/ Tin tức
/ Quốc hội sẽ có thêm phiên họp chuyên đề vào cuối năm 2021

Quốc hội sẽ có thêm phiên họp chuyên đề vào cuối năm 2021

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) - Sáng 13/11, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu bế mạc kỳ họp thứ 2 sau 16 ngày làm việc. Cùng ngày, Quốc hội tổ chức họp báo công bố kết quả kỳ họp. Tại họp báo, ông Bùi Văn Cường, Tổng thư ký Quốc hội cho biết Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất cần có phiên họp chuyên đề dự kiến vào cuối tháng 12 và đầu tháng 01/2022.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường chủ trì họp báo. Ảnh: quochoi. 

Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, hiện, Quốc hội đã đề nghị Chính phủ chuẩn bị kỹ hồ sơ, tài liệu để trình theo đúng quy định. Sau khi nhận đủ tài liệu mà Chính phủ gửi và đảm bảo chất lượng thì sẽ báo cáo Quốc hội để tổ chức phiên họp sắp tới để giải quyết những vấn đề thực tiễn đặt ra. Đề án đổi mới hoạt động của Quốc hội đã chú trọng vào việc điều chỉnh hình thức tổ chức các kỳ họp. Nếu trước đây Quốc hội thường chỉ họp 2 kỳ/năm thì đến nay cần thay đổi theo hướng linh hoạt để giải quyết những vấn đề đặt ra.

Nếu 6 tháng một lần mà phát sinh những vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội thì sẽ chậm, ảnh hưởng đến sự phát triển. Vì vậy cần phải sửa lại nội quy kỳ họp theo hướng linh hoạt hơn, thậm chí có những việc cấp bách thì Quốc hội có thể họp trực tuyến.Ông Bùi Văn Cường cho biết thêm, hiện Chính phủ đã trình 7 vấn đề trong đó có 2 vấn đề phải báo cáo cấp có thẩm quyền trước khi trình Quốc hội. Ngoài ra, với 5 vấn đề còn lại, các cơ quan của Quốc hội đang phối hợp với Chính phủ để xem xét, chuẩn bị.

Đề cập đến nội dung dự kiến phiên họp chuyên đề, bà Đoàn Thị Thanh Mai, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cho biết Ủy ban Thường vụ Quốc hội cùng Chính phủ đang xây dựng gói hỗ trợ, chương trình tổng thể phục hồi phát triển kinh tế xã hội, tháo gỡ khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 để sớm trình Quốc hội. Nếu chuẩn bị kịp sẽ tổ chức kỳ họp chuyên đề của Quốc hội vào cuối tháng 12/2021 hoặc đầu tháng 1/2022 để xem xét. 

Về nội dung ưu tiên, theo bà Mai, chương trình phục hồi kinh tế trước mắt ưu tiên thực hiện tốt biện pháp phòng chống dịch, không lơ là chủ quan. Vì vậy, cần bố trí nguồn lực và kế hoạch cụ thể để nâng cao năng lực hệ thống y tế, nhất là y tế dự phòng, y tế cơ sở.

Bên cạnh đó, đơn vị chức năng cần tính toán quy mô hỗ trợ của chương trình phải tương ứng mức độ độ ảnh hưởng của đại dịch, có phương án huy động phân bổ nguồn lực đảm bảo khả thi hỗ trợ cung và cầu của nền kinh tế. Đồng thời, các chính sách phải có trọng tâm trọng điểm, tạo điều kiện phục hồi và phát triển đột phá một số ngành nghề lĩnh vực có cơ hội và tiềm năng lớn.

PV

Thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2022

Lê Minh Hoàng