Ngày 01/01/2023, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) tổ chức khởi công đồng loạt 12 dự án thành phần thuộc Dự án đầu tư xây dựng cao tốc đường bộ Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 (giai đoạn 2).
Dự án thành phần cao tốc đường bộ Vạn Ninh-Cam Lộ (thuộc Dự án đầu tư xây dựng cao tốc đường bộ Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025) có tổng chiều dài 65,7km. Đoạn qua tỉnh Quảng Trị có chiều dài 32,53km, đi qua địa bàn các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ.
Để phục vụ dự án trên, tại tỉnh Quảng Trị có khoảng 477 hộ dân và 15 công trình công cộng bị ảnh hưởng phải di dời tái định cư. UBND tỉnh Quảng Trị đã chỉ đạo chính quyền các địa phương làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền, vận động người dân trong vùng Dự án đồng thuận thực hiện di dời nhà cửa, cơ sở kinh doanh, bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư. Cùng với đó, các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ cũng gấp rút triển khai đầu tư xây dựng các khu tái định cư phục vụ những hộ dân bị ảnh hưởng.
Vào ngày 07/11/2023, tại phiên chất vấn của Quốc hội, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng cho biết, trong quá trình làm đường cao tốc, Bộ đã chỉ đạo chủ đầu tư, nhà thầu thi công cố gắng tối đa tránh ảnh hưởng đến người dân, công trình. Nhưng để khắc phục hoàn toàn thì không thể được. Tuy nhiên, không phải vì mục tiêu làm đường cao tốc mà gây khó cho dân.
Mới đây, ông Nguyễn Văn Long, Giám đốc Công ty NTHH MTV Hoàng Bách (Công ty Hoàng Bách) đã gửi đơn “cầu cứu” UBND huyện Vĩnh Linh vào cuộc xử lý dứt điểm việc Dự án thành phần đoạn Vạn Ninh – Cam Lộ, thuộc dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông (giai đoạn 2021-2025) chậm đền bù thiệt hại tài sản do quá trình thi công gây ra.
Theo nội dung đơn, từ tháng 7/2024 đến nay, Công ty Hoàng Bách bị thiệt hại nặng nề do khối lượng bùn, đất, đá từ việc thi công đào đắp, mở cống làm đường cao tốc tại KM718+804 gói thầu XL2 Dự án thành phần đoạn Vạn Ninh – Cam Lộ thuộc Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông (giai đoạn 2021-2025) đổ vào hồ sinh thái của Công ty Hoàng Bách.
Theo đó, một khối lượng đất đá đổ dồn, vùi lấp lòng hồ sinh thái, dẫn đến biến dạng hệ sinh thái, làm chết cá và các loại vật nuôi trong hồ (hồ không thuộc phạm vi bị đền bù, giải tỏa). Sự việc, đến nay vẫn còn tiếp diễn.
Được biết, Công ty Hoàng Bách đăng ký hoạt động kinh doanh trên địa bàn xã Vĩnh Hà, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị. Ngành nghề kinh doanh sản xuất gồm: chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản, trồng cây lâm nghiệp, khai thác và chế biến gỗ trong nước và xuất nhập khẩu và nhiều ngành nghề khác, đóng góp đáng kể vào công tác giải quyết công ăn việc làm cho người lao động và kinh tế xã hội của địa phương.
Để phục vụ cho hoạt động trồng cây nông, lâm nghiệp, cung cấp nước tưới cho cây trồng của người dân vùng lân cận, Công ty Hoàng Bách đã tiến hành đào đắp một hồ sinh thái có diện tích 100.000m2, diện tích mặt nước 80.000m2, độ sâu khoảng 10m. Hồ được đưa vào hoạt động và sử dụng từ năm 2013. Không những vậy, hồ này còn được sử dụng nuôi cá, phục vụ nhu cầu nội bộ, cải thiện đời sống cho người lao động.
Năm 2022, nhà máy của Cty Hoàng Bách nằm trong diện giải toả, phục vụ công trình Dự án đường cao tốc Bắc - Nam nên hoạt động sản xuất kinh doanh bị ngưng trệ, nhiều công nhân, lao động bị mất việc làm. Để tạo “công ăn, việc làm” cho người lao động, Công ty Hoàng Bách đã thực hiện dự án nuôi cá tại hồ trên (hồ nằm sát đường cao tốc). Từ năm 2022, Công ty Hoàng Bách đầu tư bài bản, nuôi cá số lượng lớn, mua sắm nhiều thiết bị, công nghệ để gia tăng sản lượng cá. Tuy nhiên, dự án nuôi cá còn chưa đến kỳ thu hoạch (tháng 10/2025) thì xảy ra tình trạng trên. Đến nay, việc tiếp tục nuôi cá, khai thác lợi ích từ hồ trên là điều “không tưởng”.
Giám đốc Công ty Hoàng Bách cho biết, trong quá trình thi công, BQLDA đường Hồ Chí Minh (Bộ GTVT) và nhà thầu thi công (Công ty Cổ phần Tập đoàn Trường Thịnh) đã không khảo sát kỹ về địa hình, địa chất; phương án khảo sát địa hình, phương án thi công không đảm bảo hoặc có sai sót; không thực hiện trách nhiệm dự trù phương án giảm thiểu thiệt hại về an toàn và tài sản của cá nhân, tổ chức khác không phải công trình nên dẫn đến tình trạng trên.
Theo Biên bản giám định ngày 14/8/2024, Công ty Hoàng Bách bị thiệt hại khoảng 11-12 tấn (tại thời điểm giám định); khoảng 15 tấn (đến thời điểm hiện tại). Đất đá bồi lấp lòng hồ khoảng 3.700m3 (tại thời điểm giám định); khoảng 15.000m2 (đến thời điểm hiện tại sau nhiều đợt mưa lớn), tổng thiệt hại lên đến gần 19 tỉ đồng.
Giám đốc Công ty Hoàng Bách cho biết, hiện nay đang vào mùa mưa, hồ bị vùi lấp không có khả năng tích nước, mưa lớn liên tục khiến đất đá từ dự án vẫn tiếp tục chảy xuống hồ. Những vấn đề này cần có phương án giải quyết một cách kịp thời, nhằm hạn chế các thiệt hại đối với Công ty Hoàng Bách nói riêng và đối với kinh tế địa phương nói chung. Công ty Hoàng Bách đã gửi hồ sơ yêu cầu bồi thường thiệt hại nhưng, đến nay, việc xử lý, giải quyết bồi thường hầu như không có tiến triển vì chủ đầu tư và đơn vị bảo hiểm đưa ra những yêu cầu không hợp lý.
“Chính vì những bất cập trên nên tôi đã làm đơn gửi đến UBND huyện Vĩnh Linh đề nghị hỗ trợ, tổ chức buổi làm việc giữa Công ty Hoàng Bách với BQLDA đường Hồ Chí Minh (Bộ GTVT), Công ty Cổ phần Tập đoàn Trường Thịnh (đơn vị thi công) để giải quyết dứt điểm vấn đề”, Giám đốc Công ty Hoàng Bách chia sẻ.
Liên quan đến vụ việc, ngày 12/9, đại diện Phòng Điều hành Dự án 4, BQLDA cao tốc Bắc – Nam (Bộ GTVT) cho biết, đã nắm được việc hồ sinh thái bị ảnh hưởng và cũng đã nhận được đơn của Công ty Hoàng Bách. Đơn vị cũng có văn bản giải quyết đơn kiến nghị của Công ty Hoàng Bách.
“Về xác định nguyên nhân tổn thất cũng như mức độ thiệt hại, Ban đã mời giám định vào hiện trường, kiểm tra thực địa cùng Công ty Hoàng Bách. Sau khi kiểm tra, đơn vị giám định đã yêu cầu ông Long cung cấp các hồ sơ tài liệu để làm cơ sở bồi thường thiệt hại. Ban cũng đã có đơn kiến nghị để xem xét xử lý vấn đề này”, đại diện Phòng Điều hành Dự án 4 cho hay.
Ngày 11/11, đại diện Phòng Điều hành Dự án 4 cho biết: “Trong ngày hôm nay hoặc ngày mai, đơn vị sẽ tiếp tục có văn bản đề nghị Công ty Hoàng Bách cung cấp đủ hồ sơ”.
Liên quan đến vụ việc, Luật sư Lê Ngô Hoài Phong, Trưởng Văn phòng Luật sư Phong & Partners cho biết, căn cứ khoản 4 Điều 4; điểm b khoản 2 Điều 69; khoản 3 Điều 109; khoản 2 Điều 111 Luật Xây dựng 2014, BQLDA và nhà thầu thi công phải có trách nhiệm trong việc đảm bảo các vấn đề về tài sản, môi trường xung quanh khu vực công trình xây dựng. Hơn nữa, BQLDA và nhà thầu thi công đã thừa nhận nguyên nhân là do bùn đất từ công trình trôi xuống hồ dẫn đến cá chết khoảng 11-12 tấn; đất đai lòng hồ khoảng 3.700m3; hệ sinh thái biến đổi, đục nước, ô nhiễm tại Biên bản giám định ngày 14/8/2024. Phần dự án không đảm bảo an toàn, sạt lở gây thiệt hại cho Công ty Hoàng Bách và ảnh hưởng môi trường là lỗi của BQLDA và đơn vị thi công. Do đó, BQLDA và đơn vị thi công phải có trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại cho Công ty Hoàng Bách.
Theo Biên bản giám định ngày 14/8/2024, các bên đã khai ước tính số lượng cá chết khoảng 11-12 tấn. Việc thiệt hại về cá cũng được Công an xã Vĩnh Hà ghi nhận và thực tế quản lý trong quá trình chăn nuôi. Như vậy, theo khoản 1 Điều 589 Bộ luật Dân sự 2015 và khoản 1 Điều 6 Nghị quyết 02/2022/NQ-HĐTP, Công ty Hoàng Bách có quyền yêu cầu bồi thường phần tài sản cá trong hồ bị chết, các khoản chi phí về nhân công, thức ăn, vận hành… để chăn nuôi cá trong hồ. Để xác định giá trị của cá bị chết, các bên có thể căn cứ vào giá thị trường để giải quyết bồi thường. Ngoài ra, các tài sản khác như công trình, thiết bị… do phần đất đá của dự án làm hư hỏng hoặc mất đi, Công ty Hoàng Bách cũng có quyền yêu cầu được bồi thường.
Trường hợp không có sự việc trên xảy ra, Công ty Hoàng Bách vẫn tiếp tục chăn nuôi và nhận lợi nhuận từ việc bán cá trong hồ sinh thái. Theo khoản 2 Điều 589 Bộ luật Dân sự 2015 và khoản 2 Điều 6 Nghị quyết 02/2022/NQ-HĐTP, Công ty Hoàng Bách có quyền yêu cầu bồi thường các khoản lợi có thể thu được từ việc nuôi cá, khoản lợi từ việc tưới tiêu cho các cây nông sản xung quanh hồ...
Khoản 3 Điều 589 Bộ luật Dân sự 2015, khoản 3 Điều 6 Nghị quyết 02/2022/NQ-HĐTP và theo hiện trạng của hồ sinh thái theo ghi nhận của các bên, Công ty Hoàng Bách có quyền yêu cầu BQLDA bồi thường chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại nhằm tiếp tục phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty. Về chi phí khắc phục thiệt hại, trước hết có thể liệt kê đến như chi phí nạo vét lòng hồ, khôi phục lại hệ sinh thái hồ…
UBND huyện Vĩnh Linh phải có trách nhiệm hỗ trợ Công ty Hoàng Bách trong việc khiếu nại về thiệt hại phải gánh chịu do hoạt động thi công dự án gây ra. Nếu Công ty Hoàng Bách không thể tự giải quyết vấn đề với BQLDA và nhà thầu thi công, có thể đề nghị UBND huyện Vĩnh Linh hỗ trợ can thiệp giúp các bên có thể thượng lượng giải quyết bồi thường theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, UBND huyện Vĩnh Linh có thể hỗ trợ Công ty Hoàng Bách thông qua việc yêu cầu chủ đầu tư, nhà thầu bồi thường thiệt hại, giải quyết khiếu nại của doanh nghiệp và đảm bảo rằng các quy định pháp luật về bảo vệ tài sản của cá nhân và doanh nghiệp và bảo vệ môi trường được thực hiện đúng đắn.