/ Tích hợp văn bản mới
/ Quốc hội thông qua Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều

Quốc hội thông qua Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều

05/01/2021 18:05 |

(LSO) - Sáng nay (17/6), với tỷ lệ 90,68% ĐBQH có mặt tán thành đối với Luật Doanh nghiệp; 92,34% đại biểu tán thành với Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều, Quốc hội đã chính thức thông qua 2 dự án Luật này.

Biểu quyết thông qua Luật Doanh nghiệp (sửa đổi)

Trước khi biểu quyết thông qua, Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi). Theo ông Vũ Hồng Thanh, tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội đã thảo luận tại Hội trường về dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi). Trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội (ĐBQH), ý kiến các cơ quan của Quốc hội và Báo cáo số 291/BC-CP ngày 12/6/2020 của Chính phủ về việc giải trình, tiếp thu ý kiến ĐBQH, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Cơ quan chủ trì thẩm tra, Cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật.

Cụ thể, về doanh nghiệp nhà nước (Điều 88), ông Vũ Hồng Thanh cho biết, một số ý kiến cho rằng khái niệm doanh nghiệp nhà nước như tại dự thảo Luật (doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ) là chưa phù hợp. Khái niệm doanh nghiệp nhà nước đã thay đổi liên tục, không bảo đảm tính nhất quán, tác động đến cách thức quản lý của các doanh nghiệp, tạo ra sự khác biệt trong cách thức quản lý với các doanh nghiệp khác.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng: Quy định Doanh nghiệp nhà nước (DNNN) gồm các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, tổng số cổ phần có quyền biểu quyết như dự thảo Luật nhằm thể chế hóa chủ trương về tỉ lệ cổ phần, vốn góp chi phối của Nhà nước theo Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 03/6/2017 của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 5 khóa XII về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả DNNN (Nghị quyết số 12). Dự thảo Luật đã sửa đổi khái niệm doanh nghiệp nhà nước theo nguyên tắc phân chia các loại doanh nghiệp có sở hữu nhà nước theo mức độ sở hữu khác nhau, mỗi loại hình doanh nghiệp có quy định về tổ chức quản trị phù hợp để nâng cao hiệu lực quản trị, công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình, bảo đảm bình đẳng với doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác.

Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo việc rà soát các luật có liên quan về DNNN để bảo đảm đồng bộ trong hệ thống pháp luật, có hiệu lực thi hành cùng Luật Doanh nghiệp (sửa đổi). Do vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho giữ quy định này như dự thảo Luật đã được hoàn thiện, chỉnh lý trình Quốc hội thông qua.

Về quyền của cổ đông phổ thông (Điều 115), có ý kiến cho rằng, không nên quy định giảm tỉ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông phổ thông. Việc giảm tỉ lệ sở hữu của cổ đông phổ thông sẽ dẫn đến có nhiều cổ đông nhỏ được can thiệp vào hoạt động quản trị, điều hành sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, từ đó có thể ảnh hưởng đến việc bảo mật thông tin của doanh nghiệp. Tuy nhiên, để bảo đảm quyền lợi của cổ đông nhỏ lẻ, đề nghị quy định trong dự thảo Luật về trách nhiệm công khai thông tin của cổ đông.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc quy định cổ đông có tỷ lệ sở hữu cổ phần phổ thông thấp hơn được thực hiện các quyền quy định tại dự thảo Luật là nhằm bảo vệ quyền của cổ đông thiểu số và nhóm cổ đông trong doanh nghiệp. Đây là nội dung quan trọng quy định về khung quản trị doanh nghiệp. Việc quy định theo hướng trên cũng sẽ góp phần quan trọng trong thu hút các nguồn lực đầu tư vào doanh nghiệp.

Tuy nhiên, để phù hợp và thống nhất với khái niệm cổ đông lớn quy định trong Luật Chứng khoán, mức tỷ lệ sở hữu của cổ đông hoặc nhóm cổ đông để thực hiện một số quyền của cổ đông phổ thông cần bảo đảm hài hòa quyền, lợi ích hợp lý của các cổ đông thiểu số, nhóm cổ đông trong doanh nghiệp, tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, tránh sự thay đổi quá lớn, có thể gây khó khăn trong quản trị, quản lý bí quyết công nghệ, kinh doanh của doanh nghiệp; phù hợp với thực trạng quản trị và bối cảnh của nước ta, tương thích với mức tỷ lệ phổ biến ở nhiều nước.

Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho giữ quy định này như dự thảo Luật về tỉ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông phổ thông là 5%.

Về mối quan hệ giữa Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) và các luật có liên quan, theo ông Vũ Hồng Thanh, có ý kiến cho rằng, quy định về chuyển nhượng vốn góp giữa Luật Doanh nghiệp và Luật Hôn nhân và gia đình còn mâu thuẫn về quyền sở hữu đối với tài sản sở hữu chung. Do đó, đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định cụ thể về quyền sở hữu và quyền chuyển nhượng vốn góp tại dự thảo Luật.

Về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo cụ thể như sau: Dự thảo Luật chỉ quy định việc chuyển quyền sở hữu tài sản góp vốn đối với cá nhân cho công ty. Đối với tài sản có đăng ký quyền sở hữu hoặc quyền sở hữu đất thì người góp vốn phải làm thủ tục chuyển nhượng sở hữu tài sản đó hoặc quyền sử dụng đất cho công ty theo quy định của pháp luật (Điều 35).

Do đó, khi thực hiện các thủ tục chuyển quyền sở hữu tài sản góp vốn thì phải tuân thủ quy định bao gồm cả quy định về chuyển quyền sở hữu đối với tài sản có sở hữu chung, như quyền sử dụng đất, tài sản có đăng ký… Vì vậy, nội dung về chuyển quyền sở hữu đối với tài sản chung thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật về dân sự và pháp luật khác có liên quan, không thuộc phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật.

Về quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp (Điều 7 và Điều 8), một số ý kiến cho rằng, Khoản 1 Điều 7 quy định: “tự do kinh doanh trong những ngành, nghề mà luật không cấm” và Điểm a Khoản 1 Điều 27 Luật Doanh nghiệp năm 2014 có quy định “ngành, nghề đăng ký kinh doanh không bị cấm đầu tư, kinh doanh”.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay, doanh nghiệp vẫn phải đăng ký chi tiết những ngành, nghề đăng ký kinh doanh với Cơ quan đăng ký kinh doanh. Do đó, đề nghị bổ sung nội dung này theo hướng doanh nghiệp không cần phải đăng ký ngành, nghề kinh doanh mà pháp luật không quy định phải có điều kiện.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc quy định doanh nghiệp gửi thông tin về ngành, nghề kinh doanh cho Cơ quan đăng ký kinh doanh không hạn chế quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp. Doanh nghiệp được quyền tự do kinh doanh trong những ngành, nghề mà pháp luật không cấm. Việc gửi thông tin này chỉ là thủ tục thông báo cho Cơ quan đăng ký kinh doanh để ghi nhận thông tin về doanh nghiệp vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp mà không phải là thủ tục đăng ký ngành, nghề kinh doanh của doanh nghiệp. Hơn nữa, quy định này cũng là cơ sở để cơ quan thuế phân cấp quản lý về thuế và xác định mức ưu đãi thuế cho doanh nghiệp.

Thông qua Luật sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều

Cũng trong sáng nay, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều.

Sau đó, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều với 92,34% (tương đương 446 đại biểu) tán thành.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều có bố cục gồm 03 Điều. Cụ thể, Điều 1 quy định về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai; Điều 2 quy định về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đê điều; Điều 3 quy định về hiệu lực thi hành.

Về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai tại khoản 1, Điều 3 như sau: Thiên tai là hiện tượng tự nhiên bất thường có thể gây thiệt hại về người, tài sản, môi trường, điều kiện sống và các hoạt động kinh tế - xã hội, bao gồm bão, áp thấp nhiệt đới, gió mạnh trên biển, lốc, sét, mưa lớn, lũ, lũ quét, ngập lụt; sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy hoặc hạn hán; nước dâng, xâm nhập mặn, nắng nóng, hạn hán, cháy rừng do tự nhiên, rét hại, mưa đá, sương mù, sương muối, động đất, sóng thần và các loại thiên tai khác.

Sửa đổi, bổ sung khoản 5, ĐIều 3 như sau: Công trình phòng, chống thiên tai là công trình do Nhà nước, tổ chức, cá nhân đầu tư, xây dựng, bao gồm trạm quan trắc khí tượng, thủy văn, hải văn, địa chấn, cảnh báo thiên tai; công trình đê điều, hồ đập, kè, chống úng, chống hạn, chống xâm nhập mặn, chống sạt lở, chống sụt lún đất, chống lũ quét, chống sét; khu neo đậu tránh trú bão cho tàu thuyền, nhà kết hợp sơ tán dân và công trình khác phục vụ phòng, chống thiên tai.

Điều 6 Luật quy định nguồn nhân lực cho phòng, chống thiên tai bao gồm: Tổ chức, hộ gia đình và cá nhân trên địa bàn là lực lượng tại chỗ thực hiện hoạt động phòng, chống thiên tai; Dân quân tự vệ là lực lượng tại chỗ thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai theo phương án ứng phó thiên tai của địa phương và sự điều động của người có thẩm quyền; Quân đội nhân dân, Công an nhân dân có trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai và là lực lượng nòng cốt trong công tác sơ tán người, phương tiện, tài sản, cứu hộ, cứu nạn, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội theo sự điều động của người có thẩm quyền; Tổ chức, cá nhân tình nguyện tham gia hỗ trợ hoạt động phòng, chống thiên tai thực hiện nhiệm vụ theo sự chỉ huy của người có thẩm quyền; Người làm công tác phòng, chống thiên tai tại cơ quan nhà nước thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai.

Lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã được thành lập ở cấp xã, hoạt động kiêm nhiệm, do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định trên cơ sở nguồn nhân lực quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều này, bao gồm dân quân ở thôn, ấp, bản, làng, buôn, bon, phum, sóc, tổ dân phố, khu phố, khối phố, khóm, tiểu khu; dân quân ở cấp xã và tổ chức khác tại địa phương thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai theo phương án ứng phó thiên tai của địa phương.

Luật cũng bổ sung quy định ưu tiên bố trí nguồn lực nghiên cứu, điều tra cơ bản, xây dựng và triển khai các chương trình khoa học và công nghệ trong phòng, chống thiên tai; tăng cường các giải pháp khắc phục hậu quả thiên tai; ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn, huấn luyện nâng cao năng lực cho người làm công tác phòng, chống thiên tai; huấn luyện, cung cấp phương tiện, trang thiết bị cho lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã.

Về ngân sách Nhà nước cho phòng, chống thiên tai, Luật quy định rõ: Ngân sách nhà nước bảo đảm cho phòng, chống thiên tai bao gồm ngân sách hằng năm, dự phòng ngân sách nhà nước, quỹ dự trữ tài chính. Ngân sách nhà nước cho phòng, chống thiên tai được sử dụng cho xây dựng và thực hiện chiến lược, kế hoạch, điều tra cơ bản phòng, chống thiên tai; đầu tư, xây dựng, tu bổ, nâng cấp công trình phòng, chống thiên tai; hoạt động phòng, chống thiên tai; hoạt động thường xuyên của cơ quan quản lý nhà nước về phòng, chống thiên tai các cấp. Việc lập dự toán, phân bổ, quản lý và sử dụng ngân sách nhà nước cho phòng, chống thiên tai được thực hiện theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đê điều, Luật quy định việc xây dựng cầu qua sông có đê phải bảo đảm thoát lũ, thông thoáng dòng chảy, an toàn đê điều theo quy định của Luật này và bảo đảm giao thông đường thủy theo quy định của pháp luật về giao thông đường thủy nội địa; vật liệu phế thải và lán trại trong quá trình thi công không được ảnh hưởng đến dòng chảy và phải được thanh thải sau khi công trình hoàn thành. Thủ tướng Chính phủ quy định nội dung bảo đảm thoát lũ, thông thoáng dòng chảy, an toàn đê điều đối với việc xây dựng cầu qua sông có đê.

LSO

/vu-xe-tai-lao-vao-cho-khien-10-nguoi-thuong-vong-khoi-to-bat-tam-giam-tai-xe.html