(LSO) - Nếu dịch bệnh phức tạp hơn, Bộ Giáo dục và Đào tạo tính toán đến phương án không tổ chức kỳ thi THPT quốc gia mà giao cho các địa phương xét tốt nghiệp THPT. Vậy việc giao cho các địa phương quyết định thì liệu có xảy ra tiêu cực khi một số trường ĐH, CĐ căn cứ vào kết quả học tập trên học bạ và kết quả xét tuyển để tuyển sinh?
Theo ông Nguyễn Xuân Khang – Hiệu trưởng Trường Marie Curie (Hà Nội), đối với trường hợp không tổ chức thi, đưa về các tỉnh, các địa phương để xét tốt nghiệp THPT, về mặt thủ tục chỉ cần báo cáo với Quốc hội để thông qua. Đã có tiền lệ nhiều năm nay, THCS làm thế nào thì THPT làm thế đấy.
"Hiện nay, THCS xét tốt nghiệp cho học sinh lớp 9, lập tờ trình kèm theo danh sách đưa lên Phòng Giáo dục, Phòng Giáo dục căn cứ vào đó ban hành công nhận tốt nghiệp. Sau đó, gửi tiếp lên Sở Giáo dục quyết định cấp bằng tốt nghiệp cho học sinh. Thì nay THPT cũng tương tự, nếu không thi, thì các trường THPT xét, lập tờ trình kèm theo danh sách tốt nghiệp. Sở Giáo dục căn cứ vào đó ban hành quyết định công nhận", ông Khang nói.
Đối với phần tuyển sinh đại học (ĐH), trong tình huống đó, các trường ĐH, CĐ phải chủ động cách tuyển sinh cho mình. Ví dụ như xét học bạ, liên kết với nhau tổ chức thi. Như ở Hà Nội đã có nhiều trường lớn chủ động tổ chức thi đánh giá năng lực học sinh như Đại học quốc gia Hà Nội, Đại học Bách khoa Hà Nội,... Những trường thuộc nhóm yếu thế hơn, có thể liên kết với các trường để lấy kết quả kì thi đấy để tuyển sinh cho trường mình.
Điểm mỗi nơi một khác
Ở nhiều trường ĐH, CĐ trên thế giới đã thực hiện xét tuyển thí sinh vào trường dựa vào kết quả học THPT vì hầu như ý thức học tập của học sinh rất nghiêm túc, phụ huynh không quá coi trọng cho con vào học đại học nên không có chuyện tiêu cực. Các trường ĐH, CĐ tin tưởng vào bảng điểm, học bạ đánh giá năng lực học tập, rèn luyện của học sinh.
Còn ở Việt Nam, nhiều trường ĐH, CĐ chưa thực sự tin tưởng vào bảng điểm, học bạ THPT vì nhiều lớp học ở cùng một trường còn có sự khác biệt trong việc chấm điểm; giữa các tỉnh, thành phố còn chạy theo “bệnh thành tích” trong đào tạo…
Ông Đặng Đình Đại - Hiệu trưởng Trường THPT Wellspring Hà Nội cho rằng, việc chấm điểm vào học bạ cho học sinh ở mỗi trường sẽ khác nhau. Ví dụ như một học sinh học ở lớp A thì có thể được điểm 6 môn Toán, nhưng khi học ở lớp B, lớp C thì có thể được chấm điểm 7, 8.
Mặc dù đã có thang điểm chuẩn nhưng đề kiểm tra, thi học kỳ giữa trường học này và trường học kia lại khác nhau. Đề thi của trường THPT đứng tốp đầu khó hơn những trường tốp giữa, tốp dưới. Thí sinh đạt điểm 8 môn Toán của trường tốp đầu khác với thí sinh đạt điểm 8 của trường tốp giữa, tốp dưới.
Bà Lê Thị Chung – Hiệu trưởng Trường THPT Krong Nô (Đắk Nông) cũng đồng ý với quan điểm này: "Nếu mà xét tuyển thì có sự chênh lệch ngay ở trong tỉnh là giữa các trường, quy mô rộng hơn là các địa phương có sự chênh lệch lớn thậm chí rất lớn, tính công bằng sẽ không thể bằng tổ chức thi kỳ tốt nghiệp THPT quốc gia".
Tình trạng “chạy điểm” để có học bạ "đẹp"
Nhiều người cho rằng, hình thức xét tuyển này dễ dẫn đến tình trạng tiêu cực hơn so với thi như hiện tại bởi dễ nảy sinh cơ chế “xin - cho”, hay việc phụ huynh “chạy điểm” để có học bạ đẹp cho con nhằm tăng thêm cơ hội trúng tuyển vào các trường ĐH, CĐ. Theo thầy Đại, chuyện phụ huynh “chạy điểm” để có học bạ đẹp cho con nhằm tăng thêm cơ hội trúng tuyển vào các trường ĐH, CĐ là có. Nhưng nếu Sở Giáo dục và đào tạo các địa phương phát hiện ra tiêu cực này thì nên có hình thức xử lý nghiêm hiệu trưởng, giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn để cảnh báo các trường THPT khác không được làm như vậy. Việc xử lý này nên được đưa ra công khai, minh bạch.
Tiến sĩ Vũ Thu Hương, Đại học Sư phạm Hà Nội cũng bày tỏ sự lo lắng về vấn đề này: "Việc xét tốt nghiệp thực chất không có nhiều giá trị với các gia đình. Vì thế, họ sẽ không đầu tư tiền bạc và công sức để chạy chọt nếu con em của họ chắc chắn tốt nghiệp. Nhưng nếu các trường ĐH, CĐ lại sử dụng hình thức xét duyệt để tuyển sinh thì việc tiêu cực chắc chắn sẽ diễn ra".
Bày tỏ quan điểm về việc xét tuyển, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Quốc Triệu - Trưởng phòng Đào tạo, Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, hình thức này không công bằng với tất cả các thí sinh và thậm chí không xét được. Các trường nhóm đầu xét học bạ sẽ “vỡ trận” vì không có sự khác nhau giữa các thí sinh nên phương án này không khả thi.
Để ngăn chặn tiêu cực như “chạy” điểm, “chạy” học bạ, ngành giáo dục cần tăng cường tuyên truyền, nâng cao ý thức trách nhiệm đối với trường học, giáo viên, phụ huynh về đào tạo và giáo dục cho học sinh một cách thực chất.
NHÓM PV