/ Đời sống - Xã hội
/ Quảng Trị: Gặp vô vàn tình huống oái ăm, chủ đầu tư điện gió cầu cứu chính quyền

Quảng Trị: Gặp vô vàn tình huống oái ăm, chủ đầu tư điện gió cầu cứu chính quyền

17/07/2021 11:06 |

(LSVN) - Nhiều dự án điện gió đang gấp rút thi công để về đích, nhưng hàng loạt “tai bay vạ gió” khiến các chủ đầu tư phải kêu lên chính quyền, công an.

Cột đèn chình ình ở lề đường, vận chuyển cánh quạt ách tắc

Đại diện Công ty CP Điện gió KS cho biết, vừa có cuộc làm việc với công an huyện Đakrông (Quảng Trị) về việc bị người dân cản trở vận chuyển cánh quạt gió vào dự án.

Vị này cho biết: "Tối 14/7, công ty chúng tôi vận chuyển cánh quạt gió bằng xe chuyên dụng từ cảng Hòn La lên huyện Hướng Hóa. Khoảng 1 giờ sáng ngày 15/7, xe đến xã Đakrông đã phải dừng lại vì vướng cột đèn của giá đình bà Hồ Thị Miện mới dựng gần sát lề đường, không thuộc phạm vi khu đất của gia đình này".

“Họ đòi phải đền bù cái cột đèn thì mới di dời cột đi chỗ khác để xe qua. Cả đêm xe bị tắc ở đó không đi được. Số tiền họ đòi quá cao. Số tiền giảm dần từ mức mấy chục triệu đồng xuống 5 triệu đồng. Vì áp lực tắc đường trên quốc lộ 9 nên chúng tôi phải làm biên bản đưa tiền cho gia đình bà này là 5 triệu đồng. Nhận tiền xong gia đình này mới dỡ cột đèn cho xe qua. Lúc ấy đã là 5 giờ sáng”, đại diện công ty này cho biết.

Đó chỉ là một trong số vô vàn những chuyện dở khóc dở cười mà công ty này đối mặt khi thi công điện gió ở Quảng Trị. Chuyện kể trên chỉ là giọt nước tràn ly khiến công ty này phải tìm đến cơ quan công an can thiệp.

Công ty CP điện gió KS cho biết thêm: “Ngày 30/6, chúng tôi được phân công nhiệm vụ phụ trách thi công tuyến đường giao thông tại Thôn Cheng, xã Tân Liên, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị thì hộ gia đình ông Hồ Xà Ưn cầm dao quắm cán sắt phát cành cây sắc bén ra đe dọa và nằm dài trước máy xúc gây khó khăn để buộc chúng tôi phải cho tiền mới cho làm tiếp. Chúng tôi đã phân tích thuyết phục thì ông bỏ dao xuống nhưng vẫn cố tình nằm trước xe ô tô và máy xúc để ngăn chặn chúng tôi thi công. Một số anh em đã bế ông Hồ Xà Ưn ra khỏi khu vực thi công thì chúng tôi bị nhiều người ném đá gây thương tích”.

Hướng Hóa là địa bàn tập trung nhiều dự án điện gió ở Quảng Trị. Trong số 31 dự án điện gió với tổng công suất 1.077 MW đã được phê duyệt của tỉnh Quảng Trị, riêng địa bàn huyện Hướng Hoá đã có 30 dự án với công suất 1.047 MW. Hiện có 25 dự án điện gió đang triển khai, các nhà đầu tư đặt ra mục tiêu phấn đấu hoàn thành trước ngày 01/11/2021.

Tuy nhiên, công tác giải phóng mặt bằng, vận chuyển trang thiết bị phục vụ thi công dự án luôn “vấp” phải sự phản ứng của một số hộ dân.

Tại thông báo kết luận cuộc họp với huyện Hướng Hóa về giải phóng mặt bằng dự án điện gió ngày 17/5, ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Trị đã giao UBND huyện Hướng Hóa phân loại nhóm vấn đề còn khó khăn, vướng mắc để có giải pháp tuyên truyền, vận động, giải thích phù hợp cho nhân dân đồng thuận, chấp hành đúng các chính sách bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng của nhà nước.

“Trường hợp đã thực hiện đúng, đủ và hợp tình hợp lý các chính sách, chế độ liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng, đã tuyên truyền giải thích nhiều lần mà các hộ dân bị ảnh hưởng không chấp hành thì xem xét chỉ đạo các lực lượng tổ chức hỗ trợ thi công theo quy định”, ông Hà Sỹ Đồng yêu cầu.

Ngoài ra, lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Trị yêu cầu giải quyết dứt điểm các tranh chấp đất đai giữa các hộ dân, thực hiện việc quy chủ sử dụng đất rõ ràng, theo đúng quy định để tránh việc khiếu kiện, cản trở trong quá trình thi công. Chỉ đạo công an huyện thành lập tổ đảm bảo an ninh trậ tự hỗ trợ giải phóng mặt bằng và thi công các dự án điện gió trên địa bàn huyện.

Vẫn bị làm khó bằng nhiều hình thức

Dù UBND tỉnh đã chỉ đạo, thế nhưng, theo phản ánh của nhiều nhà đầu tư, tình hình vẫn không mấy cải thiện. Bên cạnh phần lớn hộ dân tích cực hỗ trợ chủ đầu tư, thì còn một số người vẫn cố tình gây cản trở, làm khó nhà đầu tư.

Đại diện một chủ đầu tư cho biết để đòi đền bù, có người lấy cớ từ những nguyên nhân không đâu vào đâu như cá chết dưới ao cách xa dự án hàng vài trăm mét, đến rừng ma cách dự án vài chục mét cũng bảo bị ảnh hưởng do tiếng động dự án làm động chạm. Và theo phong tục, phải nộp hàng trăm triệu để vừa cúng trâu phạt vạ doanh nghiệp, vừa chia tiền cho từng hộ. Rồi từng cá nhân ra cắm cọc, trồng cây, chôn cột để chặn đường các đoàn xe vận chuyển thiết bị hoặc xe thi công… để đòi thu hàng trăm triệu mỗi lượt, thu các tiền khác.

“Đặc biệt, hiện tượng nhận tiền chuyển nhượng đất xong rồi nhưng bày ra các trò như bố mẹ chuyển nhượng nhưng con chưa ký nên phải trả tiền thêm cho con. Nếu không trả tiền thêm tiền cầm dao rừng ra ngồi tại đó không cho thi công. Lúc ấy chúng tôi đành phải trả tiền thêm cho nhanh để làm tiếp bởi báo chính quyền xã thì chính quyền xử lý không xuể, được buổi sáng có chính quyền ra thì họ về, chiều không có chính quyền họ lại mang dao ra đuổi công nhân thi công”, chủ đầu tư này bức xúc.

Tình thế đó khiến nhiều chủ đầu tư phải tố cáo ra cơ quan công an để yêu cầu xử lý nghiêm. Bởi lẽ, các chủ đầu tư cho rằng nếu những yêu cầu của người dân là chính đáng, công ty sẵn sàng thỏa thuận với bà con, đảm bảo quyền lợi cho bà con. Thế nhưng, không thể nào dung túng cho những hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật, cưỡng đoạt tài sản của một bộ phận người dân.

“Chính quyền cần vào cuộc quyết liệt hơn để bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư, để chúng tôi sớm đưa dự án vào vận hành, đóng góp cho ngân sách của tỉnh. Nếu trường hợp này có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự cũng cần đưa ra để xử lý nghiêm”, một chủ đầu tư chia sẻ.

HÀ NAM

Người lao động bị nghỉ việc không lương nộp hồ sơ hỗ trợ khó khăn do Covid-19 ở đâu?

Lê Minh Hoàng