Theo thông tin người dân cũng cấp, khu vực đường 70 Đại Mỗ trước đây rất thông thoáng, sạch sẽ. Nhưng do chính quyền địa phương không thường xuyên kiểm tra, giám sát nên gần một năm nay, các bãi vật liệu xây dựng, kinh doanh cây cảnh, thiết bị vệ sinh, cửa kính… ngang nhiên thi nhau mọc lên chiếm trọn một phần vỉa hè, lề đường gây ùn tắc giao thông.
Hình ảnh bãi vật liệu xây dựng cách đây một năm. (Ảnh do người dân cung cấp).
Ngày 02/3/2022, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội ban hành Chỉ thị 14/CT-TU quy định về công tác quản lý trật tự xây dựng. Trong đó nêu rõ, UBND các quận, huyện, thị xã cần chấn chỉnh kỷ cương, thực hiện chế độ xử lý trách nhiệm nếu để xảy ra vi phạm trong quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn. Tổ chức rà soát, tổng kết, đánh giá và đề xuất các giải pháp hiệu quả, phù hợp để ổn định chức năng, nhiệm vụ, tổ chức, bộ máy của cơ quan, bộ phận chuyên môn làm công tác quản lý trật tự xây dựng của thành phố và các quận, huyện, thị xã. Tiếp tục rà soát, thống kê các trường hợp vi phạm trật tự xây dựng trong các giai đoạn trước để xử lý dứt điểm. Xử lý trách nhiệm người đứng đầu, cán bộ trực tiếp làm công tác quản lý có hành vi vi phạm hoặc buông lỏng quản lý, để xảy ra các sai phạm.
Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên, đến nay tình trạng kinh doanh trái phép, lấn chiếm lòng đường, vỉa hè diễn ra trên tuyến đường 70 thuộc phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm vẫn không thay đổi.
Mặc dù cách trụ sở UBND phường Đại Mỗ không xa, các cửa hàng vật liệu xây dựng, thiết bị vệ sinh, cửa kính và hàng quán vẫn ngang nhiên hoạt động. Hàng hóa, vật liệu được bày bán dọc hai bên đường, lấn chiếm cả vỉa hè dành cho người đi bộ gây nguy cơ mất an toàn giao thông. Việc tập trung vật liệu dễ cháy tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ, nhất là trong thời điểm nắng nóng đang đến gần.
Hình ảnh bãi tập chung vật liệu phế tải cách đây một năm. (Ảnh do người dân cung cấp).
Anh N. L., người dân sinh sống gần khu vực cho biết, các cửa hàng kinh doanh, bãi vật liệu trên đã tồn tại rất lâu nhưng chưa thấy chính quyền địa phương có biện pháp xử lý. Các địa điểm này còn là nơi dừng đỗ, tập trung của xe tải, xe ba gác để lấy hàng nên rất dễ gây ùn tắc. Người dân sinh sống dọc hai bên đường không có vỉa hè để đi lại, phải đi bộ xuống lòng đường. Dù nhà cách trường học không xa, nhưng anh L. vẫn không dám để con mình tự đi học.
Đến nay tình trạng tập kết, lấn chiếm vỉa hè vẫn không được cải thiện.
Vật liệu tập kết làm mất mỹ quan đô thị.
Cũng theo anh L., trong giờ cao điểm các phương tiện của cửa hàng, địa điểm tập kết vật liệu ra vào nên thường gây ra việc ùn tắc cục bộ, tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh trật tự, mất mỹ quan đô thị.
Để xảy ra tình trạng lấn chiếm vỉa hè, theo anh L. trước hết trách nhiệm thuộc về chính quyền địa phương. Việc lấn chiếm, sử dụng trái phép vỉa hè không phải không có quy định để xử lý mà do áp dụng pháp luật không nghiêm. Để đảm bảo trật tự đô thị, mỹ quan đường phố, TP. Hà Nội cần quy định rõ hơn trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền địa phương và xử lý nghiêm nếu để tái diễn tình trạng lấn chiếm vỉa hè.
Để tìm hiểu nguyên nhân xảy ra tình trạng trên và hướng xử lý của chính quyền địa phương trong thời gian tới, Phóng viên đã liên hệ với UBND phường Đại Mỗ nhưng chưa nhận được câu trả lời cho vấn đề trên.
Sáng 25/5, một đám cháy xảy ra trên địa bàn phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm (Hà Nội). Khu vực cháy là bãi đất trống được người dân tranh thủ quây lại tận dụng làm nơi tập kết gỗ, đá xẻ, cho thuê xà gồ. Do lửa gặp các vật liệu dễ cháy nên bốc cao gặp gió đã tạo đám cháy lớn. Ngày 01/5, xảy ra cháy tại xưởng sản xuất gỗ dán của Công ty TNHH Hải Nam tại thôn Yên Viên, xã Yên Viên, huyện Gia Lâm. Ngày 20/02, một đám cháy lớn xảy ra tại kho chứa hàng ở đường Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai. Khu vực xảy cháy được xác định là kho chứa hàng của Công ty CP AZUMA và Công ty CP Thái An (nằm trong khu đất của Công ty CP đầu tư và bê tông Thịnh Liệt) có diện tích khoảng 500m2, kết cấu khung thép, mái tôn 1 tầng. |
PV