/ Đời sống - Xã hội
/ Quảng Trị - Savannakhet trình Chính phủ đề án xây dựng KKT thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Đensavan

Quảng Trị - Savannakhet trình Chính phủ đề án xây dựng KKT thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Đensavan

26/10/2022 04:18 |

(LSVN) - Tỉnh Quảng Trị và tỉnh Savannakhet (Lào) đã thống nhất về Đề án xây dựng Khu Kinh tế (KKT) thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo (Hướng Hóa, Quảng Trị, Việt Nam) - Đensavan (Sê Pôn, Savanakhet, Lào) và chuẩn bị các bước để trình Chính phủ 02 nước.

Toàn cảnh thị trấn Lao Bảo nhìn từ trên cao, đây là địa phương thuộc KKT thương mại đặc biệt Lao Bảo.

Theo đề án đã được 02 tỉnh Quảng Trị - Savannakhet thống nhất, về phía Việt Nam, KKT thương mại đặc biệt Lao Bảo, có diện tích 15.854 ha (gồm thị trấn Lao Bảo, thị trấn Khe Sanh và các xã Tân Thành, Tân Long, Tân Liên, Tân Lập và Tân Hợp thuộc huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị).

Về phía Lào, khu vực Khu thương mại biên giới Đensavan từ Bản Đông đến biên giới Việt Nam (cửa khẩu) có chiều dài 19 km dọc theo sông SêPôn và tuyến Đường 9, chiều rộng khoảng 01 km, gồm 13 bản.

Theo ông Hồ Đại Nam, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Tổ phó Tổ công tác 626 tỉnh Quảng Trị cho biết, Tổ công tác 626 tỉnh Quảng Trị đã phối hợp với Tổ công tác 1626 tỉnh Savannakhet và Ban Quản lý KKT đặc biệt tỉnh Savannakhet để xây dựng đề án “Xây dựng KKT thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Đensavan”.

Dự kiến cuối năm 2022, tỉnh Quảng Trị sẽ làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư - Cơ quan thường trực Phân ban hợp tác Việt Nam - Lào và các bộ, ban, ngành có liên quan để trình Chính phủ xin chủ trương cho phép thí điểm xây dựng KKT thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo – Đensavan.

Khi triển khai xây dựng, KKT thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Đensavan sẽ dựa trên mô hình hai nước hai KKT, có sự thống nhất về cơ chế, chính sách. Cụ thể, hai bên cùng xây dựng một KKT thương mại xuyên biên giới đối xứng về quy mô trên lãnh thổ hai nước, có sự kết nối về hạ tầng và chính sách nhưng mỗi bên tự chịu trách nhiệm xây dựng và quản lý khu hợp tác xuyên biên giới trên phạm vi lãnh thổ của mình.

Trong quá trình hoạt động, sẽ tiến hành xây dựng "hàng rào cứng" đảm bảo cách ly hoạt động bên trong và bên ngoài tại một số khu vực như: khu phi thuế quan, khu vực kho bãi hàng hoá chờ kiểm hóa, cảng cạn, khu công nghiệp; thực hiện một số chính sách ưu đãi chung, thống nhất về thuế, thủ tục hải quan, thu hút đầu tư…

Cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo (Việt Nam) và Cửa khẩu Quốc tế Đensavan (Lào).

Giai đoạn 2023 - 2030, KKT thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Đensavan sẽ tập trung quy hoạch, đầu tư hạ tầng khu vực cửa khẩu hai nước để phát triển dịch vụ logistics và hình thành 1 khu công nghiệp có quy mô từ 100 - 200 ha tại Khu thương mại biên giới Đensavan; quy hoạch các địa điểm thuận lợi dọc tuyến Quốc lộ 9 trong phạm vi Khu thương mại biên giới Đensavan và KKT thương mại đặc biệt Lao Bảo để các doanh nghiệp đầu tư hệ thống kho bãi, trung chuyển hàng hóa. Đặc biệt, sẽ thực hiện thí điểm một số cơ chế, chính sách vượt trội tại KKT này để rút kinh nghiệm áp dụng cho các khu hợp tác kinh tế xuyên biên giới khác trên tuyến biên giới Việt Nam - Lào.

Dự kiến, KKT thương mại đặc biệt Lao Bảo được quy hoạch, đầu tư hạ tầng để phát triển dịch vụ logistics và hình thành khu công nghiệp sẽ thu hút nhiều doanh nghiệp đến đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng để kinh doanh, sản xuất. Từ đó, sẽ tạo công ăn việc làm cho đông đảo công nhân lao động trong khu vực KKT thương mại đặc biệt Lao Bảo cũng như trên toàn tỉnh Quảng Trị. Như vậy, Đề án này không chỉ có ý nghĩa về mặt kinh tế vĩ mô, mà trong đó, còn có ý nghĩa trọng tâm về khía cạnh việc làm cho người lao động, nâng cao chất lượng thị trường lao động, đời sống người dân ở khu vực này.

Về phía tỉnh Savannakhet, ông Thongsay Xayavongkhamdy, Chánh Văn phòng Tỉnh ủy và Ủy ban Chính quyền, Tổ phó Tổ công tác 1626 tỉnh Savannakhet cho biết, Ban Quản lý KKT đặc biệt tỉnh Savannakhet và Tổ công tác 1626 tỉnh Savannakhet sẽ trình cấp có thẩm quyền để xin chủ trương về thí điểm xây dựng KKT thương mại xuyên biên giới chung trong cuối năm nay.

“Chính phủ Lào kỳ vọng KKT nói trên sẽ sớm thành hình và có thể biến nơi này trở thành khu vực có kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, tạo động lực thúc đẩy hợp tác và phát triển kinh tế - xã hội giữa hai tỉnh Quảng Trị - Savannakhet, góp phần phát triển quan hệ kinh tế của hai nước Việt Nam - Lào”, ông Thongsay Xayavongkhamdy nhấn mạnh.

HOÀNG NGHĨA

Trường THCS Võng Xuyên không ngừng phấn đấu nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo

Lê Minh Hoàng