Tham dự buổi lễ có ông Lê Thành Cung, Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Quảng Ninh; Luật sư Lê Cao Long, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Quảng Ninh; ông Vương Quốc Tuấn, Chủ tịch Hội Công chứng viên tỉnh Quảng Ninh; Thạc sĩ, Nhà báo Đặng Ngọc Luyến, Tổng biên tập Tạp chí Luật sư Việt Nam; cùng các đại biểu thuộc Sở Tư pháp, Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Quảng Ninh, Ban chấp hành Hội Công chứng viên tỉnh Quảng Ninh.
Toàn cảnh buổi lễ.
Phát biểu khai mạc buổi lễ, bà Huỳnh Thị Mai Anh, Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Quảng Ninh cho biết, thực hiện vai trò về quản lý Nhà nước đối với các lĩnh vực bổ trợ tư pháp, Sở Tư pháp đã tích cực tham mưu cho UBND tỉnh nhằm chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ về lĩnh vực Luật sư và Công chứng. Việc ban hành các văn bản của tỉnh đã giúp cho các cơ quan, tổ chức hành nghề, địa phương và người dân hiểu và thực hiện đầy đủ hơn các quyền của mình. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức hành nghề Luật sư, tổ chức hành nghề Công chứng ổn định và phát triển qua từng năm.
Luật sư Lê Cao Long, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Quảng Ninh phát biểu tại buổi lễ.
Phát biểu tại buổi lễ, Luật sư Lê Cao Long, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Quảng Ninh bày tỏ, để đảm bảo chất lượng của Luật sư cũng như hoạt động của Luật sư đáp ứng các yêu cầu của xã hội, giúp công tác quản lý tốt hơn thì việc ký kết Quy chế phối hợp giữa Sở Tư pháp và Đoàn Luật sư là hết sức cần thiết.
Dự thảo các quy chế phối hợp cũng đã được lấy ý kiến tham gia của các tổ chức hành nghề luật sư, các tổ chức hành nghề công chứng và có sự thống nhất cao giữa Sở Tư pháp với Đoàn Luật sư tỉnh và Hội Công chứng viên tỉnh.
Việc ký Quy chế phối hợp giúp các hoạt động quản lý Nhà nước cũng như vai trò tự quản của Đoàn Luật sư được công khai minh bạch, qua đó giám sát các Luật sư để đảm bảo tuân thủ các quy tắc nghề nghiệp Luật sư cũng như pháp luật về Luật sư. Đồng thời, hỗ trợ các Luật sư khi hành nghề và phát huy tốt hơn giá trị đóng góp của Luật sư đối với Nhà nước và xã hội.
Sở Tư pháp cùng Đoàn Luật sư tỉnh Quảng Ninh ký kết Quy chế phối hợp quản lý nhà nước về Luật sư.
Quy chế phối hợp quản lý nhà nước về Luật sư và hành nghề Luật sư trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh gồm 03 chương, 19 điều, xác định 14 nội dung phối hợp cụ thể: Gia nhập; đăng ký tập sự, thay đổi nơi tập sự hành nghề Luật sư; đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề Luật sư đối với người đạt yêu cầu kiểm tra kết quả tập sự hành nghề Luật sư; cấp giấy đăng ký hoạt động của tổ chức hành nghề Luật sư, chi nhánh tổ chức hành nghề Luật sư, Luật sư hành nghề với tư cách cá nhân; thay đổi nội dung đăng ký hoạt động của tổ chức, chi nhánh tổ chức hành nghề Luật sư; thu hồi giấy đăng ký hoạt động của tổ chức hành nghề Luật sư, giấy đăng ký hành nghề Luật sư với tư cách cá nhân; công tác đào tạo, bồi dưỡng Luật sư; công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và phổ biến giáo dục pháp luật; hỗ trợ phát triển nghề Luật sư, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Luật sư khi hoạt động nghề nghiệp; chế độ thông tin, báo cáo; kiểm tra, giám sát hoạt động hành nghề Luật sư; xét khen thưởng và xử lý kỷ luật; giải quyết kiến nghị, tố cáo...
Ông Lê Thành Cung, Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Quảng Ninh phát biểu tại buổi lễ.
Đối với Quy chế phối hợp trong công tác quản lý nhà nước về hoạt động công chứng đã quy định rõ Hội Công chứng viên phải thông tin cho Sở Tư pháp khi tiến hành kết nạp, chấm dứt tư cách hội viên hoặc khai trừ hội viên. Đồng thời, phối hợp với Sở trong việc giám sát hội viên, bồi dưỡng nghiệp vụ công chứng, xác nhận hội viên của hội… Về phía Sở Tư pháp cũng sẽ thông tin cho Hội Công chứng viên tỉnh về một số việc trong giải quyết thủ tục hành chính đối với công chứng viên và Hội; phối hợp kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với hoạt động của công chứng viên và Hội.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Lê Thành Cung, Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Quảng Ninh nhấn mạnh, trong những năm qua, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực Luật sư, công chứng của tỉnh có những bước phát triển rõ nét. Từ khi triển khai Luật Luật sư và Luật Công chứng đến nay, quy mô và số lượng của Đoàn Luật sư, Hội Công chứng viên, các tổ chức hành nghề Luật sư, công chứng tăng lên đáng kể. Hoạt động của Luật sư và công chứng đã đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh trong những năm qua. Sở Tư pháp và Đoàn Luật sư, Hội Công chứng viên đã xây dựng quy chế trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của hai bên. Việc ký kết 02 Quy chế nhằm giải quyết các công việc theo nhiệm vụ của các bên được thiết thực, hiệu quả, tạo sự chặt chẽ, thường xuyên, thống nhất trong công tác phối hợp. Từ đó, góp phần nâng cao công tác quản lý Nhà nước về tổ chức và hoạt động công chứng, Luật sư và hành nghề Luật sư trên địa bàn tỉnh.
Việc thống nhất ký kết ban hành các quy chế phối hợp là một bước tiến mới trong việc phối hợp quản lý hoạt động công chứng trên địa bàn tỉnh. Từ đó thúc đẩy hoạt động luật sư và hoạt động công chứng trên địa bàn tỉnh phát triển lành mạnh, bền vững, đáp ứng được nhu cầu của công dân, tổ chức và sự phát triển của xã hội.
Hiện trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có 41 tổ chức hành nghề Luật sư với 116 Luật sư; 29 tổ chức hành nghề Công chứng với 66 Công chứng viên. Chỉ tính riêng trong năm 2022, các tổ chức hành nghề Luật sư đã thực hiện 856 việc, tổng doanh thu trên 23 tỉ đồng. Các tổ chức hành nghề Công chứng thực hiện trên 137.000 hợp đồng, tổng doanh thu đạt 94 tỉ đồng. Qua đó đã góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, đóng góp vào phát triển KT-XH, giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh. |
PV
Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai kiện toàn Ban Đào tạo bồi dưỡng và phát triển nghề Luật sư