Cụ thể, tại tuần làm việc cuối cùng của Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, buổi sáng, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, tiến hành các nội dung sau: (i) Biểu quyết thông qua Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân; (ii) Nghe Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia báo cáo kết quả thảo luận ở Đoàn về đề nghị phê chuẩn danh sách các Phó Chủ tịch và các Ủy viên Hội đồng bầu cử quốc gia. Sau đó, Quốc hội phê chuẩn danh sách Phó Chủ tịch và Ủy viên Hội đồng bầu cử quốc gia bằng hình thức bỏ phiếu kín; (iii) Thảo luận ở hội trường về dự án Luật Tình trạng khẩn cấp; (iv) Nghe Ban kiểm phiếu báo cáo kết quả kiểm phiếu. Quốc hội thảo luận, biểu quyết thông qua Nghị quyết của Quốc hội phê chuẩn danh sách Phó Chủ tịch và Ủy viên Hội đồng bầu cử quốc gia.
Tiếp đó, Quốc hội họp riêng, nghe trình bày Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về việc bố trí nguồn thanh toán các khoản nợ thuộc trách nhiệm của Chính phủ tại Tổng công ty Công nghiệp Tàu thủy (SBIC). Sau đó, Quốc hội thảo luận ở hội trường về việc bố trí nguồn thanh toán các khoản nợ thuộc trách nhiệm của Chính phủ tại Tổng công ty Công nghiệp Tàu thủy (SBIC).

Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV. Nguồn: Quochoi.vn.
Chiều cùng ngày, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, tiến hành các nội dung sau: (i) Biểu quyết thông qua: Nghị quyết của Quốc hội về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp; Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc; Nghị quyết của Quốc hội về miễn, hỗ trợ học phí đối với trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, người học chương trình giáo dục phổ thông tại các cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân; Nghị quyết của Quốc hội về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 03 đến 05 tuổi. (ii) Thảo luận ở hội trường về dự án Luật Chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù.
Trước đó, ngày 25/6, Quốc hội thông qua Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Trong đó, cho phép cơ quan chức năng bán tang vật, phương tiện vi phạm hành chính trong một số trường hợp và nâng mức xử phạt hành chính không lập biên bản gấp 02 lần từ 01/7.
Cụ thể, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính đã bổ sung điểm c vào sau điểm b khoản 4 Điều 126 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định về xử lý tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ theo thủ tục hành chính.
Theo đó, sau thời gian 10 ngày kể từ ngày hết thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện, người có thẩm quyền ra quyết định tạm giữ sẽ được xử lý với tang vật, phương tiện có khả năng hư hỏng, suy giảm chất lượng hoặc các phương tiện, tang vật có nguy cơ gây cháy nổ, ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng sức khỏe cộng đồng trong quá trình quản lý, bảo quản.
Tiền thu được từ việc bán tang vật, phương tiện phải gửi vào tài khoản tạm giữ mở tại Kho bạc Nhà nước. Nếu hết thời hạn quy định tại điểm b khoản này mà người vi phạm, chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp tang vật, phương tiện không đến nhận thì nộp tiền thu được vào ngân sách Nhà nước.
Thời điểm thực hiện các phương án xử lý tang vật, phương tiện vi phạm cũng được quy định cụ thể.
Trong đó, người có thẩm quyền phải thực hiện đầy đủ trách nhiệm thông báo. Lần thông báo thứ nhất phải được thực hiện trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày hết thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện. Lần thông báo thứ hai được thực hiện trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày thông báo thứ nhất) và chỉ được thực hiện các phương án xử lý sau thời hạn thông báo lần thứ hai.
Đồng thời, việc xử lý tang vật, phương tiện cũng phải bảo đảm tuân thủ các nguyên tắc “công khai, khách quan, đúng thẩm quyền, bảo đảm công bằng, đúng quy định của pháp luật” trong xử phạt vi phạm hành chính.
Ngoài ra, một điểm mới đáng chú ý khác của Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính là nâng mức tiền tối đa không cần lập biên bản từ 250.000 đồng với cá nhân và 500.000 đồng với tổ chức lên gấp đôi, thành 500.000 đồng với cá nhân và 1.000.000 đồng với tổ chức.
Báo cáo giải trình về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh cho biết, một số ý kiến đề nghị cân nhắc việc mở rộng xử phạt không lập biên bản do lo ngại ảnh hưởng đến quyền khiếu nại, tính minh bạch.
Theo Bộ trưởng, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính vừa thông qua không tăng mức phạt tiền tối đa trong bất cứ lĩnh vực nào mà chỉ bổ sung một số lĩnh vực mới hoặc đang được quy định tại các luật chuyên ngành.
Cụ thể, Luật bổ sung lĩnh vực khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh với mức phạt tiền tối đa là 30 triệu đồng. Lĩnh vực dữ liệu, công nghiệp công nghệ số có mức phạt tiền tối đa là 100 triệu đồng. Lĩnh vực quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo có mức phạt tiền tối đa là 500 triệu đồng.
Báo cáo giải trình tiếp thu của Chính phủ cũng cho biết, nhiều ý kiến đề nghị tăng mức tiền phạt trong lĩnh vực giao thông đường bộ, lĩnh vực an toàn thực phẩm, sức khỏe. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp, việc điều chỉnh mức phạt tối đa là vấn đề lớn, có phạm vi tác động lớn, cần tổng kết, đánh giá tác động đầy đủ, toàn diện.
Vì thế, Luật không đề xuất tăng mức tiền phạt tối đa trong các lĩnh vực quản lý Nhà nước. Đối với các lĩnh vực cần thiết phải tăng để bảo đảm răn đe, Chính phủ sẽ chỉ đạo cơ quan chủ trì soạn thảo lưu ý, nghiên cứu và đánh giá tổng thể để đề xuất sửa đổi trong thời gian tới.