Ảnh minh họa.
Quay lén video clip trong rạp chiếu phim được hiểu đơn giản là dùng thiết bị ghi hình (điện thoại, máy quay, máy ảnh) để ghi lại hình ảnh động của tác phẩm điện ảnh.
Trong các cụm rạp trên toàn quốc đều có quy định cụ thể rằng không được quay phim, livestream phát tán nội dung điện ảnh dưới mọi hình thức. Nếu cố chấp thực hiện thì bạn đã vi phạm quy định của rạp chiếu phim. Chưa kể hành vi này còn vi phạm pháp luật, đã xâm phạm quyền tác giả và quyền liên quan.
Cụ thể, khoản 6 Điều 28 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi, bổ sung 2009) quy định các hành vi xâm phạm quyền tác giả, trong đó có hành vi sao chép tác phẩm mà không được phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, trừ trường hợp sao chép để nghiên cứu cá nhân.
Khoản 5 Điều 35 Luật này cũng quy định các hành vi xâm phạm quyền liên quan bao gồm sao chép, trích ghép đối với cuộc biểu diễn đã được định hình, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng mà không được phép của người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình, tổ chức phát sóng.
Căn cứ các quy định tại Luật Sở hữu trí tuệ thì người nào đi xem phim ở rạp livestream hoặc quay lén phát tán gây thiệt hại cho nhà sản xuất thì đã có hành vi vi phạm pháp luật và các hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan nào đều bị xử lý nghiêm theo quy định pháp luật hiện hành.
Tùy thuộc vào thiệt hại mà nhà sản xuất phải đối mặt với hành vi livestream, quay lén mà chủ thể thực hiện sẽ bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự cụ thể như sau:
Xử phạt vi phạm hành chính
Điều 18 Nghị định 131/2013/NĐ-CP được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 28/2017/NĐ-CP quy định về hành vi xâm phạm quyền sao chép tác phẩm. Cụ thể, người nào có hành vi xâm phạm quyền sao chép tác phẩm thì bị phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 35.000.000 đồng đối với hành vi sao chép tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả.
Ngoài bị phạt tiền, người vi phạm còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc gỡ bỏ bản sao bản ghi âm, ghi hình dưới hình thức điện tử, trên môi trường mạng và kỹ thuật số hoặc buộc tiêu hủy tang vật vi phạm.
Truy cứu trách nhiệm hình sự
Tùy vào mục đích phát tán video, mức độ ảnh hưởng về kinh tế đối với chủ thể quyền tác giả, số tiền thu lợi bất chính thu được,…
Cụ thể, theo quy định tại Điều 225 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) về tội "Tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan", người nào không được phép của chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan mà cố ý thực hiện một trong các hành vi sau đây, xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan đang được bảo hộ tại Việt Nam với quy mô thương mại hoặc thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại cho chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc hàng hóa vi phạm trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm:
- Sao chép tác phẩm, bản ghi âm, bản ghi hình;
- Phân phối đến công chúng bản sao tác phẩm, bản sao bản ghi âm, bản sao bản ghi hình.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
- Có tổ chức;
- Phạm tội 02 lần trở lên;
- Thu lợi bất chính 300.000.000 đồng trở lên;
- Gây thiệt hại cho chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan 500.000.000 đồng trở lên;
- Hàng hóa vi phạm trị giá 500.000.000 đồng trở lên.
- Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Đối với tội này, người thực hiện hành vi vi phạm pháp luật là bất kỳ người, pháp nhân nào có năng lực trách nhiệm hình sự và thực hiện với lỗi cố ý.
NGỌC ANH