Bên cạnh những nét truyền thống vốn có, năm nay lễ hội xuân Yên Tử có một số thay đổi về địa điểm, không gian tổ chức cũng như có nhiều hoạt động phong phú để chào đón du khách.
Lễ hội chùa Yên Tử.
Theo đó, ngay từ cổng Khai tâm của Trung tâm Văn hoá Trúc Lâm Yên Tử đã có các hoạt động múa rồng lân, biểu diễn nhạc cụ dân tộc tại đây, tạo không khí sôi động cho lễ hội và đón chào du khách. Chương trình khai hội vẫn tuân theo các nghi lễ truyền thống như chúc phúc đầu năm, biểu diễn nghệ thuật, gióng trống, thỉnh chuông, thực hiện nghi lễ cầu quốc thái dân an, đóng dấu thiêng Yên Tử… Tuy nhiên, nghi lễ thay vì tổ chức tại quảng trường lễ hội như mọi năm, năm nay dự kiến sẽ tiến sâu hơn vào phía trong là không gian vườn hoa Tâm, ngay phía trước của Cung Trúc Lâm.
Các hoạt động diễn ra phong phú và trên một không gian rộng hơn, như lễ hoa đăng diễn ra vào tối 9/1 trước nghi lễ khai hội, dịp khai hội có nhiều hoạt động phong phú như tổ chức các trò chơi dân gian tại khu làng Nương, Trung tâm Văn hoá Trúc Lâm Yên Tử. Năm nay, vai trò của Giáo hội Phật giáo tỉnh tiếp tục được đề cao trong công tác phối hợp tổ chức lễ hội. Các đơn vị sẽ phối hợp tổ chức nhiều sự kiện về văn hoá, ẩm thực với mục tiêu trong 3 tháng hội xuân đón được 700.000 lượt khách hành hương, du xuân.
Chia sẻ về khâu chuẩn bị của doanh nghiệp đứng chân tại Yên Tử, ông Lê Trọng Thanh, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Phát triển Tùng Lâm, cho hay: Năm nay, chúng tôi xây dựng nhiều gói sản phẩm ẩm thực, nghỉ dưỡng gắn với chăm sóc thân tâm tại Am Tuệ Tĩnh. Về cơ sở vật chất, đơn vị cũng sửa chữa, làm lại mới lầu chuông, lầu trống và không gian tại làng Nương được trang hoàng rực rỡ, gắn với các giá trị riêng của Phật giáo, của Yên Tử. Đơn vị cũng phối hợp tổ chức trưng bày tranh, ảnh nghệ thuật về vẻ đẹp hùng vĩ, linh thiêng của Yên Tử, tổ chức tại đây nhiều trò chơi dân gian như múa sạp, ném còn, nặn tò he, làm tranh Đông Hồ, làm nón, chơi ô ăn quan…
Du khách về với Yên Tử mùa xuân này cũng sẽ được chiêm ngưỡng bảo tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông trên đỉnh núi được dát vàng lại. Nhiều tuyến đường hành hương sẽ được chỉnh trang cũng như hệ thống biển báo giới thiệu về di tích và chỉ dẫn về hướng đi cho du khách được sơn, kẻ vẽ lại theo tiêu chuẩn quốc tế. Con đường hoa từ Dốc Đỏ vào Yên Tử sẽ chào đón du khách với những hàng cây bồ đề, hoa ban, huỳnh liên, cúc, hoa giấy được chỉnh trang hoàn thiện trước Tết Nguyên đán…
Còn tại Đền Cửa Ông, một trong những điểm đến hút du khách vào mùa hội xuân hàng năm. Năm nay, đây sẽ là một trong những điểm tổ chức chương trình văn nghệ kết hợp với bắn pháo hoa tầm thấp vào tối 21/1 (tức 30 Tết). Còn vào mồng 3 Tết thì diễn ra Lễ hội Cờ truyền thống.
Điểm nhấn của di tích vào mùa hội xuân năm nay là Lễ hội đền Cửa Ông sẽ diễn ra từ ngày 22 đến 23/02/2023 (tức ngày 03 đến 04/02 âm lịch). Các nghi lễ mang tính truyền thống của lễ hội vẫn được tổ chức, đặc biệt là lễ rước kiệu Đức Ông và các nhân thần vi hành khu an ngự. Cùng với đó là các màn trống hội kết hợp múa “Hào khí Đông A”, gióng trống - chiêng khai hội, chương trình nghệ thuật, diễn thần tích “Dấu thiêng lưu tích”, lễ tế... hứa hẹn tạo sức hút lớn cho du khách.
Du khách đến với Lễ hội đền Cửa Ông thường “hoa mắt” với các nội dung của phần hội. Năm nay, các trò chơi dân gian rất đa dạng, từ thi kéo co nam, nữ, thi đẩy gậy, thi dâng soạn lễ, thi đấu cờ người và cờ bỏi, trò chơi bịt mắt đập bóng, bịt mắt đánh trống, thi chọi gà, thi tổ tôm điếm rồi hoạt động trưng bày ảnh nghệ thuật, hát quan họ trên thuyền và hội thi đua thuyền trên hồ Baza, Hội thi tiếng hát khu dân cư và gia đình văn hóa… Không gian tổ chức các hoạt động cũng rộng hơn, không chỉ ở phạm vi của đền Cửa Ông mà còn mở rộng ra khu vực hồ Baza trên địa bàn phường.
Đặc biệt, nhằm hưởng ứng phong trào “Thành phố Cẩm Phả - Thành phố triệu đóa hoa hồng”, trong 2 ngày Lễ hội đền Cửa Ông cũng sẽ diễn ra Lễ hội Hoa hồng. Còn du khách đến với đền Cửa Ông từ ngày 06/02 đến 28/02 (tức 16 tháng Giêng đến 09/02) sẽ được chiêm ngưỡng Triển lãm “Lễ hội Hoa hồng” lần đầu tiên và dự kiến sẽ trở thành nội dung của Lễ hội đền Cửa Ông hàng năm, với sự tham gia của 16 phường, xã trên địa bàn thành phố.
Hoạt động tại lễ hội đền Cửa Ông thu hút rất đông du khách, đòi hỏi công tác tổ chức phải thật chu đáo.
Bên cạnh sự chuẩn bị chu đáo tại Yên Tử và Cửa Ông, nhiều địa phương hiện đã xây dựng kế hoạch tổ chức lễ hội truyền thống tại những di tích trên địa bàn. Đó là với những di tích có lễ hội đầu xuân, còn những di tích không có lễ hội thì cũng chỉnh trang lại cơ sở vật chất, trang trí khánh tiết, dọn dẹp vệ sinh, bố trí nhân lực quản lý và đón khách…
Đơn cử như tại khu di sản nhà Trần tại Đông Triều, sau quá trình đầu tư bảo tồn, tôn tạo, nhiều di tích hiện nay đã được khôi phục diện mạo và sẽ mở cửa đón khách trong mùa xuân này. Ông Nguyễn Văn Sơn, Trưởng Ban quản lý Khu di tích nhà Trần thị xã Đông Triều cho hay, với các di tích không có gốc lễ hội hay lễ hội diễn ra muộn hơn trong năm là các lăng miếu nhà Trần, chùa Hồ Thiên, đền An Sinh… thì việc chuẩn bị đơn giản hơn để mở cửa phục vụ đón khách. Còn các di tích có lễ hội sớm đầu năm thì năm nay khôi phục tổ chức lễ hội trở lại như trước khi có dịch.
Theo đó, lễ hội xuân Ngoạ Vân dự kiến khai hội vào mùng 9 tháng Giêng và kéo dài mùa hội trong 3 tháng mùa xuân, lễ hội Thái Miếu diễn ra từ 18 đến 20 tháng Giêng, lễ hội chùa Quỳnh Lâm từ mùng 01-04 tháng 02 âm lịch…
Điểm chung ở các di tích mở cửa đón khách mùa xuân là khâu chỉnh trang về cơ sở vật chất, làm mới các pano, khẩu hiệu tuyên truyền trong khu vực di tích. Cùng với đó là triển khai công tác trang trí, vệ sinh môi trường tại di tích đảm bảo trang trọng, sạch đẹp. Việc rà soát, đảm bảo cơ sở vật chất và các điều kiện cần thiết về công tác phòng chống dịch để phục vụ du khách và nhân dân đến tham quan, chiêm bái tại di tích cũng được nhiều di tích chú trọng.
Vào mùa hội xuân hàng năm, khách du xuân, trải nghiệm tại các lễ hội, di tích trên địa bàn tỉnh thường lên tới cả triệu lượt. Công tác tổ chức, quản lý lễ hội cũng như việc đón khách tham quan, du lịch tại các di tích được Quảng Ninh chú trọng, là điểm sáng trong nhiều năm qua. Năm nay, khi cả nước đã mở cửa trở lại, các hoạt động này với dự báo sẽ nở rộ, hút lượng khách trở lại đông đúc hơn…
Vì vậy, thiết nghĩ công tác quản lý về lễ hội mùa xuân cần được chỉ đạo tăng cường, đảm bảo phần nghi lễ được tiến hành trang trọng, đúng nghi thức, phần hội vui tươi, lành mạnh, đa dạng về hình thức với các hoạt động văn hóa, văn nghệ dân gian truyền thống, tạo ấn tượng sâu sắc trong các tầng lớp nhân dân. Công tác quản lý nhà nước về di tích cũng cần kiểm soát tốt, tránh những chuệch choạc sau đại dịch, từ đảm bảo về môi trường văn hoá, văn minh du lịch, an ninh trật tự, an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ cho tới quản lý các hoạt động dịch vụ, vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường… trong suốt mùa hội xuân.
TẠ TUẤN