Ảnh minh hoạ.
Thay mặt Chính phủ, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn vừa gửi văn bản tới Đoàn Giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, phương án đổi mới thi tốt nghiệp THPT...
Trước đó, Đoàn Giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông chỉ ra rằng: "Cho đến nay, văn bản hướng dẫn về phương thức và nội dung thi tốt nghiệp THPT theo chương trình giáo dục phổ thông mới chưa được ban hành, là một trong những nguyên nhân gây khó khăn cho học sinh trong việc định hướng chọn tổ hợp môn học đối với lớp 10 năm học 2022 - 2023; đội ngũ giáo viên lúng túng trong việc điều chỉnh cách dạy học, phương thức thi, kiểm tra đánh giá".
Văn bản của Chính phủ gửi Đoàn Giám sát cho biết, sau khi ban hành Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ GD&ĐT nghiên cứu, đề xuất từ rất sớm các phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 theo hướng đánh giá được phẩm chất, năng lực cần thiết đối với người học.
Theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn, phương án thi tốt nghiệp từ năm 2025 về cơ bản kế thừa được phương thức và cách thức tổ chức thi như hiện nay, bảo đảm tính đồng bộ về độ tin cậy của kết quả đánh giá để các bên liên quan có thể khai thác sử dụng cho các mục đích khác nhau, trong đó có các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp thực hiện xét tuyển sinh theo tinh thần tự chủ được Luật Giáo dục đại học quy định.
Phương thức tổ chức thi chung đề, chung đợt đối với cả môn học bắt buộc và môn học lựa chọn trên phạm vi rộng và cho học sinh tự quyết chọn môn học để dự thi tốt nghiệp trong các môn học lựa chọn ở trường phổ thông cơ bản đáp ứng được yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông 2018, phù hợp với cách thức chọn môn học lựa chọn của học sinh.
Ngày 17/3, Bộ GD&ĐT công bố dự thảo phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, nhằm lấy ý kiến rộng rãi người dân với nhiều điểm mới. Trong đó, thí sinh học chương trình THPT dự thi 6 môn, gồm: 4 môn học bắt buộc gồm Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ, Lịch sử và 2 môn học lựa chọn.
Về môn thi, hình thức thi, Bộ GD&ĐT tổ chức thi theo môn, trong đó các môn học bắt buộc, gồm: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ, Lịch sử đối với giáo dục phổ thông; Ngữ văn, Toán, Lịch sử đối với giáo dục thường xuyên và các môn học lựa chọn ở bậc THPT, gồm: Vật lí, Hóa học, Sinh học, Địa lí, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ.
Theo đó, thí sinh học chương trình THPT dự thi 4 môn học bắt buộc, gồm: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ, Lịch sử và 2 môn học lựa chọn trong số 4 môn học đã chọn học. Thí sinh học chương trình chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT dự thi 3 môn học bắt buộc, gồm: Ngữ văn, Toán, Lịch sử và 2 môn học lựa chọn trong số 4 môn học đã chọn học.
PV
Thủ đoạn lừa đảo tiền tỉ khi tham gia ứng dụng hẹn hò online