Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu ý kiến. Ảnh: LĐO.
Theo đó, trình bày Tờ trình trước UBTV Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, sau gần 7 năm thi hành, Nội quy năm 2015 đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, cần được sửa đổi, bổ sung, lý do là: Luật Tổ chức Quốc hội và nhiều đạo luật khác đã sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội nên Nội quy cần được sửa đổi, bổ sung để bảo đảm tính đồng bộ, tính thống nhất của hệ thống pháp luật, thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng tại Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Một số điều, khoản tại Nội quy năm 2015 không còn phù hợp với thực tiễn, trong quá trình hoạt động, nhất là từ năm 2016, Quốc hội đã có nhiều cải tiến, đổi mới trong công tác chuẩn bị và tiến hành kỳ họp, được thực tiễn kiểm nghiệm, được đại biểu Quốc hội, cử tri và Nhân dân đánh giá cao, cần được xem xét để bổ sung quy định để bảo đảm cơ sở pháp lý.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, sửa đổi Nội quy kỳ họp Quốc hội nhưng không nên đi xa quá quy định của pháp luật. Cụ thể, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho hay, đối với thời gian phát biểu của đại biểu Quốc hội tại Quốc hội để 7 phút là phù hợp, tuy nhiên khi có nhiều ý kiến phát biểu trùng nhau thì chủ tọa phiên họp có thể quy định thời gian phát biểu rút ngắn lại còn 5 phút cho một lần phát biểu để nhiều đại biểu Quốc hội được quyền phát biểu.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, Quốc hội làm hết việc chứ không làm hết giờ. Khi nội dung Kỳ họp, phiên họp nhiều thì có thể kéo dài ngày, giờ để họp và vấn đề này phải xin ý kiến đại biểu Quốc hội.
Về thời gian phát biểu của đại biểu tại phiên họp toàn thể (Điều 16), có ý kiến đề nghị sửa đổi quy định thời gian phát biểu là 5 phút, vì đây vấn đề đổi mới đã được áp dụng tại nhiều kỳ họp trong các nhiệm kỳ Quốc hội gần đây, đã giúp cho mỗi phiên họp có nhiều đại biểu Quốc hội được phát biểu hơn.
Tuy nhiên, do có nhiều ý kiến đề nghị giữ quy định thời gian phát biểu là 7 phút như Nội quy hiện hành để đại biểu Quốc hội có thể trình bày thấu đáo quan điểm của mình nên dự thảo Nội quy tiếp tục thể hiện theo hướng này.
Về vai trò của Chủ tọa, người điều hành phiên họp, để bảo đảm phiên họp diễn ra thông suốt, hiệu quả, sôi nổi, có ý kiến đề nghị bổ sung quy định Chủ tọa, người điều hành phiên họp có quyền linh hoạt kéo dài hoặc rút ngắn thời gian phát biểu hoặc giải trình; được quyền yêu cầu đại biểu Quốc hội dừng tranh luận hoặc phát biểu nếu đại biểu Quốc hội phát biểu, tranh luận quá thời gian hoặc không phát biểu, tranh luận đúng nội dung.
Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết: “Dự thảo Nội quy đang được thể hiện theo hướng này”.
Ngoài ra, cũng có ý kiến khác đề nghị Chủ tọa, người điều hành phiên họp chỉ có quyền điều hành theo đúng thứ tự đăng ký phát biểu, tranh luận. Trường hợp cần rút ngắn hoặc kéo dài thời gian phát biểu hoặc giải trình thì Chủ tọa cần đề nghị Quốc hội cho phép mới được thực hiện để bảo đảm quá trình thảo luận, xem xét, quyết định tại kỳ họp được thực hiện theo nguyên tắc bình đẳng, dân chủ, các bên được bày tỏ chính kiến và được lắng nghe.
Về tranh luận, chất vấn lại (Điều 17), Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho hay, có ý kiến đề nghị cân nhắc quy định về việc tranh luận trong hoạt động chất vấn: Đại biểu Quốc hội có quyền tranh luận với người bị chất vấn để làm rõ hơn vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm. Thời gian tranh luận không quá 2 phút.
Vì thực tế tại các phiên chất vấn trong thời gian gần đây, mỗi đại biểu chỉ có 1 phút để chất vấn và phải đợi đến lượt mới được hỏi, trong khi có trường hợp đại biểu không có câu hỏi nhưng lại được quyền tranh luận, không cần đợi theo thứ tự đăng ký và có đến 2 phút để tranh luận là không công bằng.
Do đó, đề nghị làm rõ nguyên tắc bất kỳ đại biểu nào hay chỉ đại biểu đặt câu hỏi đó mới có quyền tranh luận với người trả lời chất vấn. Bên cạnh đó, cần làm rõ sự khác nhau giữa khái niệm tranh luận trong hoạt động chất vấn với khái niệm chất vấn lại quy định tại điểm c, khoản 3, Điều 15, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân.
Cũng có ý kiến cho rằng tại phiên chất vấn, nếu người trả lời chất vấn giải trình chưa rõ thì đại biểu Quốc hội cần tranh luận, truy vấn đến cùng nhằm mục đích làm sáng tỏ vấn đề với tính xây dựng cao, tìm ra giải pháp khắc phục khả thi, hữu hiệu và không chỉ đại biểu có câu hỏi mà đại biểu khác có cùng sự quan tâm cũng có quyền tranh luận với người bị chất vấn. Còn chất vấn lại quy định tại điểm c, khoản 3, Điều 15 được hiểu là đại biểu đã chất vấn nhưng không hài lòng với câu trả lời thì có quyền chất vấn lại người bị chất vấn. Theo quy định hiện hành, việc chất vấn lại cũng là chất vấn và có thời gian như nhau.
Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, dự thảo Nội quy (sửa đổi) đã nội quy hóa đổi mới trong hoạt động chất vấn đã được thực tiễn kiểm nghiệm đó là giảm thời gian chất vấn, chất vấn lại xuống 1 phút. Theo đó, thời gian tranh luận cũng chỉ nên trong khoảng 1 phút đến 2 phút.
Về biểu quyết tại phiên họp toàn thể (Điều 18), có ý kiến đề nghị quy định hình thức biểu quyết linh hoạt hơn trong trường hợp đặc biệt như khi dịch bệnh diễn biến phức tạp trong thời gian qua nhằm bảo đảm quyền biểu quyết của các vị đại biểu Quốc hội tham dự kỳ họp theo hình thức trực tuyến. Theo đó, đề nghị bổ sung quy định khi cần thiết, Quốc hội áp dụng đồng thời hai hình thức biểu quyết theo đề nghị của Chủ tọa.
Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, việc sử dụng đồng thời các hình thức biểu quyết khác nhau với mức độ công khai việc biểu quyết của mỗi đại biểu khác nhau khó bảo đảm nguyên tắc bình đẳng trong hoạt động của Quốc hội, do đó đề nghị cân nhắc việc quy định trường hợp biểu quyết nêu trên.
Về quy trình, thủ tục xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng về kinh tế - xã hội tại 2 hoặc nhiều kỳ họp Quốc hội (Điều 50), có ý kiến đề nghị quy trình, thủ tục xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng về kinh tế - xã hội tại 2 hoặc nhiều kỳ họp Quốc hội quy định tương tự như quy trình về xem xét, quyết định các dự án quan trọng quốc gia như tại Nội quy hiện hành, trong đó thẩm quyền chỉnh lý hồ sơ tài liệu và giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội về dự thảo Nghị quyết vấn đề quan trọng quốc gia trong thời gian giữa 2 kỳ họp là của UBTV Quốc hội (áp dụng quy trình tương tự như trình Quốc hội dự án luật, dự thảo nghị quyết tại 2 kỳ họp Quốc hội quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật).
Ý kiến khác cho rằng các vấn đề quan trọng về kinh tế - xã hội đa số được xem xét, quyết định tại 1 kỳ họp, những nội dung được xem xét tại 2 kỳ họp rất ít, đa số là những nội dung phức tạp, đặc thù, khác với các dự án luật cả về hồ sơ tài liệu và cách thức xem xét, do đó nên quy định cơ quan trình (Chính phủ) có trách nhiệm tiếp thu, giải trình, chỉnh lý hồ sơ tài liệu trình Quốc hội trong thời gian giữa 2 kỳ họp thì phù hợp hơn, vì Chính phủ mới có đủ điều kiện về nguồn lực để tổ chức phân tích, đánh giá, nhất là những vấn đề về tài chính, kỹ thuật, công nghệ…
Bên cạnh đó, hiện nay, Luật Đầu tư công cũng đang quy định việc xem xét, quyết định kế hoạch đầu tư công trung hạn tại 2 kỳ họp, trong đó giao Chính phủ tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội tại kỳ họp cuối năm của năm cuối nhiệm kỳ và hoàn thiện hồ sơ về kế hoạch đầu tư công trung hạn để trình Quốc hội tại kỳ họp đầu tiên của nhiệm kỳ Quốc hội. Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết: “Dự thảo Nội quy đang được thể hiện theo hướng này”.
TRẦN QUÝ
Phân công 6 Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công năm 2022