Ảnh minh họa.
Theo Quyết định 20/2021/QĐ-TTg, danh mục trang thiết bị giám sát, phân tích tình huống thiên tai được quy định như sau: Thiết bị di động theo dõi diễn biến, phân tích thiên tai; Thiết bị cảnh báo động đất, sóng thần; Thiết bị cảnh báo sớm lũ quét, sạt lở đất; Thiết bị đo địa hình khu vực bị thiên tai tự động tạo mô hình 3D; Thiết bị đo độ sâu khu vực xảy ra lũ, ngập lụt; Thiết bị xác định khoảng cách; Thiết bị thí nghiêm, mô phỏng các tình huống thiên tai; Trạm đo mưa, mực nước, lưu lượng, gió, nhiệt độ (cố định và di động); Trạm cảnh báo dông, lốc, sét; Máy đo gió, đo độ mặn, đo nhiệt độ cầm tay.
Việc quản lý, sử dụng vật tư, phương tiện, trang thiết bị chuyên dùng phòng, chống thiên tai phải được thực hiện như sau:
1. Vật tư, phương tiện, trang thiết bị chuyên dùng phòng, chống thiên tai phải được quản lý, sử dụng theo đúng quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân được giao nhiệm vụ quản lý, sử dụng vật tư, phương tiện, trang thiết bị chuyên dùng phòng, chống thiên tai có trách nhiệm sử dụng cho nhiệm vụ phòng, chống thiên tai theo chức năng, nhiệm vụ được giao, đúng quy định của pháp luật.
2. Vật tư, phương tiện, trang thiết bị chuyên dùng phòng, chống thiên tai được sử dụng cho các hoạt động phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai; có thể được sử dụng cho các nhiệm vụ khác của cơ quan, tổ chức theo quy chế quản lý, sử dụng được người có thẩm quyền ban hành nhưng phải đảm bảo luôn sẵn sàng khi có tình huống thiên tai xảy ra.
3. Căn cứ tình hình thực tế, các cơ quan, tổ chức tổ chức đào tạo, tập huấn, hướng dẫn sử dụng vật tư, phương tiện, trang thiết bị chuyên dùng phòng chống thiên tai phù hợp với các yêu cầu kỹ thuật và mục đích sử dụng.
4. Trong quá trình sử dụng, bảo quản, cất giữ vật tư, phương tiện, trang thiết bị chuyên dùng phòng, chống thiên tai, các cơ quan, tổ chức, cá nhân được giao quản lý, sử dụng phải kiểm tra tình trạng kỹ thuật, bảo dưỡng, sửa chữa và báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định với trường hợp vật tư, phương tiện, trang thiết bị chuyên dùng phòng, chống thiên tai bị mất, hư hỏng, tổn thất, tiêu hao trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
5. Phương tiện, trang thiết bị chuyên dùng phòng, chống thiên tai khi sử dụng để thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai được cấp quyền ưu tiên theo quy định của pháp luật.
6. Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp chỉ đạo hoặc tham mưu cho người có thẩm quyền chỉ đạo điều hành, huy động vật tư, phương tiện, trang thiết bị chuyên dùng phòng, chống thiên tai theo đúng thẩm quyền, phù hợp với các tình huống thiên tai.
7. Hàng năm, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp chỉ đạo việc theo dõi, tổng hợp hiện trạng vật tư, phương tiện, trang thiết bị chuyên dùng phòng, chống thiên tai của cơ quan, tổ chức trên địa bàn để phục vụ công tác chỉ đạo điều hành phòng, chống thiên tai và báo cáo Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp trên.
8. Hàng năm, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai chủ trì, phối hợp với Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn theo dõi, tổng hợp hiện trạng vật tự, phương tiện, trang thiết bị chuyên dùng phòng, chống thiên tai từ Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp tỉnh, các bộ, ngành để phục vụ công tác chỉ đạo điều hành phòng, chống thiên tai trên phạm vi cả nước và báo cáo Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai.
9. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức được giao quản lý, sử dụng vật tư, phương tiện, trang thiết bị chuyên dùng phòng, chống thiên tai có trách nhiệm ban hành quy chế, tổ chức thực hiện việc quản lý, sử dụng vật tư, phương tiện, trang thiết bị chuyên dùng phòng, chống thiên tai theo quy định.
PHƯƠNG THẢO
Những mâu thuẫn, chồng chéo giữa pháp luật đất đai với các văn bản pháp luật khác