiện thiếu tinh thần trách nhiệm trong công việc của bà Nguyễn Thị Minh Nghĩa, Thẩm phán sơ cấp thị xã Phước Long, tỉnh Bình Phước.

Ông Cường cho biết, sẽ tiếp tục gửi đơn tố cáo đến Ban Nội chính tỉnh Bình Phước, TAND tỉnh Bình Phước, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Hội đồng tuyển chọn, giám sát thẩm phán quốc gia đối với các hành vi vi phạm pháp luật của Thẩm phán Nghĩa.

QUỐC ĐẠT

Vụ hủy hoại rừng ở Krông Pa: Vì sao tòa phúc thẩm tuyên hủy án sơ thẩm?

Nguyễn Hoàng Lâm