/ Dọc đường tố tụng
/ Quảng Bình: Khởi tố đối tượng chiếm đoạt hàng cứu trợ lụt bão

Quảng Bình: Khởi tố đối tượng chiếm đoạt hàng cứu trợ lụt bão

05/01/2021 18:15 |

(LSVN) - Ngày 27/11, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Quảng Bình đã tiến hành tống đạt các quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và lệnh tạm giam 2 tháng đối với Ngô Xuân Sĩ (sinh năm 1989, trú tại xã Cự Nẫm, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) về hành vi "Lạm dụng tín nhiệm, chiếm đoạt tài sản" là hàng hóa cứu trợ người dân vùng lũ lụt.

Công an Quảng Bình tống đạt các quyết định khởi tố đối với Ngô Xuân Sĩ.

Trước đó, ngày 22/10/2020, Ngô Xuân Sĩ nhận lời chở giúp hàng cứu trợ lụt bão gồm 150 thùng cá hộp (7.200 hộp cá), trị giá gần 160 triệu đồng từ tỉnh Khánh Hòa ra Quảng Bình để giao cho bà Hạnh - là thư ký Hội từ thiện Tường Nguyên (Thành phố Hồ Chí Minh) đang thuê nhà tại thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình. Tuy nhiên, khi đến Quảng Bình, Sĩ đã không giao hàng cho bà Hạnh như thỏa thuận mà chạy thẳng về nhà của một người dân ở xã Cự Nẫm, huyện Bố Trạch. Tại đây, Sĩ đã tự ý cho người chia nhỏ số hàng và phát cho các hộ dân bị ảnh hưởng lũ lụt ở 9 thôn của 3 xã Cự Nẫm, Hưng Trạch và thị trấn Phong Nha.

Không thấy Sĩ giao hàng, những người nhờ Sĩ chở giúp hàng hóa đã gọi điện, nhắn tin để yêu cầu trả lại hàng thì Sĩ nói dối là xe bị tai nạn nên chưa giao hàng cho bà Hạnh được.

Qua xác minh, Ngô Xuân Sĩ chỉ phát từ thiện hơn 5.500 hộp cá, với trị giá hơn 121 triệu đồng cho người dân, còn gần 1.700 hộp cá có trị giá khoảng 37 triệu đồng, Sĩ khai nhận đã sử dụng và phân phát hết cho bà con ở một số địa phương khác như: thôn Hà Lời (xã Sơn Trạch), thôn Phong Nha thuộc thị trấn Phong Nha (huyện Bố Trạch).

Tuy nhiên, trong khoảng thời gian đó, chính quyền và người dân hai thôn Hà Lời và thôn Phong Nha khẳng định không nhận được hàng cứu trợ nào là cá hộp.

Hành vi của Ngô Xuân Sĩ có dấu hiệu của tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” được quy định tại Điều 175 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Điều 175. Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 4.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 4.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 174 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm hoặc tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả;
b) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
đ) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
e) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
g) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm.
4. Phạm tội chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

MINH HIỀN

/chinh-thuc-cho-phep-ban-phao-hoa-trong-ngay-cuoi-sinh-nhat-tu-11-01-2021.html