/ Trợ giúp pháp lý
/ Phương pháp tính thuế thu nhập doanh nghiệp

Phương pháp tính thuế thu nhập doanh nghiệp

21/08/2022 10:00 |

(LSVN) - Để tính được số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp kế toán cần nắm rõ phương pháp tính thuế thu nhập doanh nghiệp theo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Nghị định 218, Thông tư 78 và Thông tư 96.

Ảnh minh họa.

Cụ thể, theo Luật sư Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, hiện nay, doanh nghiệp không phải làm tờ khai tạm tính thuế thu nhập doanh nghiệp theo quý mà chỉ cần tạm tính và nộp theo số tiền thuế tạm tính đó.

Kết thúc năm dương lịch hoặc năm tài chính đối với trường hợp năm tài chính khác với năm dương lịch thì thực hiện nộp tờ khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp và quyết toán thuế theo thời hạn Luật Quản lý thuế.

Căn cứ Điều 6, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp 2008; Điều 5, Nghị định 218/2013/NĐ-CP và Điều 1, Thông tư 96/2015/TT-BTC, phương pháp tính thuế thu nhập doanh nghiệp được xác định theo công thức sau:

Thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp = Thu nhập tính thuế (1) - Phần trích lập quỹ khoa học và công nghệ (2) x Thuế suất (3)

Như vậy, để tính được số thuế phải nộp cần phải biết các thông tin sau: Thu nhập tính thuế, phần trích lập quỹ khoa học và công nghệ (nếu có) và thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp.

(1) Thu nhập tính thuế

Thu nhập tính thuế được xác định theo công thức sau:

Thu nhập tính thuế = Thu nhập chịu thuế (1.1) - Thu nhập miễn thuế (1.2) +  Các khoản lỗ được kết chuyển theo quy định (1.3)

Trong đó:

(1.1) Các khoản thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp

Theo Điều 4, Thông tư 78/2014/TT-BTC, các khoản thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp bao gồm thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ và các loại thu nhập khác.

Công thức tính thu nhập chịu thuế như sau: Thu nhập chịu thuế = Doanh thu - Chi phí được trừ + Các khoản thu nhập khác

(1.2) Thu nhập miễn thuế

Thu nhập miễn thuế khá ít gặp và chỉ dành cho các doanh nghiệp đặc thù như: Thu nhập liên quan đến nông nghiệp, thu nhập từ việc thực hiện dịch vụ kỹ thuật trực tiếp phục vụ nông nghiệp,…

(1.3) Khoản kết chuyển theo quy định

- Lỗ phát sinh trong kỳ tính thuế là số chênh lệch âm về thu nhập tính thuế chưa bao gồm các khoản lỗ được kết chuyển từ các năm trước chuyển sang.

- Doanh nghiệp sau khi quyết toán thuế mà bị lỗ thì chuyển toàn bộ và liên tục số lỗ vào thu nhập (thu nhập chịu thuế đã trừ thu nhập miễn thuế) của những năm tiếp theo. Thời gian chuyển lỗ tính liên tục không quá 05 năm, kể từ năm tiếp sau năm phát sinh lỗ.

Doanh nghiệp tạm thời chuyển lỗ vào thu nhập của các quý của năm sau khi lập tờ khai tạm nộp quý và chuyển chính thức vào năm sau khi lập tờ khai quyết toán thuế năm.

(2) Phần trích lập quỹ khoa học và công nghệ

Doanh nghiệp được thành lập, hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam được trích tối đa 10% trên thu nhập tính thuế hàng năm để lập Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp.

Riêng đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ ngoài việc thực hiện trích quỹ phát triển khoa học và công nghệ theo quy định Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp còn phải đảm bảo tỉ lệ trích quỹ tối thiểu quy định tại Luật Khoa học và công nghệ.

Hàng năm, doanh nghiệp tự quyết định mức trích lập Quỹ phát triển khoa học theo quy định trên đây và lập Báo cáo trích, sử dụng Quỹ phát triển khoa học và công nghệ cùng tờ khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp.

(3) Thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp

Thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp được xác định như sau:

- Mức thuế suất 20% được áp dụng cho mọi doanh nghiệp thành lập theo quy định pháp luật, không phân biệt mức doanh thu.

- Mức thuế suất 32 - 50% áp dụng cho các doanh nghiệp có hoạt động tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí và tài nguyên hiếm tùy theo vị trí khai thác.

- Mức thuế suất 50% áp dụng cho các doanh nghiệp có hoạt động tìm kiếm, thăm dò, khai thác mỏ tài nguyên quý hiếm như vàng, bạch kim,… trừ dầu khí.

- Mức thuế suất 40% áp dụng cho các doanh nghiệp khai thác mỏ tài nguyên quý hiếm có từ 70% diện tích trở lên ở địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn.

- Một số doanh nghiệp được hưởng thuế suất ưu đãi với mức 10%.

Lưu ý: Nếu doanh nghiệp có nhiều hơn một hoạt động sản xuất kinh doanh áp dụng nhiều mức thuế suất khác nhau thì doanh nghiệp sẽ phải tính riêng thu nhập của từng hoạt động với mức thuế suất tương ứng.

Bên cạnh đó, Luật sư cũng cho biết, thực tế đa số doanh nghiệp chỉ cần tính được doanh thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, xác định chi phí được trừ và thuế suất là sẽ tính được số thuế phải nộp. 

QUÝ NGUYỄN

Những khoản chi phí nào được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp?

Lê Minh Hoàng