/ Kết nối
/ Quảng Ninh thông qua chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã

Quảng Ninh thông qua chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã

29/04/2025 14:32 |17 ngày trước

(LSVN) - HĐND tỉnh Quảng Ninh vừa thông qua Nghị quyết về chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã.

Ngày 28/4, tại TP. Hạ Long, HĐND tỉnh Quảng Ninh khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026 đã tổ chức Kỳ họp thứ 26 (kỳ họp chuyên đề) để xem xét, quyết định nhiều nội dung quan trọng thuộc thẩm quyền.

Tham dự kỳ họp có: Ông Vũ Đại Thắng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh; bà Trịnh Thị Minh Thanh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Phạm Đức Ấn; Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Vũ Quyết Tiến; cùng Thường trực HĐND - UBND tỉnh; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Tại kỳ họp, sau khi nghe các Tờ trình, dự thảo Nghị quyết, báo cáo do đại diện UBND tỉnh Quảng Ninh, các Ban HĐND tỉnh Quảng Ninh trình bày, các đại biểu HĐND tỉnh Quảng Ninh đã biểu quyết thông qua 9 Nghị quyết với sự thống nhất rất cao.

Quang cảnh kỳ họp.

Quang cảnh kỳ họp.

9 Nghị quyết được kỳ họp thông qua gồm: Cho ý kiến về chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã; Quy định thẩm quyền quyết định việc mua sắm tài sản của các nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước và mua sắm hàng hóa, dịch vụ đối với nguồn kinh phí khoa học và công nghệ thuộc phạm vi quản lý của tỉnh; Thông qua danh mục các dự án, công trình thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất và quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác trên địa bàn tỉnh đợt 2 năm 2025 và điều chỉnh diện tích dự án, diện tích thu hồi đất, quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác đối với một số dự án, công trình đã được HĐND tỉnh thông qua.

Điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 vốn ngân sách cấp tỉnh; Điều chỉnh, bổ sung, phân bổ kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách cấp tỉnh năm 2025; Bổ sung một số nội dung trong cơ chế và biện pháp điều hành ngân sách địa phương năm 2025; Bãi bỏ một số Nghị quyết của HĐND tỉnh; Xác nhận kết quả miễn nhiệm Ủy viên UBND tỉnh khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026; Xác nhận kết quả bầu bổ sung Ủy viên UBND tỉnh khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Theo Nghị quyết về chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Quảng Ninh,  sau sắp xếp, tỉnh Quảng Ninh dự kiến sẽ có 51 đơn vị hành chính cấp xã trong đó có: 27 phường, 21 xã, 3 đặc khu (trường hợp thành lập 2 đặc khu, toàn tỉnh sắp xếp thành 54 đơn vị hành chính cấp xã trong đó có: 30 phường, 22 xã và 2 đặc khu); sau sắp xếp, tỉnh Quảng Ninh giảm 117-120 đơn vị, đạt 68 - 70% theo đúng tinh thần chỉ đạo của Trung ương. Trước khi sắp xếp, tỉnh Quảng Ninh có 171 đơn vị hành chính cấp xã (gồm 91 xã, 73 phường, 7 thị trấn).

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh Trịnh Thị Minh Thanh phát biểu tại kỳ họp.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh Trịnh Thị Minh Thanh phát biểu tại kỳ họp.

Phát biểu bế mạc kỳ họp, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh Trịnh Thị Minh Thanh đề nghị, ngay sau kỳ họp, UBND tỉnh, các cấp, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao; với quyết tâm chính trị cao nhất tập trung tổ chức triển khai nghiêm túc, kịp thời, quyết liệt, đồng bộ và hiệu quả các Nghị quyết.

Trong đó, khẩn trương hoàn thiện Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Quảng Ninh đảm bảo tiến độ, chất lượng để báo cáo Chính phủ trước ngày 1/5/2025 theo quy định; tập trung chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện Đề án ngay sau khi được cấp có thẩm quyền quyết định thông qua, bảo đảm sự ổn định của các cơ quan, đơn vị hành chính sau sắp xếp hoạt động thông suốt, hiệu quả, không để gián đoạn công việc, bỏ trống nhiệm vụ, địa bàn, lĩnh vực và ảnh hưởng đến các hoạt động bình thường của cơ quan, đơn vị, tổ chức và xã hội; tập trung chỉ đạo rà soát, chủ động phương án xử lý đối với các vấn đề liên quan đến việc bàn giao khi kết thúc hoạt động của chính quyền địa phương cấp huyện (từ 01/7/2025).

Đặc biệt, cần tăng cường quản lý công tác văn thư, lưu trữ bảo đảm không làm hỏng, thất lạc tài liệu, dữ liệu; hoàn thành số hóa hồ sơ, tài liệu để bàn giao trước khi tổ chức, bộ máy mới đi vào hoạt động; triển khai kịp thời các chính sách hỗ trợ cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động bị ảnh hưởng, tác động do sắp xếp tổ chức bộ máy. Đồng thời, làm tốt công tác chính trị, tư tưởng, tạo sự đồng thuận trong triển khai thực hiện.

ĐOÀN TÂN

Các tin khác