Toàn cảnh một phiên họp Quốc hội Nhật Bản tại thủ đô Tokyo. Ảnh tư liệu: Kyodo/TTXVN.
Quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn (PNTR), còn gọi là quy chế “tối huệ quốc”, đòi hỏi một quốc gia phải bảo đảm dành cho tất cả các quốc gia đối tác một chế độ ưu đãi thương mại thuận lợi như nhau. Đây là một nguyên tắc rất cơ bản trong quan hệ thương mại quốc tế hiện đại. Trước đây, với quy chế này, Nga đã được hưởng mức thuế thấp, cũng như các lợi ích khác khi là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
Dự luật này đã được Hạ viện Nhật Bản thông qua ngày 14/4. Dự kiến, sau động thái của Quốc hội, chính phủ của Thủ tướng Kishida Fumio sẽ ra sắc lệnh quy định tất cả hàng hóa nhập khẩu từ Nga phải chịu mức thuế cao hơn cho đến cuối tháng 3/2023, bao gồm thuế tăng từ 3,5% lên 5% đối với cá hồi và từ 4% lên 6% đối với cua.
Riêng dầu thô và khí tự nhiên hóa lỏng, cũng như chất palladium (một loại kim loại hiếm sử dụng để lọc khí thải của phương tiện), sẽ không bị ảnh hưởng vì các mặt hàng này không bị áp thuế nhập khẩu từ trước khi Nga được trao quy chế tối huệ quốc.
Hồi giữa tháng 3, lãnh đạo Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) đã tuyên bố sẽ hủy bỏ quy chế tối huệ quốc đối với Nga, một phần trong các biện pháp trừng phạt nhằm vào Moskva liên quan đến cuộc xung đột tại Ukraine.
TTXVN