/ Nhìn ra thế giới
/ Quốc hội Mỹ xem xét dự luật đưa Nga vào danh sách ‘quốc gia tài trợ khủng bố’

Quốc hội Mỹ xem xét dự luật đưa Nga vào danh sách ‘quốc gia tài trợ khủng bố’

17/12/2021 06:56 |

(LSVN) - Một nhóm thượng nghị sĩ Mỹ đã giới thiệu dự luật hỗ trợ quân sự bổ sung cho Ukraine, trong đó có điều khoản đưa Nga vào danh sách “quốc gia tài trợ khủng bố” nếu Moskva tấn công nước láng giềng Ukraine.

Một phiên thảo luận tại Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ. Ảnh: BalkanInsight.

Dự luật được 8 thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa đệ trình hôm 15/7 này có tên gọi Dự luật Bảo vệ Tự chủ cho Ukraine thông qua tăng cường sức mạnh quốc phòng (GUARD). Dự luật đề cập đến một loạt giải pháp nhằm hỗ trợ cho chính quyền Kiev, trong đó có khoản viện trợ quân sự nước ngoài trị giá 450 triệu USD trong năm 2022 cũng như cam kết Mỹ sẽ liệt Nga là “quốc gia tài trợ khủng bố” nếu như xuất hiện một cuộc động binh từ Nga nhằm vào Ukraine.

John Barrasso, một trong 8 nghị sĩ tham gia trình dự luật, cho rằng Nga đang có âm mưu thống trị và kiểm soát Ukraine. Mỹ không thể để Moskva tự do thực hiện những hành động táo bạo và nguy hiểm như vậy mà không bị đáp trả. Mỹ và đồng minh cần nỗ lực hơn nữa để răn đe Nga, thông qua việc tăng mức giá mà Nga phải gánh chịu nếu quyết tâm can dự quân sự ở Ukraine.

Một thành viên khác là Jim Risch, thượng nghị sĩ cấp cao tại Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, cho rằng Ukraine hiện phải đối diện với sức ép quân sự từ Nga áp sát biên giới. Mỹ cần phải làm mọi điều có thể ngay ở thời điểm này để ngăn chặn Nga, hỗ trợ Ukraine về nhu cầu vũ khí, quốc phòng. Theo ông, Quốc hội Mỹ không thể ngồi nhìn và chờ đợi để đưa ra phản ứng trước hành động quân sự của Nga.

Dự luật cũng kèm theo điều khoản bổ sung về tuyến đường ống Dòng chảy Phương Bắc 2 (Nord Stream 2) – tuyến đường ông dẫn khí đốt mới hoàn tất xây dựng, vận chuyển khí đốt từ Nga tới châu Âu thông qua biển Baltic. Ukraine được coi là nước bị thiệt hại nặng nề nhất trong dự án này và Kiev luôn coi Nord Stream 2 là mối đe dọa an ninh với châu Âu. Tuy nhiên, giới lãnh đạo châu Âu ngầm khẳng định tuyến đường ống này sẽ sớm đi vào vận hành một khi hoàn tất xong các thủ tục hành chính.

Tình hình trên tuyến biên giới Nga-Ukraine có dấu hiệu nóng trở lại trong vài tuần gần đây. Mỹ và Ukraine có buộc Nga có ý định “xâm lấn” thông qua bước điều chuyển, tăng cường lực lượng, vũ khí trang bị áp sát Ukraine.

Về phần mình, Điện Kremlin đã nhiều lần bác bỏ cáo buộc vô căn cứ này, khẳng định hoạt động điều chuyển lực lượng của Nga nằm trong kế hoạch các cuộc diễn tập quân sự được tiến hành trên lãnh thổ Nga, nhằm ứng phó với diễn tập của NATO áp sát biên giới Nga.

TTXVN

Tập trung triển khai Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV

Lê Minh Hoàng