/ Tin tức
/ Quốc hội chính thức thông qua Luật Viễn thông (sửa đổi)

Quốc hội chính thức thông qua Luật Viễn thông (sửa đổi)

24/11/2023 10:28 |

(LSVN) - Theo kết quả bỏ phiếu, có 468 đại biểu bỏ phiếu tán thành, chiếm tỷ lệ 94,74%. Với đa số đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Viễn thông (sửa đổi).

Ảnh minh họa. 

Sáng nay, 24/11, các đại biểu Quốc hội đã bỏ phiếu biểu quyết thông qua Luật Viễn thông sửa đổi với sự tham gia của 473 đại biểu. Kết quả, 468 đại biểu bỏ phiếu tán thành, chiếm tỷ lệ 94,74%. Có hai đại biểu không tán thành, chiếm tỷ lệ 0,4%. Có 3 đại biểu không biểu quyết, chiếm tỷ lệ 0,61%. Như vậy, với đa số đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Viễn thông (sửa đổi).

Trước khi các đại biểu Quốc hội bỏ phiếu, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi).

Trình bày báo cáo tóm tắt giải trình tiếp thu, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy cho biết, ngày 25/10/2023, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về dự án Luật Viễn thông (sửa đổi), có 11 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu và một đại biểu Quốc hội gửi ý kiến bằng văn bản.

Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp chặt chẽ với Cơ quan chủ trì soạn thảo, các cơ quan hữu quan tiếp thu, chỉnh lý, rà soát kỹ lưỡng nội dung và kỹ thuật lập pháp. Ngày 23/11/2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có Báo cáo đầy đủ số 694/BC-UBTVQH15 giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi).

Trước khi Quốc hội biểu quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi).

Một trong các nội dung tiêu biểu được nhiều đại biểu quan tâm góp ý là quy định về đấu giá kho số viễn thông và tên miền quốc gia ".vn". Theo ông Lê Quang Huy, việc người trúng đấu giá bỏ tiền đặt cọc là một vấn đề đang xảy ra trong việc đấu giá các loại tài sản đấu giá hiện nay như đất đai, biển số xe ô tô... Luật Đấu giá tài sản năm 2016 quy định người trúng đấu giá có trách nhiệm thanh toán đầy đủ tiền mua tài sản đấu giá theo thỏa thuận trong hợp đồng mua bán tài sản đấu giá. Trường hợp bỏ tiền đặt cọc là vi phạm thỏa thuận trong hợp đồng mua bán tài sản đấu giá và thực hiện theo pháp luật về dân sự.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị giữ nguyên quy định trong dự thảo luật, giao Chính phủ quy định chi tiết về việc đấu giá quyền sử dụng kho số viễn thông, tên miền quốc gia Việt Nam ".vn" bảo đảm phù hợp với pháp luật về đấu giá tài sản. Đề nghị Chính phủ nghiên cứu, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản để bổ sung quy định về việc phạt vi phạm nghĩa vụ trong hoạt động đấu giá tài sản. Với giải pháp này, số tiền đặt trước có thể thấp nhằm thu hút nhiều người tham gia đấu giá, song số tiền phạt vi phạm nghĩa vụ là lớn sẽ góp phần ngăn chặn tình trạng trả giá cao bất thường rồi bỏ tiền đặt trước, gây lũng đoạn thị trường.

Về dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng tên gọi này đã thể hiện được đặc tính của dịch vụ nên đề nghị giữ tên gọi như trong dự thảo luật. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị giữ nguyên quy định về quản lý hoạt động công ích như dự thảo, giao Chính phủ quy định cụ thể việc miễn, giảm đóng góp vào quỹ để phù hợp tình hình thực tế.

Việc miễn, giảm đóng góp tài chính của doanh nghiệp vào Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích sẽ góp phần tạo điều kiện cho doanh nghiệp tập trung nguồn lực để khuyến khích doanh nghiệp tư nhân có đủ năng lực tham gia xây dựng hạ tầng viễn thông và các hạ tầng khác cho chuyển đổi số quốc gia…

Luật Viễn thông (sửa đổi) gồm 10 Chương với 73 Điều sẽ chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2024.

PV

Nguyễn Mỹ Linh