/ Pháp luật - Đời sống
/ Quảng Bình: Chủ tịch UBND xã căn cứ pháp lệnh đã hết hiệu lực để xử phạt người dân

Quảng Bình: Chủ tịch UBND xã căn cứ pháp lệnh đã hết hiệu lực để xử phạt người dân

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) - Sau hơn hai tháng cán bộ địa chính lập biên bản, ngày 21/10/2014, Chủ tịch UBND xã Quảng Xuân, huyện Quảng Trạch mới ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Võ Văn Hoành. Theo quyết định này, Chủ tịch UBND xã căn cứ Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002 để quyết định xử phạt. Tuy nhiên, pháp lệnh mà Chủ tịch xã áp dụng để làm căn cứ quyết định xử phạt ông Hoành đã hết hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2013 theo quy định tại Điều 141 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012.

Theo đơn khiếu nại của bà Võ Thị Hướng (vợ ông Hoành) gửi Chủ tịch UBND xã Quảng Xuân và Chủ tịch UBND huyện Quảng Trạch. Sau hơn 2 tháng ông Hoành mất (ngày 06/6/2022), gia đình bà tìm kiếm lại các giấy tờ có liên quan đến quá trình xin đăng ký đất đai mà ông để lại thì mới biết được Quyết định số 174/QĐ-XPHC ngày 21 tháng 10 năm 2014 của Chủ tịch UBND xã Quảng Xuân (Quyết định số 174), xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai liên quan đến thửa đất mà nhiều năm nay ông đến UBND xã xin kê khai đăng ký, nhưng vẫn không được đăng ký đất đai.  

Sau khi xem Quyết định số 174, bà Hướng nhận thấy Chủ tịch UBND xã căn cứ Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002 đã hết hiệu lực để ra quyết định xử phạt; căn cứ biên bản vi phạm hành chính do cán bộ địa chính lập ngày 05/8/2014 (đã quá thời hạn ra quyết định xử phạt 70 ngày); quyết định không có ghi số thửa đất mà được cho là ông Hoành vi phạm. Do đó, bà Hướng cho rằng Quyết định số 174 vi phạm quy phạm pháp luật nên làm đơn khiếu nại.

Trụ sở UBND xã Quảng Xuân.

Được biết, tháng 10/1977, Hợp tác xã Thanh Lương cấp cho ông Hoành một thửa đất xây dựng nhà ở tại thôn Thanh Lương, xã Quảng Xuân. Từ đó ông đã làm nhà ở, cải tạo đất vườn trồng hoa màu. Năm 1980, em gái của ông Hoành để lại cho ông bà một thửa đất có nhà ở nên ông bà chuyển sang ở nhà của em gái. Từ đó, thửa đất được cấp năm 1977 ông chuyển sang làm chuồng trại chăn nuôi và sản xuất hoa màu.

Sau gần 40 năm sử dụng, chuồng trại chăn nuôi hư hỏng nặng, buộc ông Hoành phải xây dựng lại thì cán bộ địa chính xã đến lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai. Tuy nhiên, sau đó Chủ tịch UBND xã Quảng Xuân ra quyết định xử phạt.

Điều đáng nói, đến thời điểm ngày 21/10/2014 thì Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002 đã hết hiệu lực thi hành; Biên bản vi phạm hành chính do cán bộ địa chính lập ngày 05/8/2014 đã quá thời hạn ra quyết định xử phạt hơn 2 tháng. Thế nhưng, Chủ tịch UBND xã Quảng Xuân vẫn áp dụng để làm căn cứ quyết định xử phạt người dân.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 66 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012: Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính phải ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính. Điều 141 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, quy định rõ Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002 hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực (01/7/2013).

Như vậy, Quyết định số 174 của Chủ tịch UBND xã Quảng Xuân áp dụng hai căn cứ nói trên để ra quyết định xử phạt hành chính là trái pháp luật (?!). 

Quyết định số 174 của Chủ tịch UBND xã Quảng Xuân.

Trao đổi với PV về đơn khiếu nại của bà Hướng, Chủ tịch UBND xã Quảng Xuân ông Dương Minh Phương cho biết: "Chúng tôi đã nhận được đơn khiếu nại của bà Hướng. Sau khi xem xét đơn, ngày 13/9/2022 UBND xã đã có Thông báo về việc thụ lý giải quyết đơn khiếu nại lần đầu gửi cho bà Hướng. Chúng tôi sẻ xem xét giải quyết đúng quy định của pháp luật".

Tại khoản 1 Điều 66 và Điều 141 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định cụ thể như sau:

Điều 66. Thời hạn ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính

1. Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính phải ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính. Đối với vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp mà không thuộc trường hợp giải trình hoặc đối với vụ việc thuộc trường hợp giải trình theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 61 của Luật này thì thời hạn ra quyết định xử phạt tối đa là 30 ngày, kể từ ngày lập biên bản.

Điều 141. Hiệu lực thi hành

1. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2013, trừ các quy định liên quan đến việc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính do Tòa án nhân dân xem xét, quyết định thì có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2014.

2. Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính số 44/2002/PL-UBTVQH10, Pháp lệnh số 31/2007/PL-UBTVQH11 sửa đổi một số điều của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2002 và Pháp lệnh số 04/2008/UBTVQH12 sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực, trừ các quy định liên quan đến việc áp dụng các biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục, đưa vào cơ sở chữa bệnh tiếp tục có hiệu lực đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2013.

ĐẠI XUÂN

Cảnh giác việc ký kết các 'Hợp đồng đầu tư trái phiếu' với các tổ chức trung gian

Lê Minh Hoàng