Quảng Nam: 'Hầm vàng' lấp xong rồi lại 'mọc'

07/10/2024 16:33 | 5 giờ trước

(LSVN) – Mặc dù UBND tỉnh Quảng Nam đã có văn bản tăng cường công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản vàng trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, tại xã Phước Đức, huyện Phước Sơn tình trạng khai thác vàng vẫn tiếp diễn, cứ lấp xong lại “mọc”.

Ngày 02/4/2024, UBND tỉnh Quảng Nam ban hành Văn bản số 2240/UBND-KTN gửi một số sở ngành, địa phương liên quan về việc tăng cường công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản vàng trên địa bàn.

Văn bản số 2240/UBND-KTN nêu rõ, UBND các huyện Phú Ninh, Phước Sơn, Nam Giang, Đông Giang, Bắc Trà My, Nam Trà My chỉ đạo Tổ công tác liên ngành của huyện và Công an huyện tổ chức kiểm tra, truy quét các tụ điểm khai thác vàng trái phép trên địa bàn huyện. Đặc biệt, các điểm nóng ở khu vực mỏ vàng Bồng Miêu, xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh và các xã: Phước Đức, Phước Kim, Phước Thành, Phước Lộc, huyện Phước Sơn; phá hủy, tịch thu các công cụ, phương tiện tham gia khai thác, chế biến khoáng sản trái phép và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm, làm trong sạch địa bàn. 

Khu vực đào vàng trái phép tại thôn 02 xã Phước Sơn.

Sau khi truy quét, giao cho UBND xã và các lực lượng chức năng liên quan quản lý, thường xuyên kiểm tra, xử lý, không để tình trạng khai thác vàng trái phép tái diễn. Kết quả thực hiện, báo cáo về Sở Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh và Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Chỉ đạo là thế, nhưng thời gian gần đây Phóng viên Tạp chí Luật Sư Việt Nam lại nhận được phản ánh về tình trạng khai thác vàng trái phép tại thôn 2, xã Phước Đức, huyện Phước Sơn.

Theo đó, vào ngày 02/10/2024, sau khi nhận được thông tin phản ánh, phóng viên đã đến địa điểm ghi nhận. Khoảng cách từ điểm khai thác vàng trái phép đến UBND xã Phước Đức khoảng chừng 06km.

Đến khoảng 18h tối (cùng ngày), để tránh sự canh phòng của các đối tượng, phóng viên cùng người dân địa phương đi bộ gần 40 phút từ con suối tại khu vực thôn 2, xã Phước Đức (đối diện nhà ông Hơn) để tiếp cận khu vực khai thác vàng trái phép. Theo ghi nhận, tại đây, các đối tượng khai thác vàng chia làm hai khu vực. Một khu lán trại chứa dụng cụ đào vàng, cách đó khoảng chừng 250m là khu vực hầm vàng. Cửa hầm cao khoảng chừng 02m, bên trong là một đường hầm dài, đã đào trước đó. Vào thời điểm ghi nhận, phía cửa hầm có 03 người đàn ông ra sức đổ đất từ trong ra ngoài. Tiếng máy phát điện, đèn chiếu sáng hoạt động hết công suất… Tuy nhiên, chỉ cần nghe tiếng động bất thường là những người này liền tắt máy nổ, soi đền cảnh giới. Sau khi ghi nhận hình ảnh phóng viên đã ra khỏi khu vực trên.

Sáng ngày 03/10, trao đổi với Phóng viên về vấn đề trên, ông Lê Minh Hải, Trưởng Công an xã Phước Đức, huyện Phước Sơn cho biết sẽ cử người đi kiểm tra.

Cũng trong ngày 03/10, Phóng viên đã liên hệ, gửi một số hình ảnh ghi nhận về tình trạng khai thác vàng tại khu vực thôn 2, xã Phước Đức qua điện thoại cho ông Nguyễn Văn Vũ, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Đức. Sau khi tiếp nhận, ông Vũ cho biết đã ghi nhận thông tin và sẽ tiến hành xử lý. Ông Vũ cho biết thêm, hầm vàng này đã được UBND xã Phước Đức lấp ngày 22/9/2024.

Ngày 07/10/2024, trao đổi với Phóng viên ông Vũ cho biết, hầm vàng này nằm trên phần đất nhà ông Nguyễn Văn Hơn, chính ông Hơn là người khai thác. Cùng với đó, ông Vũ còn gửi Phóng viên một số hình ảnh về việc xã đã tổ chức lấp hầm này.

Luật sư Đặng Văn Vương, Phó Trưởng Văn phòng Luật sư Phong & Partners đưa ra quan điểm.

Liên quan đến vụ việc, Luật sư Đặng Văn Vương, Phó Trưởng Văn phòng Luật sư Phong & Partners đưa ra quan điểm, ngay tại Điều 53 Hiến pháp Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã khẳng định rõ Tài nguyên khoáng sản là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Khoản 2 Điều 3 và Khoản 2 Điều 4 Luật Khoáng sản quy định rõ: “Nhà nước bảo đảm khoáng sản được bảo vệ, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm và hiệu quả” và “Chỉ được tiến hành hoạt động khoáng sản khi được cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền cho phép”. Vàng là khoán sản quý và có giá trị kinh tế lớn nên mọi hành vi khai thác vàng mà không có giấy phép khai thác khoáng sản của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền (khai thác vàng trái phép) là vi phạm pháp luật. Tuy theo tính chất, mức độ, tổ chức, cá nhân khai thác vàng trái phép sẽ bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định pháp luật.

Tại khoản 3, khoản 4, khoản 5 Điều 47 Nghị định 36/2020/NĐ-CP được sửa đổi bởi, bổ sung bởi khoản 22 Điều 2 Nghị định 04/2022/NĐ-CP quy định về “Vi phạm về khai thác khoáng sản (trừ cát, sỏi lòng sông, suối, hồ) mà không có giấy phép khai thác khoáng sản của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền” như sau:

“3. Phạt tiền đối với hành vi khai thác khoáng sản là vàng, bạc, platin, đá quý, khoáng sản độc hại, cụ thể như sau:

a) Từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với trường hợp khai thác có khối lượng khoáng sản nguyên khai dưới 100 tấn;

b) Từ 100.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng đối với trường hợp khai thác có khối lượng khoáng sản nguyên khai từ 100 tấn đến dưới 200 tấn;

c) Từ 300.000.000 đồng đến 400.000.000 đồng đối với trường hợp khai thác có khối lượng khoáng sản nguyên khai từ 200 tấn đến dưới 300 tấn;

d) Từ 500.000.000 đồng đến 600.000.000 đồng đối với trường hợp khai thác có khối lượng khoáng sản nguyên khai từ 300 tấn đến dưới 400 tấn;

đ) Từ 700.000.000 đồng đến 800.000.000 đồng đối với trường hợp khai thác có khối lượng khoáng sản nguyên khai từ 400 tấn đến dưới 500 tấn;

e) Từ 800.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng đối với trường hợp khai thác có khối lượng khoáng sản nguyên khai từ 500 tấn trở lên.

4. Hình thức xử phạt bổ sung:

Tịch thu toàn bộ tang vật là khoáng sản trong trường hợp chưa bị tiêu thụ, tẩu tán, tiêu hủy; tịch thu phương tiện sử dụng vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều này.

5. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc thực hiện các giải pháp cải tạo, phục hồi môi trường khu vực đã khai thác, đưa khu vực khai thác về trạng thái an toàn;

b) Buộc chi trả kinh phí trưng cầu giám định, kiểm định, đo đạc và xác minh trong trường hợp có hành vi vi phạm quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 Điều này.

Đối với hành vi khai thác khoáng sản không có giấy phép khai thác khoáng sản tại khu vực cấm, tạm thời cấm hoạt động khoáng sản thì áp dụng mức phạt tiền cao nhất của khung phạt tương ứng với từng mức phạt quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 Điều này. Hình thức xử phạt bổ sung áp dụng như khoản 4 Điều này.

c) Buộc nộp lại số tiền bằng trị giá tang vật là khoáng sản có được do thực hiện vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều này trong trường hợp đã bị tiêu thụ, tẩu tán, tiêu hủy trái quy định của pháp luật".

Theo đó, cá nhân có hành vi khai thác vàng trái phép tùy thuộc vào số lượng khai thác được mà sẽ bị phạt tiền thấp nhất 50.000.000 đồng và cao nhất đến 1.000.000.000 đồng. Mức phạt đối với tổ chức vi phạm gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân nêu trên. Ngoài ra, còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả như trên.

Theo Điều 227 Bộ luật hình sự 2015 được sửa đổi bởi điểm a khoản 54 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 quy định về “Tội vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên” như sau:

“1. Người nào vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên trong đất liền, hải đảo, nội thủy, vùng lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa và vùng trời của Việt Nam mà không có giấy phép hoặc không đúng với nội dung giấy phép thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Thu lợi bất chính từ nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên nước, dầu khí hoặc khoáng sản khác từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

b) Khoáng sản trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỉ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỉ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

đ) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 1.500.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Thu lợi bất chính từ nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên nước, dầu khí hoặc khoáng sản khác 500.000.000 đồng trở lên;

b) Khoáng sản trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên;

c) Có tổ chức;

d) Gây sự cố môi trường;

đ) Làm chết người;

e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỉ lệ tổn thương cơ thể của những người này 122% trở lên.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng.

4. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:

a) Thực hiện một trong các hành vi quy định tại khoản 1 Điều này, thu lợi bất chính từ nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên nước, dầu khí hoặc khoáng sản khác từ 300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc khoáng sản trị giá từ 700.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỉ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỉ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%; thu lợi bất chính từ nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên nước, dầu khí hoặc khoáng sản khác từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc khoáng sản trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 700.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 1.500.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;

b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 7.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;

c) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm".

Tùy vào mức độ, tính chất và hậu quả của cá nhân gây ra khi có hành vi khai thác vàng trái phép thì mức phạt có thể là phạt tù thấp nhất từ 06 tháng đến và cao nhất là 07 năm.

Tạp chí Luật sư Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin vụ việc.

NGUYÊN TRUNG - NGUYỄN SANG

Vụ đất chưa bồi thường, UBND tỉnh Bình Thuận cấp sổ đỏ cho doanh nghiệp: Viện KSND tỉnh kháng nghị bản án