Đơn vị quân đội đang thực hiện thi công rà phá bom mìn độ sâu 10m.
Ông Nguyễn Văn Tuấn và một số người khác nguyên là cán bộ của Ban Quản lý dự án Môi trường và Biến đổi khí hậu (DAMT&BĐKH) thành phố Đồng Hới vừa có đơn kêu cứu gửi đến các cơ quan thông tấn báo chí Trung ương và địa phương, cùng các cơ quan có thẩm quyền như Bộ Quốc phòng, tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Bình; các cơ quan tiến hành tố tụng Trung ương về việc họ bị cơ quan tiến hành tố tụng Quảng Bình khởi tố, truy tố oan sai về tội “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng”.
Theo đơn cũng như các tài liệu liên quan, bản kết luận điều tra số 71 ngày 07/12/2020 và Kết luận điều tra bổ sung số 17 ngày 25/2/2021 của Cơ quan điều tra - Công an tỉnh Quảng Bình, cũng như bản Cáo trạng số 13/VKS-P3 ngày 27/4/2021 của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Bình chỉ dựa vào bản kết luận giám định tư pháp số 29/29/11/2018 (do Giám định viên Nguyễn Viết Khoa - Chuyên viên Sở Kế hoạch đầu tư - người không đủ trình độ chuyên môn và thẩm quyền thực hiện giám định về hai gói thầu DH-3.1 và DH/NC1: Rà phá bom mìn vật nổ của Dự án).
Quá trình giám định không tuân theo quy định pháp luật về giám định, lập khống các số liệu và đưa ra kết luận số tiền quyết toán vượt số lượng công việc đã thực hiện gần 5.6 tỉ đồng. Đáng chú ý các số liệu trong Bản kết luận giám định này, Giám định viên Nguyễn Phước Khoa đều ghi chú “Giả định” hoặc “Tham khảo”… Từ cái gọi là “Giả định”, “Tham khảo “ này cơ quan công an và Viện kiểm sát Quảng Bình đã coi đó là căn cứ buộc tội các bị can đã “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng" gây thiệt hại cho ngân sách số tiền 5.507.692.130 đồng là không có căn cứ, gây oan sai cho các bị can.
Người giám định vừa thiếu chuyên nghiệp vụ vừa không được quyền giám định vẫn tiến hành giám định tư pháp vụ việc
Tài liệu hồ sơ vụ án cho thấy, năm 2018 Ban Quản lý Dự án Môi trường và Biến đổi khí hậu (DAMT&BĐKH) thành phố Đồng Hới được UBND tỉnh Quảng Bình giao làm đại diện chủ đầu tư, trực tiếp quản lý, điều hành, thực hiện hai gói thầu rà phá bom mìn, vật liệu nổ “DH-3.1” giá trị 8,5 tỉ đồng trên phạm vi 62 ha trên toàn thành phố Đồng Hới và gói thầu DH/NC1 giá trị 5 tỉ đồng trên phạm vi 53 ha tại Bán đảo Bảo Ninh. Các đơn vị được Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ thực hiện: Tổng Công ty xây dựng Trường Sơn (Bộ Quốc phòng) là đơn vị thi công; Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Bình giám sát thu gom bom đạn và hủy nổ; Tổng Công ty Hợp tác Kinh tế (thuộc Quân khu 4 ) là đơn vị khảo sát, thiết kế, lập dự toán và giám sát thi công trình; Bộ Tư Lệnh Công binh thẩm định và Bộ Quốc phòng phê duyệt.
Sau khi hoàn thành thi công và bàn giao mặt bằng dự án ngày 30/12/2018, Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn - Bộ Quốc phòng có giấy Cam kết an toàn với nội dung: “Đơn vị thi công đã thi công sạch bom mìn, vật nổ và chịu trách nhiệm trước Chủ đầu tư, pháp luật về toàn bộ mặt bằng trong khu vực đã dò tìm bom mìn xử lý”. Vậy nhưng sau đó, UBND tỉnh Quảng Bình tổ chức trưng cầu giám định lại toàn bộ dự án vì có đơn tố giác cho rằng đơn vị thi công làm khống khối lượng. Oái ăm thay Giám định viên tư pháp vụ việc được trung cầu là ông Nguyễn Phước Khoa - chuyên viên Sở Kế hoạch đầu tư tỉnh Quảng Bình - người không có chuyên môn về rà phá bom mìm.
Theo trình bày của các bị can, người liên quan và các tài liệu hồ sơ vụ án, ông Nguyễn Phước Khoa chỉ là chuyên viên sở Sở Kế hoạch đầu tư có chuyên môn nghiệp vụ về xây dựng công trình chứ không hề có kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ về rà phá bom mình, vật liệu nổ…. Với dự án liên quan đến rà phá bom mìn, tất cả các công đoạn từ khảo sát, lập phương án, thẩm định, giám sát, thi công đều do các cá nhân, đơn vị được giao nhiệm vụ rà phá bom mìn, vật liệu nổ và chứng chỉ hành nghề theo quy định tại Bộ Tiêu chí Quốc gia TCVN 10299-2014 về khắc phục hậu quả bom mìn ban hành theo Quyết định số 441 ngày 17/3/2014 của Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ. Vì vậy nguời giám định tư pháp cũng phải là người có chuyên môn nghiệp vụ về rà phá bom mìn. Ở đây, nguời được trưng cầu và thực hiện giám định là ông Nguyễn Phước Khoa chỉ là giám định viên xây dựng theo vụ việc, không có chuyên môn, kinh nghiệm và năng lực trong lĩnh vực rà phá bom mìn, vật liệu nổ thì không thể thực hiện việc giám định…
Mặt khác ông Nguyễn Phước Khoa là chuyên viên Sở Kế hoạch và Đầu tư - Cơ quan chuyên môn của UBND tỉnh Quảng Bình - Chủ đầu tư dự án. Sở Kế hoạch và đầu tư Quảng Bình là một thành viên trong Ban chỉ đạo Dự án, tham gia thẩm định, phê duyệt Dự án,kế hoạch đấu thầu và là cơ quan giám sát của Chủ đầu tư, tham gia quản lý và bố trí vốn thực hiện Dự án… Tức Sở Kế hoạch và Đầu tư là một trong các bên liên quan đến vụ án do vậy nếu cán bộ của Sở Kế hoạch đầu tư lại là thực hiện giám định tư pháp vụ việc là trái với Điều 34 Luật Giám định tư pháp và Điều 68 Luật Tố tụng hình sự. Theo các quy định này thì các trường hợp không được thực hiện giám định tư pháp gồm: “…Đồng thời là bị hại, đương sự, là người thân thích, người đại diện của bị hại, đương sự hoặc bị can bị cáo… Tổ chức có quyền và nghĩa vụ liên quan đến vụ án, vụ việc theo quy định pháp luật về tố tụng cũng không được thực hiện giám định tư pháp.”.
Như vậy ông Nguyễn Phước Khoa - Giám định xây dựng theo vụ việc thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Bình - Cơ quan tham gia hầu hết vào các công đoạn của Dự án “Rà phá bom mìn, vật liệu nổ” và là cơ quan chuyên môn của Chủ đầu tư Dự án thì không thể tham gia giám định. Nếu được trưng cầu tham gia giám định, ông Khoa cũng phải từ chối thực hiện nhiệm vụ vì không đủ năng lực trình độ và điều kiện pháp lý về tư cách người giám định tư pháp trong vụ án này.
Ông Nguyễn Phước Khoa thuê hai người dân không có trình độ chuyên môn đi thu thập lại chứng cứ giám định.
Thực hiện các hoạt động giám định “kiểu người mù vuốt đuôi voi”
Do không có chuyên môn nghiệp vụ về rà phá bom mìn, vật liệu nổ, không nắm vũng quy trình thực hiện việc khoan lỗ, cắm cọc để thăm dò rà soát thu gom bom mìn…. Thay vì dùng các thiết bị định vị, máy toàn đạc điện tử, máy kinh vĩ nên và các phương tiện kỹ thuật máy móc để khảo sát thăm dò xác định các lỗ khoan, mức nông sâu cũng như mật độ các lỗ khoan và số ống nhựa mà đơn vị thi công đã thực hiện, thì ông Khoa lại chỉ thực hiện giám định theo cách đếm lỗ khoan và nhặt nhạnh các ống cọc nhựa sót lại ở hiện trường. Ở khu vực ao hồ hay khu vực sông suối ông Khoa thuê 2 người dân lặn xuống để dò tìm các lỗ khoan và đếm ống cọc đẻ xác định khối lượng công việc bên thi công đa thực hiện.
Đây là cách làm chẳng khác gì kiểu “người mù vuốt đuôi voi”. Bởi việc giám định do ông Khoa thực hiện sau khi dự án đã nghiệm thu bàn giao 2 năm.Sau hi bàn giao đơn vị thi công buộc phải lấp hoàn trả nguyên trạng ban đầu theo quy định tại Mục 14.3 TCVN 9437/2012 về Khoan thăm dò địa chất công trình quy định: “Đối với hầu hết các lỗ khoan sau khi được nghiệm thu đều được lấp hoàn trả lại để đảm bảo giữ nguyên hoặc hạn chế các biến đổi về tính chất và trạng thái của địa tầng, về các trạng thái thủy nhiệt trong các lớp đất đá; đảm bảo an toàn trong sinh hoạt và sản xuất của nhân dân địa phương; đảm bảo ổn định cho công trình đã và sẽ xây dựng sau này trong khu vực có lỗ khoan”.
Như vậy, hầu hêt các lỗ khoan đề đã hoàn lấp, các cọc ống nhựa đã phải thu gom. Nếu khu vực nào bên thi công chưa lấp hoàn lỗ khoan, nhổ cọc thì ở vùng nước sâu cũng đã bị nước xoáy san bằng, còn ở những khu vục ao nuôi tôm, cá của người dân thì hoặc bên thi công, hoặc người dân đã lấp lỗ khoan, nhổ hết ống cọc nhựa để đảm bảo an toàn trong sản xuất… Vậy kiểm đếm thủ công thì lấy đâu ra số liệu xác thưc để xác định khối lượng công việc bên thi công đã thực hiện?
Chưa hết, nhiều nơi không thể đếm lỗ, nhặt cọc được thì ông Khoa lại lấy số liệu mà mình đã đếm, đã nhặt những thứ sót lại ở khu vực khác làm căn cứ theo phép so sánh, đối chiếu để đưa ra những con số tùy hứng “trời ơi, đất hởi” dẫn đến kết luận không rõ ràng, thiếu căn cứ.
Kết luận giám định không đầu không cuối
Với phương pháp giám định bằng trực quan, đo đếm các lỗ khoan và các ống nhựa còn sót lại ở một số khu vực rồi đối sánh với các khu vực do lâu ngày đã bồi lấp, hoặc do các đơn vị thi công đã san lấp mặt bằng giám định viên Nguyễn Phước Khoa đưa ra những số liệu với các dòng chú giải “Tham khảo” và “Giả định”. Đọc lại toàn bộ Kết luận giám định số 29 ngày 29/11/2020 dài 55 trang (cả phụ lục - trong hồ sơ vụ án được đánh số bút lục từ 4036 đến 40910) có rất nhiều chỗ nêu rõ: Một số nơi do nước sâu dòng chảy mạnh, phần lớn mặt bằng đã bị san lấp thay đỏi hiện trạng nên không thể kiểm đếm được. Chẳng hạn tại đọan cuối của trang 28 Kết luận giám định (bút lục số 4065) ghi “Vị trí các tụ cầu T3, T4 ngập 3m dòng chảy mạnh. Phần lớm diện tích thi công Mố 01 và vùng gia cố nền đất yếu từ cọc M1(Km 0+756.55) đến cọc số 98 (Km0+912.72) đã bị các đơn vị thi công xây dựng san lấp, thay đổi hiện trạng nên không thể kiểm đếm được…”
Vậy mà sau khi tính toán với những con số không có căn cứ mà trong bản kết luận gọi là "Tham khảo” và “Giả định” nào, ông Khoa đưa ra số liệu về khối lượng mà các đơn vị thi công đã thực hiện tại gói thầu ĐH/NC1 là 77.987.000. Khối lượng đơn vị thi công đã thực hiện tại gói thầu DH-3.1 là 356.545.000 đồng từ đó xác định các bên đã quyết toán vượt khối lượng (quyết toán khống) gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền gần 5.6 tỉ đồng. Đó là chưa nói tới việc,trong thời gian thực hiện giám định, ông Khoa mắc bệnh rốt xuất huyết không có mặt tại hiện trường nhưng vẫn đưa ra kết luận GĐTP trong đó chỉ có số liệu tham khảo giá trị thiệt hại và cho rằng đơn vị thi công đã làm khống là không có cơ sở.
Với kết luận giám định vừa không đúng thẩm quyền, vừa thiếu căn cứ thực tế này, các cơ quan tố tụng tỉnh Quảng Bình đã lấy đó là căn cứ khởi tố truy tố các bị can nguyên là lãnh đạo, cán bộ Ban quản lý Dự án Môi trường và Biến đổi khí hậu thành phố Đồng Hới về tội “Vi phạm về đầu tư xây dựng công trình gây hậu quả nghiêm trọng”.
Việc khởi tố, truy tố chỉ dựa vào Bản kết luận giám định tư pháp có nhiều điểm bất thường với những số liệu nhận định “Giả định” và “Tham khảo” là không thỏa đáng. Thiết nghĩ cơ quan điều tra và VKSND tỉnh Quảng Bình cần phải trưng cầu giám định lại bởi một giám định viên khác hoặc hội đồng giám định có chuyên môn về rà phá bom mìn theo quy định của Luật Tố tụng hình sự và Luật Giám định tư pháp để tránh oan sai./.
NGUYỄN SỸ LÝ - TRẦN THÀNH
Trình tự, thủ tục để F0, F1 nhận hỗ trợ do đại dịch Covid-19