/ Tin tức
/ Quốc hội thảo luận về các báo cáo nhiệm kỳ của Tòa án, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao

Quốc hội thảo luận về các báo cáo nhiệm kỳ của Tòa án, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao

30/03/2021 02:55 |

(LSVN) - Tiếp tục chương trình nghị sự, ngày 30/3, Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường thảo luận về Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016 - 2021 của Tòa án nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao.

Ngày 30/3, Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường.

Phiên thảo luận về Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016 - 2021 của Tòa án nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao được phát thanh và truyền hình trực tiếp.

Dự thảo Báo cáo của Tòa án nhân dân Tối cao về công tác của các tòa án trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV khẳng định, trong nhiệm kỳ qua, mặc dù số lượng công việc tăng (bình quân mỗi năm tăng khoảng 8%) với tính chất phức tạp, quy mô lớn và phải thực hiện nghiêm việc tinh giản biên chế nhưng các tòa án đã không ngừng đổi mới, triển khai nhiều biện pháp đột phá, sáng tạo, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Quốc hội giao và đạt được nhiều kết quả nổi bật như: Hệ thống tòa án nhân dân đã hoàn thành nhiệm vụ, đạt và vượt các chỉ tiêu, yêu cầu quan trọng Quốc hội giao với chất lượng cao; tổ chức xét xử các vụ án tham nhũng, chức vụ, kinh tế được Đảng, Nhà nước và nhân dân đánh giá cao, dư luận đồng tình, ủng hộ; triển khai thành lập hệ thống tòa án 04 cấp, nay hoạt động đã đi vào ổn định, nề nếp và phát huy tác dụng của mô hình tổ chức tòa án mới.

Tổ chức xét xử theo đúng tinh thần cải cách tư pháp với việc thực hiện ngày càng đầy đủ nguyên tắc tranh tụng, góp phần nâng cao chất lượng xét xử; triển khai mô hình phòng xét xử mới và mô hình phòng xét xử thân thiện phù hợp với xu thế chung của quốc tế, qua đó đề cao vai trò của hội đồng xét xử, bảo đảm cho người tham gia tố tụng thực hiện đầy đủ quyền, nghĩa vụ; tích cực tham gia xây dựng thể chế, tăng cường công tác xây dựng, bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật và phát triển án lệ; tổ chức thí điểm thành công việc đổi mới, hòa giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính tại 16 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trên cơ sở đó đã đề xuất và được Quốc hội xem xét, ban hành Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án.

Bên cạnh đó, Tòa án nhân dân các cấp đã quan tâm đến công tác xây dựng Đảng, kết hợp chặt chẽ với công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức nhất là các chức danh tư pháp liêm chính, chuyên nghiệp, xây dựng tòa án trong sạch, vững mạnh; tăng cường hợp tác quốc tế, chủ động tham gia có trách nhiệm và có nhiều sáng kiến trong các thiết chế tư pháp đa phương và song phương.

Dự thảo Báo cáo của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao về công tác của ngành kiểm sát nhân dân trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV (2016 - 2021) nhấn mạnh, trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đã chỉ đạo toàn ngành kiểm sát quán triệt, thực hiện nghiêm, hiệu quả các chủ trương của Đảng về cải cách tư pháp và phòng, chống tham nhũng, các nghị quyết của Quốc hội về công tác đấu tranh phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm; nỗ lực triển khai, thực hiện quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp, tạo được sự chuyển biến tích cực trên tất cả các mặt công tác, nhất là nhiệm vụ phòng, chống oan, sai, chống bỏ lọt tội phạm, thực hiện đạt và vượt các nhiệm vụ, chỉ tiêu công tác được Quốc hội giao.

Công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực, trách nhiệm công tố được tăng cường ngay từ giai đoạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố; thực hiện nghiêm các nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của viện kiểm sát theo luật định, nhất là những nhiệm vụ mới, quy định mới của pháp luật; gắn hoạt động công tố với hoạt động điều tra; chất lượng tranh tụng của kiểm sát viên tại phiên tòa được nâng cao. Viện kiểm sát các cấp đã phối hợp tốt với các cơ quan chức năng trong việc điều tra, truy tố, đưa ra xét xử nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế đặc biệt nghiêm trọng, được dư luận đồng tình ủng hộ, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa trong xã hội, củng cố thêm niềm tin của nhân dân vào công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Các trường hợp oan sai giảm, việc bỏ lọt tội phạm từng bước được hạn chế.

Công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc dân sự, kinh doanh thương mại, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật đã có nhiều chuyển biến tích cực. Mặc dù khối lượng công việc tăng nhưng viện kiểm sát các cấp đã có nhiều biện pháp làm tốt hơn nhiệm vụ, quyền hạn của kiểm sát viên tại phiên tòa, từng bước thực hiện tốt hơn các nhiệm vụ của viện kiểm sát theo quy định mới của các đạo luật tư pháp; kịp thời phát hiện nhiều vi phạm pháp luật trong hoạt động tố tụng; chú trọng tổng hợp nguyên nhân, điều kiện phát sinh vi phạm pháp luật, tội phạm, tăng cường kiến nghị các cơ quan hữu quan khắc phục, phòng ngừa; chất lượng, hiệu quả các kháng nghị, kiến nghị được nâng lên, làm giảm các loại vi phạm trong các lĩnh vực hoạt động tư pháp, góp phần tăng cường pháp chế trong hoạt động tư pháp, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của công dân được tôn trọng; tiếp tục hoàn thành vượt các chỉ tiêu trong Nghị quyết của Quốc hội.

Cũng trong ngày 30/3, theo chương trình, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) và xem xét về công tác nhân sự.

NGUYỄN HOÀNG/VGP

Tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP. Hà Nội

Lê Minh Hoàng