Theo đó, ngày 26/11, với 450/453 Đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 93,95% tổng số Đại biểu Quốc hội. Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Công chứng (sửa đổi).
Luật Công chứng (sửa đổi) này quy định về công chứng viên, tổ chức hành nghề công chứng, việc hành nghề công chứng, thủ tục công chứng và quản lý nhà nước về công chứng.
Đối với giao dịch phải công chứng là giao dịch quan trọng, đòi hỏi mức độ an toàn pháp lý cao và được luật quy định hoặc luật giao Chính phủ quy định phải công chứng. Bộ Tư pháp có trách nhiệm rà soát, cập nhật, đăng tải các giao dịch phải công chứng, chứng thực trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tư pháp.
Liên quan tới vấn đề bồi thường thiệt hại trong hoạt động công chứng, Tổ chức hành nghề công chứng phải bồi thường thiệt hại cho người yêu cầu công chứng và cá nhân, tổ chức khác do lỗi của công chứng viên, nhân viên của tổ chức mình gây ra trong quá trình công chứng.
Về hiệu lực, Luật Công chứng (sửa đổi) này cũng có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2025. Luật Công chứng số 53/2014/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 28/2018/QH14 và Luật số 16/2023/QH15 hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành, trừ trường hợp quy định tại các khoản 1, 2, 3, 6, 7, 9, 11, 12 và 14 Điều 76 của Luật này.
Cùng ngày 26/11, sau khi nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Luật này. Với kết quả biểu quyết điện tử cho thấy, có 455/456 Đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 94,99% tổng số Đại biểu Quốc hội. Như vậy, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn với tỉ lệ tán thành cao.
Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn được Quốc hội thông qua gồm 05 Chương và 59 Điều, quy định về hệ thống quy hoạch đô thị và nông thôn; lập, thẩm định, phê duyệt, rà soát, điều chỉnh, tổ chức quản lý quy hoạch đô thị và nông thôn; quản lý nhà nước về quy hoạch đô thị và nông thôn.
Luật này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2025. Đối với quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, thiết kế đô thị riêng đã được phê duyệt trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành thì được tiếp tục có hiệu lực đến hết thời hạn hiệu lực của quy hoạch theo quy định của Luật này.
Cũng trong ngày 26/11, với 407/451 Đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 84,97% tổng số Đại biểu Quốc hội. Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi).
Theo đó, Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) được Quốc hội thông qua gồm 04 Chương và 17 Điều. Luật quy định, thuế giá trị gia tăng là thuế tính trên giá trị tăng thêm của hàng hóa, dịch vụ phát sinh trong quá trình từ sản xuất, lưu thông đến tiêu dùng.
Luật này cũng có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2025, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này. Theo khoản 2, quy định về mức doanh thu của hộ, cá nhân kinh doanh thuộc đối tượng không chịu thuế tại khoản 25 Điều 5 Luật này và khoản 3 Điều này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2026.