/ Đời sống - Xã hội
/ Quảng Nam: Báo cáo kết quả triển khai và chấp hành các quy định của pháp luật về phòng, chống mua bán người

Quảng Nam: Báo cáo kết quả triển khai và chấp hành các quy định của pháp luật về phòng, chống mua bán người

30/03/2023 11:14 |

(LSVN) - Mới đây, UBND tỉnh Quảng Nam đã có Báo cáo số 53/BC-UBND về kết quả triển khai và chấp hành các quy định của pháp luật về phòng, chống mua bán người, giai đoạn 2012 - 2022.

Báo cáo số 53/BC-UBND của UBND tỉnh Quảng Nam về kết quả triển khai và chấp hành các quy định của pháp luật về phòng, chống mua bán người, giai đoạn 2012 – 2022.

Theo đó, thực hiện Kế hoạch số 1740/KH-UBTP15 ngày 09/02/2023 của Ủy ban Tư pháp Quốc hội khóa XV khảo sát việc chấp hành các quy định của pháp luật về phòng, chống mua bán người giai đoạn 2012 - 2022, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam đã báo cáo kết quả thực hiện.

Cụ thể, về đặc điểm, tình hình liên quan, Quảng Nam là tỉnh duyên hải miền Trung, có diện tích tự nhiên 10.574,74km2; với dân số gần 1,7 triệu người, có 34 dân tộc, phân bố không đồng đều, tập trung chủ yếu ở vùng đồng bằng; có 18 đơn vị hành chính cấp huyện, trong đó, 09 huyện miền núi khó khăn; nằm trên trục giao thông huyết mạch của cả nước là Quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh, cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi và tuyến đường sắt Bắc - Nam, là tỉnh nằm trong cụm phát triển kinh tế của khu vực miền Trung và cả nước, có địa hình đa dạng với 157,422 km biên giới đất liền tiếp giáp với tỉnh XêKông (CHDCND Lào), có 02 huyện (Nam Giang và Tây Giang) với 14 xã giáp biên, gồm 60 cột mốc và nhiều đường mòn qua lại biên giới, địa hình chủ yếu là đồi núi, rừng rậm và 125km đường biển, có cửa khẩu, cảng biển, sân bay, khu kinh tế mở Chu Lai, 08 khu công nghiệp, 35 cụm công nghiệp, 02 di sản văn hóa thế giới và nhiều điểm tham quan, du lịch nổi tiếng.

Qua đó, trong những năm qua, tình hình hoạt động tội phạm mua bán người trên thế giới, khu vực và trong nước diễn ra hết sức phức tạp, ngày càng tăng, hoạt động xuyên quốc gia, tập trung chủ yếu qua các tuyến biên giới Việt - Trung, Việt - Lào, Việt Nam - Campuchia,... với nhiều phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt gây khó khăn cho công tác phát hiện, bắt giữ, đấu tranh, phòng ngừa tội phạm.

Trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, tình hình an ninh, trật tự cơ bản được giữ vững ổn định, các loại tội phạm và vi phạm pháp luật được kiểm soát chặt chẽ, kéo giảm qua từng năm, tuy nhiên, tình hình hoạt động của tội phạm mua bán người trên địa bàn tỉnh có lúc còn diễn biến phức tạp; trong năm 2013, trên địa bàn tỉnh xảy ra 09 vụ mua bán người; các vụ phạm tội xảy ra tập trung ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng tập trung đông đồng bào dân tộc thiểu số, các đối tượng phạm tội đã lợi dụng hoàn cảnh kinh tế - xã hội khó khăn, trình độ nhận thức pháp luật của nạn nhân còn thấp, hứa hẹn tìm việc làm ở thành phố, mức lương cao rồi lừa bán ra nước ngoài, chủ yếu là các quốc gia Trung Quốc, Campuchia. Tại đây, các nạn nhân bị đưa vào các khu tổ chức hoạt động đánh bạc trực tuyến, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, massage (chủ yếu do đối tượng người Trung Quốc điều hành); các nạn nhân liên tục bị ép làm việc và bị hành hung nếu không hoàn thành công việc được giao; nạn nhân muốn về nước thì gia đình phải trả một khoản tiền lớn cho các đối tượng.

Đối với công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai chủ trương, chính sách pháp luật về phòng, chống mua bán người, cụ thể, sau khi Quốc hội khóa XII thông qua Luật Phòng, chống mua bán người ngày 29/3/2011, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2012, Chủ tịch nước ban hành Lệnh công bố Luật Phòng, chống mua bán người và Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1173/QĐ-TTg ngày 18/7/2011 ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Phòng, chống mua bán người, các Bộ, ngành Trung ương ban hành các văn bản chỉ đạo về triển khai thi hành Luật Phòng, chống mua bán người.

Trên cơ sở đó, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện Luật Phòng, chống mua bán người và giao các đơn vị, ngành chức năng tham mưu UBND tỉnh triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả. Để Luật Phòng, chống mua bán ngườisớm được áp dụng, thi hành rộng rãi trong Nhân dân, UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan truyền thông, các ngành, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Phòng, chống mua bán người, tập trung phổ biến kiến thức pháp luật, các kỹ năng phòng ngừa tội phạm mua bán người, các kinh nghiệm, mô hình hay về hỗ trợ nạn nhân bị mua bán tái hòa nhập cộng đồng, bằng nhiều hình thức phong phú như qua các phương tiện thông tin đại chúng, phát tài liệu, tờ rơi, áp phích, pano, khẩu hiệu, lồng ghép với các hoạt động văn hóa, văn nghệ thi tìm hiểu, triển lãm hoặc tuyên truyền miệng ở cơ sở..., đảm bảo phù hợp với từng vùng miền, từng nhóm đối tượng, đặc biệt là trong thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên và phụ nữ.

Để thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành thực hiện các mặt công tác liên quan phòng, chống mua bán người theo quy định của Luật, trong từng giai đoạn, UBND tỉnh đã ban hành các Kế hoạch triển khai Quyết định số 1427/QĐTTg ngày 18/8/2011 phê duyệt Chương trình hành động phòng, chống tội phạm mua bán người giai đoạn 2011 - 2015; Quyết định số 2546/QĐ-TTg ngày 31/12/2015 phê duyệt Chương trình phòng, chống mua bán người, giai đoạn 2016- 2020; Quyết định số 193/QĐ-TTg ngày 09/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phòng, chống mua bán người, giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030 gắn với việc triển khai thực hiện các chỉ thị, nghị quyết, kết luận của Trung ương về công tác phòng, chống tội phạm, phòng, chống mua bán người trên địa bàn tỉnh.

Căn cứ tình hình thực tế về tội phạm mua bán người trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh, Ban chỉ đạo 138 tỉnh đã tham mưu HĐND tỉnh ban hành 02 Nghị quyết và trực tiếp ban hành nhiều Kế hoạch , Quyết định và văn bản triển khai thực hiện nhiệm vụ phòng, chống mua bán người theo tinh thần, nội dung chỉ đạo của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, Tỉnh ủy về công tác phòng, chống mua bán người. Hàng năm, Ban Chỉ đạo 138 tỉnh đều ban hành kế hoạch, chỉ đạo các Sở, ngành và địa phương tổ chức thực hiện có hiệu quả Chương trình phòng, chống mua bán người và tổ chức các hoạt động hưởng ứng “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người - 30/7” với nội dung thông điệp cụ thể, qua đó, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và quần chúng nhân dân tham gia.

Trên cơ sở chỉ đạo của Ban Chỉ đạo 138 tỉnh, các sở, ban, ngành là thành viên Ban Chỉ đạo và Ban Chỉ đạo 138 các huyện, thị xã, thành phố đều ban hành chương trình, kế hoạch cụ thể triển khai thực hiện; thành lập các đoàn liên ngành kiểm tra, hướng dẫn thực hiện Chương trình tại các địa phương về phòng, chống mua bán người. Nhìn chung, công tác chỉ đạo triển khai thi hành Luật Phòng, chống mua bán người đã được tiến hành một cách nghiêm túc, kịp thời và khoa học, đảm bảo các điều kiện cần thiết để đưa các quy định của Luật Phòng, chống mua bán người vào đời sống xã hội, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên và Nhân dân trong công tác phòng, chống mua bán người trên địa bàn tỉnh.

[Còn tiếp…]

THÚC PHƯƠNG

Bùi Thị Thanh Loan