Toàn cảnh một phiên họp của Quốc hội Peru ở Lima. Ảnh: AFP/TTXVN.
Cụ thể, với 93 phiếu thuận, 30 phiếu chống và 1 phiếu trắng, các nhà lập pháp Peru đã thông qua một dự luật về việc tổ chức bầu cử vào tháng 4/2024 thay vì vào năm 2026 như dự định. Dự luật cũng quy định rằng Tổng thống lâm thời Dina Boluarte sẽ trao quyền lực cho người chiến thắng trong cuộc bầu cử này vào tháng 7/2024.
Chủ tịch Quốc hội Peru, ông Jose Williams, cho biết dự luật này cần vượt qua một cuộc bỏ phiếu khác, dự kiến diễn ra trong những tháng tới, để có hiệu lực thi hành.
Peru đang trải qua cuộc khủng hoảng chính trị-xã hội nghiêm trọng sau khi cựu Tổng thống Pedro Castillo bất ngờ tuyên bố giải tán Quốc hội, thành lập chính phủ khẩn cấp và kêu gọi tổ chức cuộc bầu cử lập pháp mới. Hành động này đã bị Tòa án Hiến pháp, Tòa án Tối cao và các nghị sĩ quốc hội phản đối mạnh mẽ, coi đây là động thái “đảo chính”. Quốc hội Peru ngay lập tức đã bỏ phiếu phế truất nhà lãnh đạo này. Phó Tổng thống Dina Boluarte đã tuyên thệ nhậm chức Tổng thống lâm thời sau khi ông Castillo bị cảnh sát bắt giữ.
Kể từ khi đảm nhận vai trò mới, chính phủ lâm thời của bà Boluarte đã phải đối mặt với làn sóng biểu tình phản đối leo thang từ cuối tuần qua. Những người biểu tình đụng độ cảnh sát, kêu gọi đình công toàn quốc, triệu tập hội đồng lập hiến, đóng cửa Quốc hội, yêu cầu Tổng thống Boluarte từ chức, trả tự do cho cựu Tổng thống Castillo, tiến hành bầu cử sớm và ban hành Hiến pháp mới. Theo thống kê chính thức, cho đến nay đã có ít nhất 21 người thiệt mạng và hơn 650 người bị thương trong làn sóng bạo lực mới ở Peru.
Kết quả các cuộc thăm dò cho thấy 83% dân số Peru ủng hộ tiến hành bầu cử sớm để giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị-xã hội đang diễn ra ở quốc gia Nam Mỹ này.
PHAN AN/TTXVN
Dự thảo quy định về quan hệ phối hợp hợp tác quốc tế trong tố tụng hình sự