Quảng Nam tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) quý I/2023, giảm 10,9% so với cùng kỳ năm 2022 (Ảnh Internet).
Qua đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) quý I/2023, giảm 10,9% so với cùng kỳ năm 2022, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) hơn 13.710 tỉ đồng (theo giá so sánh 2010). So với cùng kỳ năm 2022, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản ổn định, duy trì tốc độ phát triển so với cùng kỳ năm trước tăng 3,6%; khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 27,4% so với cùng kỳ, trong đó: công nghiệp giảm 27,3%, xây dựng giảm 28,4%; Khu vực dịch vụ trong quý I/2023 đã có đóng góp lớn nhất trong tăng trưởng kinh tế của tỉnh, hỗ trợ cho sự sụt giảm của khu vực công nghiệp - xây dựng, tốc độ tăng trưởng đạt 2,8%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm bị giảm sâu do một số nguồn thu, lĩnh vực trọng điểm đạt thấp, đặc biệt nguồn thu chủ lực từ Tập đoàn Trường Hải.
Quy mô nền kinh tế đạt 24,6 nghìn tỉ đồng, thu hẹp hơn 1,1 nghìn tỉ đồng so với cùng kỳ năm trước. Cơ cấu GRDP quý I năm 2023: nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỉ trọng 12,4%; công nghiệp - xây dựng chiếm 26,7%; dịch vụ chiếm 37,5%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 23,4%.
Để cải cách hành chính, thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch công tác cải cách hành chính năm 2023 với 43 chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể nhằm phân định rõ trách nhiệm chủ trì, cơ quan phối hợp, thời hạn và kết quả phải đạt được đồng bộ trên 06 lĩnh vực cải cách hành chính được ban hành. Tiếp tục xây dựng nền hành chính dân chủ, hiện đại, chuyên nghiệp, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, công khai, minh bạch, nâng cao chất lượng điều hành của chính quyền các cấp, của từng cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh; rà soát, đánh giá chất lượng phục vụ cơ quan hành chính nhà nước đối với người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công trên môi trường điện tử; tập trung triển khai quyết liệt và hoàn thành sớm các nội dung, nhiệm vụ đã đề ra theo Nghị quyết số 16-NQ/TU ngày 14/10/2021 của Tỉnh ủy về đẩy mạnh cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 và Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 12/4/2021 về chuyển đổi số tỉnh Quảng Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Trong quý I/2023, có 281 doanh nghiệp thành lập mới, giảm 11,3% so với cùng kỳ năm 2022, vốn điều lệ đăng ký hơn 1.639 tỉ đồng, giảm 27,3% so với cùng kỳ. Doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 620 doanh nghiệp, tăng nhẹ 1,6% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó: có 553 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, tăng 12,1%; 32 doanh nghiệp chờ giải thể, giảm 49,2%; 35 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 35,1% so với cùng kỳ năm 2022.
Như vậy, số doanh nghiệp thành lập mới giảm và vốn đăng ký giảm; số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, chờ giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể không tăng nhiều so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động là 178 doanh nghiệp, giảm 46% so với cùng kỳ.
Về thu hút đầu tư, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam hiện có khoảng 1.100 dự án đầu tư với 970 dự án trong nước còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký hơn 242.000 tỉ đồng và 194 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký hơn 6,06 tỉ USD, trong đó: Ngoài khu công nghiệp và khu kinh tế mở Chu Lai với 100 dự án; Ban quản lý khu kinh tế mở Chu Lai với 53 dự án; Ban quản lý các khu công nghiệp 41 dự án; các lĩnh vực đầu tư chủ yếu tập trung ở ngành công nghiệp chế biến chế tạo và dịch vụ, du lịch.
Tính đến hết tháng 3/2023, tỉnh Quảng Nam đã cấp mới 04 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký gần 1,1 nghìn tỉ đồng, so với cùng kỳ năm 2022 giảm 08 dự án và giảm 2,2 nghìn tỉ đồng về vốn đăng ký; không có dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài được cấp phép.
THÚC PHƯƠNG