/ Tích hợp văn bản mới
/ Quốc hội thảo luận Dự thảo Nghị quyết về giảm thuế thu nhập DN phải nộp năm 2020

Quốc hội thảo luận Dự thảo Nghị quyết về giảm thuế thu nhập DN phải nộp năm 2020

05/01/2021 18:05 |

(LSO) - Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 9, sáng 16/6, Quốc hội thảo luận ở Hội trường về dự thảo Nghị quyết về giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp năm 2020 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác.

Dự thảo Nghị quyết, quy định đối tượng áp dụng gồm: Người nộp thuế thu nhập DN là tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có thu nhập chịu thuế theo quy định của Luật Thuế thu nhập DN, trong đó có cả DN được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam; tổ chức được thành lập theo Luật HTX; đơn vị sự nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam; tổ chức khác có hoạt động sản xuất, kinh doanh có thu nhập (trừ DN được thành lập theo quy định của pháp luật nước ngoài).

Về giảm thuế thu nhập DN, dự thảo Nghị quyết nêu rõ: Giảm 30% số thuế thu nhập DN phải nộp của năm 2020 đối với DN có tổng doanh thu năm 2020 không quá 50 tỉ đồng và có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm 2020 không quá 100 người.

Về điều khoản thi hành, theo dự thảo, Nghị quyết này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày kể từ ngày ký và áp dụng cho kỳ tính thuế năm 2020.

Tờ trình của Chính phủ về dự thảo Nghị quyết cho biết, tính đến cuối năm 2019, Việt Nam có khoảng 760.000 DN đang hoạt động. Trong cơ cấu DN của Việt Nam, DN có quy mô nhỏ và vừa chiếm khoảng 97%, trong đó, DN có quy mô nhỏ chiếm hơn 93% và DN có quy mô vừa chiếm gần 4%. Như vậy, DN có quy mô nhỏ chiếm tới hơn 93% tổng số DN tại Việt Nam và các DN này có vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế, cũng như ổn định xã hội.

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, DN có quy mô nhỏ luôn là đối tượng được chú trọng trong các chính sách phát triển kinh tế ở nhiều quốc gia. Chính phủ nhiều nước đã thông qua các chính sách và chương trình hỗ trợ trên các phương diện khác nhau nhằm tạo điều kiện thuận lợi và thúc đẩy sự phát triển nhóm DN này. Trong đó, chính sách hỗ trợ về thuế cũng là công cụ thường được các nước sử dụng.

Diễn biến dịch bệnh Covid-19 phức tạp, khó lường và chưa dự báo được thời điểm kết thúc trên thế giới và dự kiến sẽ ảnh hưởng đến nhiều ngành nghề, lĩnh vực của Việt Nam, đặc biệt là nhóm DN có quy mô nhỏ.

Vì vậy, để các DN có quy mô nhỏ có thêm nguồn lực tài chính duy trì và khôi phục sản xuất kinh doanh, vượt qua khó khăn, thách thức do tác động của dịch bệnh, góp phần đạt mục tiêu cao nhất có thể về tăng trưởng kinh tế của năm 2020 thì cần thiết phải có giải pháp kịp thời trình Quốc hội ban hành Nghị quyết để quy định giảm thuế thu nhập DN phải nộp của năm 2020 đối với nhóm DN có quy mô nhỏ và sớm đưa chính sách này vào thực tiễn.

Về mục tiêu, yêu cầu xây dựng Nghị quyết là bảo đảm các chính sách hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng để đạt được mục tiêu về hỗ trợ, phát triển DN theo chủ trương của Đảng và Nhà nước, đồng thời phù hợp với tình hình, điều kiện thực tế của ngân sách Nhà nước. Bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với các quy định của pháp luật liên quan như Luật Thuế thu nhập DN, Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa. Bảo đảm đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện, tạo thuận lợi cho người nộp thuế.

Qua thảo luận, các đại biểu Quốc hội cơ bản nhất trí về sự cần thiết ban hành chính sách giảm thuế thu nhập doanh nghiệp như Tờ trình của Chính phủ nhằm hỗ trợ, giảm bớt khó khăn cho các doanh nghiệp trong giai đoạn nền kinh tế gặp nhiều khó khăn do tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19 và cụ thể hóa một phần các Điều 10, Điều 16 của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017 đã được Quốc hội thông qua.

Nhiều ý kiến cho rằng, trước tác động của đại dịch Covid-19, đại đa số các doanh nghiệp đều chịu ảnh hưởng. Tuy nhiên, các doanh nghiệp lớn sẽ có sức đề kháng tốt hơn, việc áp dụng chính sách giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp năm 2020 đối với doanh nghiệp có quy mô nhỏ là đúng đắn và cần thiết.

Một số ý kiến đề nghị cân nhắc bỏ điều kiện áp dụng tiêu chí về lao động để thực hiện chính sách giảm thuế thu nhập doanh nghiệp bởi trong điều kiện dịch bệnh hết sức khó khăn như hiện nay.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến đại biểu cũng cho rằng, thực tế, không phải tất cả mọi doanh nghiệp trong đại dịch đều bị thua lỗ. Dịch bệnh đối với một số doanh nghiệp là thách thức, nhưng đối với một số doanh nghiệp nó lại là cơ hội. Do vậy, các đại biểu Quốc hội đề nghị Nghị quyết cần phải quy định thật cụ thể việc áp dụng giảm thuế thu nhập doanh nghiệp này chỉ áp dụng đối với những doanh nghiệp thực sự bị sụt giảm về doanh thu.

Ngoài ra, có ý kiến đại biểu Quốc hội để nghị cần thiết thì mở rộng đối tượng hỗ trợ cho cả những doanh nghiệp nhỏ và vừa, không chỉ là các doanh nghiệp quy mô nhỏ. Đồng thời, cần quan tâm đến việc hỗ trợ cho các doanh nghiệp theo lĩnh vực, cụ thể là các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực có tiềm năng, lĩnh vực cốt lõi của nền kinh tế để giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn tạm thời.

Giải trình một số nội dung mà các đại biểu Quốc hội quan tâm tại phiên thảo luận Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đánh giá đây là một trong những giải pháp tài khóa mà Chính phủ đưa ra để hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp trong thời điểm dịch bệnh, đảm bảo phục hồi kinh tế trong giai đoạn hiện nay. Bộ trưởng cho biết, trong thời gian tới, sẽ trình Chính phủ giảm 50% thuế trước bạ của ô tô để khuyến khích sản xuất ô tô trong nước, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội giảm thuế bảo vệ môi trường về xăng cho nhiên liệu bay của tàu bay, đây chính là hỗ trợ các doanh nghiệp khác, thuộc diện tổn thương nặng, đặc biệt là hàng không.

Phát biểu kết thúc nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, các ý kiến thảo luận của các đại biểu Quốc hội tại phiên họp đã được ghi âm, ghi chép lại đầy đủ. Trên cơ sở đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ nghiêm túc tiếp thu và giải trình; đồng thời giao Ủy ban Tài chính- Ngân sách và các cơ quan có liên quan hoàn thiện các dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội xem xét, thông qua.

LSO

/de-xuat-quy-dinh-xu-phat-vphc-trong-linh-vuc-van-hoa-va-quang-cao.html