/ Dọc đường tố tụng
/ Quảng Bình: Diễn biến mới vụ án có dấu hiệu oan sai xuất phát từ Bản kết luận giám định tư pháp

Quảng Bình: Diễn biến mới vụ án có dấu hiệu oan sai xuất phát từ Bản kết luận giám định tư pháp

22/11/2021 13:28 |

(LSVN) - Tạp chí Luật sư Việt Nam đã có loạt bài viết phân tích, chỉ rõ nhiều dấu hiệu oan sai xuất phát từ bản Kết luận giám định tư pháp ẩu của một chuyên viên Sở KH&ĐT tỉnh Quảng Bình khi giám định hai gói thầu DH-3.1 và DH/NC1 rà phá bom mìn, vật nổ dù không có chuyên môn, không có nghiệp vụ gì về lĩnh vực rà phá bom mìn, vật nổ này và những sai sót của các cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Quảng Bình trong điều tra, truy tố các bị can.

Như đã đưa tin, trong quá trình tổ chức thực hiện hai gói thầu DH-3.1 và DH/NC1 rà phá bom mìn, vật nổ giữa Ban QLDA Môi trường và Biến đổi khí hậu Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình (Chủ đầu tư là UBND tỉnh Quảng Bình) với các đơn vị quân đội, như: Tổng Công ty Hợp tác Kinh tế, Quân khu 4 khảo sát, lập phương án kỹ thuật thi công, dự toán và giám sát thi công rà phá bom mìn, vật nổ; Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn, Bộ Quốc phòng là đơn vị thi công rà phá bom mìn, vật nổ; Giám sát tiêu huỷ bom đạn, vật nổ thu gom được trên mặt bằng dự án là Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Bình (theo Quyết định số 5336/QĐ-BQP và 5337/QĐ-BQP ngày 01/12/2018 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về việc tổ chức thực hiện công tác rà phá bom mìn, vật nổ 02 gói thầu DH-3.1 và DH/NC1).

Qua tài liệu hồ sơ và tìm hiểu của Phóng viên, sau khi hoàn thành công tác rà phá bom mìn, vật nổ các đơn vị thi công đã bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư xây dựng các hạng mục công trình xây dựng của dự án trên khu đất đã rà phá bom mìn, vật liệu nổ. Bất ngờ UBND tỉnh Quảng Bình tổ chức trưng cầu giám định lại toàn bộ dự án rà phá bom mìn, vật nổ (vì có đơn thư tố giác cho rằng đơn vị thi công làm khống khối lượng). Trớ trêu thay, người được trưng cầu giám định tư pháp vụ việc này lại là ông Nguyễn Phước Khoa (Kỹ sư xây dựng) - Chuyên viên Sở KH&ĐT tỉnh Quảng Bình (người có quyền lợi và liên quan với Chủ đầu tư là UBND tỉnh Quảng Bình, không đủ thẩm quyền, trình độ năng lực về giám định các dự án liên quan đến rà phá bom mìn, vật liệu nổ vi phạm quy định của Luật Giám định tư pháp và Bộ luật Tố tụng hình sự).

Mặt khác, trong quá trình thực hiện giám định, ông Khoa đã không thực hiện giám định thực tế ở nhiều khu vực mà các đơn vị thi công đã thực hiện, hoặc thực hiện qua loa, chiếu lệ nhặt đếm thủ công trên hiện trường (trên sông Lệ Kỳ, các hồ nuôi thủy sản của người dân, ruộng lúa, trên vỉa hè đường giao thông, bãi cát bán đảo Bảo Ninh...), sau gần 01 năm đã thi công xong được rút ống và lấp lỗ khoan rồi lập khống ra những con số với dòng chú giải “chỉ có ý nghĩa tham khảo” rồi là “giả định”, “tham khảo”.

Từ những con số được lập khống đó sau “giả định”, “tham khảo”, ông Nguyễn Phước Khoa kết luận: Quyết toán khống so với khối lượng công việc thực hiện gần 5,6 tỉ đồng và cơ quan tố tụng coi đây là số thiệt hại trong quá trình tổ chức thực hiện hai gói thầu DH-3.1 và DH/NC1 rà phá bom mìn, vật nổ. Tuy nhiên, ông Khoa không quên đưa thêm hai chữ “tham khảo” vào sau con số này. Việc các cơ quan tố tụng tỉnh Quảng Bình căn cứ vào kết quả giám định vừa vi phạm nghiêm trọng các quy định pháp luật vừa mang tính “lập lờ đánh lận con đen” để quy kết các bị can đã gây thiệt hại cho Nhà nước gần 5,6 tỉ đồng là điều khó hiểu!

Đó là chưa bàn tới Hợp đồng rà phá bom mìn vật nổ của hai gói thầu DH-3.1 và DH/NC1 rà phá bom mìn, vật nổ ký kết giữa Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn, Bộ Quốc phòng (bên thi công) với Ban QLDA Môi trường và Biến đổi khí hậu Đồng Hới là Hợp đồng Kinh tế đang trong quá trình thực hiện, hợp đồng này chưa quyết toán xong và chưa thanh lý, hiệu lực còn đến hết năm 2022. Nghĩa là quyền và nghĩa vụ của hai bên đang còn tiếp diễn.

Với loạt bài: “Quảng Bình: Giám định tư pháp trái pháp luật - Nguy cơ dẫn đến vụ án oan sai cho nhiều cán bộ và quân nhân?”, và bài “Quảng Bình - Vì sao ông Nguyễn Văn Thuận kêu oan” đăng trên Tạp chí Luật sư Việt Nam, đã phân tích rất rõ tư cách của Giám định viên tư pháp Nguyễn Phước Khoa và những sai phạm “chết người” trong bản Kết luận Giám định tư pháp số 29/KLGĐ-KHĐT ngày 29/11/2019 và bản Kết luận Giám định số 2122/KLGĐ-KHĐT ngày 24/8/2020 do ông Khoa ký. Các bài báo khẳng định Kết luận Giám định tư pháp do ông Nguyễn Phước Khoa ký thực chất không kết luận điều gì và nó không thể là căn cứ để cơ quan tố tụng cáo buộc các bị can nguyên lãnh đạo và cán bộ Ban QLDA Môi trường và Biến đổi khí hậu Đồng Hới và bị cáo là sỹ quan, cán bộ quân nhân trong Quân đội của Binh đoàn 12 và Quân khu 4 đã gây thiệt hại cho Nhà nước gần 5,6 tỉ đồng… Tác giả các bài báo cũng đặt vấn đề với cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Quảng Bình cần tổ chức giám định lại đối với hai gói thầu DH-3.1 và DH/NC1 rà phá bom mìn, vật nổ bởi một Hội đồng giám định hoặc Giám định viên khác đủ tư cách, năng lực, chuyên môn về rà phá bom mìn, vật nổ thực hiện theo quy định của Chính phủ và Bộ Quốc phòng.

Kết luận điều tra bổ sung chưa chạm đến những vấn đề mấu chốt của vụ án.

Sau khi Tạp chí Luật sư Việt Nam và một số cơ quan thông tấn truyền thông, báo chí khác lên tiếng về vụ việc, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Bình đã trả hồ sơ cho Cơ quan điều tra để điều tra bổ sung (lý do Giám định viên không thực hiện giám định thực tế tại hiện trường). Tiếp đó, Cơ quan điều tra Công an tỉnh Quảng Bình lại ban hành Kết luận Điều tra bổ sung số 17/KLĐT-PC03 ngày 25/02/2021 chuyển sang Viện Kiểm sát.

Ngày 27/4/2021, Viện Kiểm sát đã ra Cáo trạng số 13/VKS-P3, chuyển toàn bộ Hồ sơ vụ án sang cho TAND tỉnh Quảng Bình. Sau khi nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án, và những thông tin từ công luận, Tòa án đã trả hồ sơ cho Viện Kiểm sát yêu cầu điều tra bổ sung. Ngày 07/10/2021, Viện Kiểm sát có Quyết định số 31/QĐ-VKS-P3 “trả hồ sơ để điều tra bổ sung” cho Cơ quan điều tra để điều tra bổ sung làm rõ các nội dung cụ thể như: Xác định số tiền bị thiệt hại và yêu cầu bồi thường đối với hai gói thầu DH-3.1 và DH/NC1 rà phá bom mìn, vật nổ; Làm rõ tư cách pháp lý của Giám định viên tư pháp Nguyễn Phước Khoa và những tài liệu pháp lý liên quan đến giám định tư pháp; Xác định làm rõ thiệt hại trong hạng mục rà phá bom mìn do Cơ quan điều tra hình sự Bộ Quốc phòng đã kết luận. Như vậy, hồ sơ vụ án đã trả lại 3 lần cùng với rất nhiều lý do là từ Giám định viên lập khống số liệu thiệt hại, bỏ sót hiện trường, không giám định thực tế nhiều khu vực tại hiện trường và tư cách người giám định...

Đáng tiếc, ngày 03/11/2021, Cơ quan CSĐT, Công an tỉnh Quảng Bình ban hành Kết luận Điều tra bổ sung số 65/KLĐT-PC03 nhưng gần như không có bổ sung gì theo yêu cầu của Viện Kiểm sát tỉnh Quảng Bình. Tại Kết luận này, các vấn đề liên quan đến tư cách Giám định viên Nguyễn Phước Khoa, cũng như những tài liệu pháp lý liên quan đến bản Kết luận giám định tư pháp vụ việc do Nguyễn Phước Khoa ký. Vấn đề mấu chốt có tính quyết định đến hiệu lực pháp lý của Bản Kết luận Giám định tư pháp, nhằm đảm bảo giải quyết đúng đắn toàn diện khách quan đối với vụ án này vẫn không được Cơ quan CSĐT, Công an tỉnh Quảng Bình làm rõ mà chỉ nêu vắn tắt rằng: “Đã điều tra thu thập tài liệu xác định tư cách pháp lý của giám định tư pháp theo vụ việc là ông Nguyễn Phước Khoa…”. Tức là chưa làm rõ ông Nguyễn Phước Khoa có đủ tư cách giám định tư pháp đối với vụ việc này rà phá bom mìn, vật nổ này hay không?

Còn đối với số thiệt hại thực tế và yêu cầu bồi thường thiệt hại “giả định” và “tham khảo” thì Kết luận đều tra bổ sung cũng chưa làm rõ với những chứng cứ đầy đủ mà chỉ nêu: “Đã tiến hành làm việc với Ban QLDA Môi trường và Biến đổi khí hậu Đồng Hới, trên cơ sở kết luận của Cơ quan CSĐT, Ban Quản lý dự án xác định số tiền thiệt hại đối với hạng mục khoan tạo lỗ hai gói thầu DH-3.1 và DH/NC1 là hơn 5,5 tỉ đồng, số tiền này nằm trong số tiền Ban Quản lý dự án đã thanh toán cho Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn, Bộ Quốc phòng. Ban Quản lý dự án đề nghị các Cơ quan tiến hành tố tụng Quảng Bình yêu cầu Tổng Công ty xây dựng Trường Sơn, Bộ Quốc phòng khắc phục thiệt hại đã gây ra theo quy định của Nhà nước” (đây là số tiền nằm trong hợp đồng được ký kết giữa hai bên). Như vậy, xác định thiệt hại này là trên cơ sở Kết luận điều tra chứ không phải nguyên đơn dân sự xác định…

Với nội dung làm rõ thiệt hại trong hạng mục khoan tạo lỗ rà phá bom mìn do đơn vị quân đội thi công, thì Kết luận điều tra bổ sung viện dẫn số liệu hơn 1.986.000.000 đồng quyết toán khống trong Kết luận Giám định số 2122 ngày 24/8/2020 do Giám định viên Nguyễn Phươc Khoa ký gửi Cơ quan điều tra Bộ Quốc phòng và cho rằng Tổng Công ty Trường Sơn, Bộ Quốc phòng đã được Ban QLDA Môi trường và Biến đổi khí hậu Đồng Hới quyết toán vượt gần 7.500.000.000 đồng. Xin lưu ý cơ quan tố tụng rằng, với hạng mục khoan tạo lỗ này theo quy định tại TCVN 9437:2012 Tiêu chuẩn Quốc gia quy định tại Mục 14.3. Lấp lỗ khoan: “14.3.1. Đối với hầu hết các lỗ khoan sau khi đã được nghiệm thu, đều được lấp hoàn lại để: “Bảo đảm giữ nguyên hoặc hạn chế các biến đổi về tính chất và trạng thái của địa tầng, về các trạng thái thủy nhiệt trong các lớp đất; Bảo đảm an toàn trong sinh hoạt và sản xuất của nhân dân địa phương; Bảo đảm tính ổn định cho công trình đã và sẽ xây dựng sau này trong khu vực có lỗ khoan”. Việc giám định lỗ khoan dưới lòng đất cát, dưới lòng sông, trong ao hồ nuôi thủy sản, ruộng lúa đã được rút ống và lấp lại theo quy định của pháp luật từ hơn một năm trước lại được ông Khoa tìm kiếm thủ công, nhặt đếm là không có cơ sở pháp lý, không trung thực, điều này là vô lý, không hiểu sao Cơ quan CSĐT, Công an tỉnh Quảng Bình vẫn coi là căn cứ và vẫn công nhận tư cách Giám định viên rà phá bom mình của ông Nguyễn Phước Khoa?

Đối với hạng mục rà phá bom mìn, vật liệu nổ ông Khoa là Kỹ sư xây dựng không hiểu tại sao lại không từ chối theo quy định của Luật Giám định tư pháp lại đi giám định hạng mục rà phá bom mìn, vật nổ này. Với nội dung làm rõ thiệt hại trong hạng mục rà phá bom mìn, vật nổ do đơn vị Quân đội thi công, thì kết luận Điều tra bổ sung viện dẫn số liệu thiệt hại hơn 1,9 tỉ đồng trong bản Kết luận Giám định số 2122/KLGĐ-KHĐT ngày 24/8/2020 do ông Khoa ký gửi Cơ quan điều tra Bộ Quốc phòng và cho rằng Tổng Công ty XD Trường Sơn, Bộ Quốc phòng đã được Ban QLDA Môi trường và Biến đổi khí hậu Đồng Hới thanh toán vượt giá trị thực tế đối với hạng mục khoan tạo lỗ và hạng mục rà phá bom mìn, vật nổ hai gói thầu DH-3.1 và DH/NC1 là hơn 7,4 tỉ đồng.

Như vậy, Bản kết luận điều tra bổ sung số 65/KLĐT-PC03 ngày 03/11/2021 của Cơ quan CSĐT, Công an tỉnh Quảng Bình vẫn chưa làm rõ được các vấn đề theo yêu cầu điều tra bổ sung của Viện KSND tỉnh Quảng Bình. Đặc biệt nhất là chưa làm rõ tư cách pháp lý của Giám định viên tư pháp và tính xác thực của Kết luận giám định tư pháp do ông Khoa ký…, mà lại tiếp tục dựa vào các số liệu mang tính “tham khảo” và “giả định” trong bản Kết luận Giám định tư pháp có nhiều vi phạm nghiêm trọng về Luật Giám định tư pháp và tố tụng hình sự. Dựa vào các sai phạm nghiêm trọng đó của ông Khoa để tiếp tục đề nghị Viện KSND tỉnh Quảng Bình tiếp tục truy tố các bị can nguyên lãnh đạo và cán bộ Ban QLDA Môi trường và Biến đổi khí hậu Đồng Hới về hành vi “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây thiệt hại hơn 5,5 tỉ đồng”. Đây là việc làm thực sự khó hiểu của Cơ quan CSĐT, Công an tỉnh Quảng Bình.

Tư cách giám định của ông Nguyễn Phước Khoa

Hai gói thầu DH-3.1 và DH/NC1 rà phá bom mìn, vật liệu nổ do UBND tỉnh Quảng Bình làm Chủ đầu tư (Ban QLDA Môi trường và Biến đổi khí hậu Đồng Hới được UBND tỉnh Quảng Bình giao trực tiếp quản lý dự án). Bên thi công là các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng. Vì vậy, khi có đơn thư tố giác tội phạm liên quan đến hai gói thầu DH-3.1 và DH/NC1 này, lẽ ra các cơ quan tố tụng tỉnh Quảng Bình thực hiện điều tra ban đầu rồi thông báo và chuyển toàn bộ hồ sơ điều tra ban đầu cho Cơ quan điều tra Quân đội để điều tra xét xử theo quy định tại Điều 272, Điều 273 Bộ luật Tố tụng hình sự. Ở đây các Cơ quan tiến hành tố tụng lại cắt khúc để điều tra, truy tố các bị can thuộc Ban QLDA Môi trường và Biến đổi khí hậu Đồng Hới. 

Tuy nhiên, ngày 26/10/2021, tại TP. Vinh, Nghệ An, Tòa án Quân sự Quân khu 4 đã mở phiên tòa xét xử các bị cáo nguyên là sỹ quan, cán bộ quân nhân trong Quân đội thuộc Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn, Bộ Quốc phòng và Tổng Công ty Hợp tác Kinh tế, Quân khu 4 về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ”. Qua tài liệu hồ sơ vụ án, lời khai của các bị cáo, lời khai Giám định viên tư pháp và những người liên quan, Hội đồng xét xử khẳng định: “Tư cách ông Nguyễn Phước Khoa – Giám định viên Tư pháp theo vụ việc của ông Nguyễn Phước Khoa thuộc về lĩnh vực xây dựng lại đi thực hiện giám định 2 gói thầu về rà phá bom mìn, vật nổ không liên quan đến lĩnh vực xây dựng. Không đủ điều kiện, kiến thức chuyên môn về lĩnh vực cần giám định là lĩnh vực rà phá bom mìn, vật nổ; Nội dung trưng cầu giám định vượt quá khả năng chuyên môn của Giám định viên tư pháp; Tính khách quan của kết luận giám định không đảm bảo vì ông Khoa là cán bộ Sở KH&ĐT tỉnh Quảng Bình, là cơ quan chuyên môn của Chủ đầu tư là UBND tỉnh Quảng Bình tham gia thẩm định, kế hoạch đấu thầu, tham gia bố trí vốn trong quá trình thực hiện dự án nên không được giám định 02 gói thầu này; Giám định viên Nguyễn Phước Khoa trong quá trình thực hiện giám định, khi tiến hành trên thực tế chỉ áp dụng hình thức kiểm đếm thủ công là không chính xác".

Bản thân ông Khoa cũng thừa nhận trong quá trình thực hiện giám định chỉ thực hiện bằng kiểm đếm thủ công, có những nơi không thực hiện kiểm đếm nên không có số liệu cụ thể. Việc tính toán số liệu chỉ có dựa trên “giả định” và “tham khảo” mà không thể kết luận chính xác số thiệt hại mà các bị cáo gây ra… Từ phân tích nhận định này, sau 03 ngày xét xử và 05 ngày nghị án, ngày 02/11/2021, Hội đồng xét xử Tòa án Quân sự Quân Khu 4 do Thẩm phán, Thượng tá Nguyễn Thanh Phong làm Chủ tọa đã công bố Quyết định số 02/2021/HSST tuyên: “Trả hồ sơ cho Viện Kiểm sát Quân sự Quân khu 4 để tiến hành giám định lại thiệt hại của hai gói thầu DH-3.1 và gói thầu DH/NC1".

Với kết quả phiên tòa này thì Bản kết luận Giám định về thiệt hại do ông Nguyễn Phước Khoa ký không còn giá trị pháp lý để làm căn cứ buộc các bị can phải chịu trách nhiệm về số tiền thiệt hại gần 5,6 tỉ đồng “tham khảo” và “giả định”, mà cần có kết luận Giám định tư pháp khác về số thiệt hại (nếu có). Điều này cũng đồng nghĩa với những vấn đề nêu ra trong Kết luận điều tra bổ sung số 65/KLĐT-PC03 ngày 03/11/2021của Cơ quan CSĐT, Công an tỉnh Quảng Bình là không có căn cứ.

Theo nhiều chuyên gia và Luật sư, đến thời điểm này chưa thể xác định được số thiệt hại trong hai gói thầu DH-3.1 và DH/NC1 rà phá bom mìn, vật nổ được Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn, Bộ Quốc phòng thực hiện thi công rà phá bom mìn, vật nổ. Bởi vì, mặt bằng đã được rà phá sạch bom mìn, vật nổ thể hiện qua kết quả thi công và 4 văn bản Cam kết an toàn được Binh đoàn 12 phát hành (số 268/CKAT, số 269/CKAT ngày 30/12/2018 và Văn bản số 471/CKAT, số 472/CKAT ngày 31/3/2020) đều có nội dung: "Kể từ ngày 30/12/2018, đơn vị chúng tôi cam kết đã thi công sạch bom mìn, vật nổ và chịu trách nhiệm trước Chủ đầu tư và pháp luật toàn bộ mặt bằng trong khu vực đã được dò tìm xử lý bom mìn, vật nổ… Hiện tại, 12/12 gói thầu xây lắp của dự án đã được xây lắp trên diện tích mặt bằng đã rà phá bom mìn, vật nổ đều được bảo an toàn tuyệt đối... Mặt khác, Hợp đồng kinh tế hai gói thầu DH-3.1 và DH/NC1 rà phá bom mìn, vật nổ này đang trong quá trình thực hiện, thời gian hiệu lực của Hợp đồng kinh tế này chỉ kết thúc vào cuối ngày 31/12/2022. Hiện tại, số tiền Ban QLDA Môi trường và Biến đổi khí hậu Đồng Hới chuyển cho đơn vị thi công Binh đoàn 12 chỉ là thanh toán tạm ứng thì chưa thể quy kết thiệt hại được. Vì vậy, rất cần sự công tâm, khách quan của các cơ quan tố tụng tỉnh Quảng Bình trong điều tra, truy tố, xét xử vụ án.

SỸ LÝ

Hậu Giang: Đề nghị truy tố băng nhóm trộm cắp tài sản liên tỉnh mùa dịch Covid-19

Lê Minh Hoàng