/ Pháp luật - Đời sống
/ Quốc hội đồng ý bổ sung nơi sinh vào hộ chiếu mẫu mới

Quốc hội đồng ý bổ sung nơi sinh vào hộ chiếu mẫu mới

15/11/2022 18:53 |

(LSVN) - Chiều ngày 15/11, tại phiên bế mạc, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV. Trong đó, Quốc hội đồng ý bổ sung nơi sinh vào hộ chiếu cấp cho công dân.

Ảnh minh họa.

Theo đó, Quốc hội giao Chính phủ chỉ đạo bộ, ngành có liên quan sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền để thực hiện; nhanh chóng nghiên cứu, trình Quốc hội xem xét, quyết định việc sửa đổi khoản 3, Điều 6, Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Trước đó, theo Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, việc cấp hộ chiếu phổ thông mẫu mới được thực hiện từ 01/7. Gần một tháng sau, Đức và một số nước thông báo tạm thời dừng cấp thị thực vào hộ chiếu mẫu mới của Việt Nam do thiếu nơi sinh của người mang hộ chiếu. Để tháo gỡ, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công an và cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài bị chú nơi sinh vào hộ chiếu mẫu mới cho công dân. Tuy nhiên, các nước chỉ chấp nhận tạm thời, đồng thời đề nghị Việt Nam sớm bổ sung nơi sinh vào trang nhân thân.

Chính phủ nhận thấy việc điều chỉnh này cần thực hiện trước ngày 01/01/2023, nhằm tạo thuận lợi cho công dân khi xin thị thực, nhập cảnh, cư trú và làm thủ tục liên quan ở nước có yêu cầu, nhất là Czech và nước trong khối Schengen. Việc bổ sung nơi sinh vào trang nhân thân của hộ chiếu theo Bộ trưởng Bộ Công an không làm phát sinh thêm thủ tục và chi phí do trong mẫu tờ khai đề nghị cấp hộ chiếu, giấy thông hành hiện hành đã có mục nơi sinh.

Nơi sinh là thông tin bắt buộc công dân phải khai để cơ quan quản lý xuất nhập cảnh cập nhật vào cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất nhập cảnh; cơ quan cấp phát hộ chiếu có thể khai thác thông tin về nơi sinh của công dân có trong cơ sở dữ liệu để in hộ chiếu.

Bên cạnh đó, Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 4 cũng nêu, sẽ kéo dài thời hiệu kỷ luật với cán bộ, công chức, viên chức có vi phạm đến mức khiển trách lên 05 năm và mức cảnh cáo trở lên là 10 năm.

Quốc hội giao Chính phủ hướng dẫn quy định này, đồng thời khẩn trương nghiên cứu, trình Quốc hội xem xét, quyết định việc sửa đổi Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, bảo đảm đồng bộ với quy định của Đảng.

Trước đó, phát biểu tại phiên thảo luận dự thảo Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho hay, hiện nay quy định về thời hiệu xử lý kỷ luật đảng và thời hiệu xử lý kỷ luật hành chính đối với cán bộ, công chức, viên chức còn khác nhau. Cùng bị khiển trách, thời hiệu kỷ luật đảng là 05 năm, kỷ luật hành chính là 02 năm; còn cảnh cáo thời hiệu kỷ luật đảng là 10 năm, còn hành chính là 05 năm.

Do có sự khác nhau nên thực tế phát sinh một số trường hợp đã bị kỷ luật đảng nhưng khi xem xét kỷ luật hành chính thì các cơ quan kiến nghị không xử lý do đã hết thời hiệu. Điều này làm ảnh hưởng đến việc thực hiện Quy định số 69 của Trung ương về kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm.

Trong đó, kỷ luật đảng không thay thế kỷ luật hành chính, kỷ luật đoàn thể và trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày công bố quyết định kỷ luật về Đảng, phải kỷ luật về hành chính, đoàn thể (nếu có) theo quy định của cơ quan Nhà nước, đoàn thể. Vướng mắc này cũng ảnh hưởng đến chủ trương kỷ luật nghiêm, "không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai" của Đảng.

Để khắc phục, Bộ Nội vụ cho rằng cần sửa đổi các quy định có liên quan của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức. Tuy nhiên, quy trình sửa đổi luật cần có thời gian vì phải thực hiện các thủ tục cần thiết theo quy định. Vì vậy, Chính phủ đề nghị ban hành Nghị quyết theo trình tự, thủ tục rút gọn.

MINH NGUYÊN

Xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản

Lê Minh Hoàng