Chiều 30/10, với 451/458 Đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 94.15% tổng số Đại biểu), Quốc hội đã thông qua Luật Dữ liệu.
Luật này quy định về dữ liệu số; xây dựng, phát triển, bảo vệ, quản trị, xử lý, sử dụng dữ liệu số; Trung tâm dữ liệu quốc gia; Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia; sản phẩm, dịch vụ về dữ liệu số; quản lý về dữ liệu số; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động về dữ liệu số.
Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết, trên cơ sở tiếp thu ý kiến Đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật trình Quốc hội thông qua đã có sự điều chỉnh một số quy định so với bản dự thảo Luật Chính phủ trình trước đó.
Về công khai dữ liệu (Điều 21 dự thảo Luật Chính phủ trình), có ý kiến đề nghị tiếp tục rà soát để đảm bảo tính tương thích với Luật Tiếp cận thông tin về hình thức công khai, thời điểm công khai; bảo đảm hạn chế tối đa thiệt hại cho chủ sở hữu liên quan đến bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân, thành viên hộ gia đình.
Trên cơ sở nghiên cứu ý kiến của Đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo rà soát, chỉnh lý Điều này theo hướng quy định có tính nguyên tắc về công khai dữ liệu, hình thức công khai dữ liệu, trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong việc công bố dữ liệu được công khai, thời điểm công khai đối với từng loại dữ liệu phù hợp với quy định của pháp luật về tiếp cận thông tin; đồng thời giao Chính phủ quy định chi tiết về từng nội dung cụ thể.
Về chuyển dữ liệu ra nước ngoài, cho tổ chức, cá nhân nước ngoài, trên cơ sở ý kiến của các Đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo nghiên cứu tiếp thu, rà soát và chỉnh lý tên Điều này thành “Chuyển, xử lý dữ liệu xuyên biên giới”.
Đồng thời, bổ sung quy định tại khoản 1 Điều 23 dự thảo Luật tiếp thu, chỉnh lý theo hướng: “1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân được tự do chuyển dữ liệu từ nước ngoài về Việt Nam, xử lý dữ liệu của nước ngoài tại Việt Nam, được nhà nước bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp theo quy định của pháp luật”; giao Chính phủ quy định chi tiết nội dung Điều này.
Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, đây là nội dung mới, phức tạp, cần tiếp tục đánh giá trong quá trình thi hành Luật. Để bảo đảm tính khả thi, phù hợp với thực tiễn và bảo đảm linh hoạt trong quá trình quản lý, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị chỉ quy định những nội dung cơ bản mang tính nguyên tắc trong dự thảo Luật và giao Chính phủ quy định chi tiết.
Về cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia và việc thu thập, cập nhật, đồng bộ dữ liệu vào cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia, trên cơ sở ý kiến của Đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo bổ sung quy định giao “Thủ tướng Chính phủ quyết định lộ trình xây dựng, phát triển cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành và lộ trình thực hiện việc thu thập, cập nhật, đồng bộ dữ liệu vào Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia”, bảo đảm tránh lãng phí.
Về xây dựng Trung tâm dữ liệu quốc gia, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh của Quốc hội cho biết, tiếp thu ý kiến của Đại biểu Quốc hội, quá trình tiếp thu, chỉnh lý, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo rà soát gom nội dung Chương IV dự thảo Luật Chính phủ trình, gồm các Điều 40, 41, 42, 43, 44, 45, 46, 47 thành Mục 1 của Chương III quy định về xây dựng, phát triển Trung tâm dữ liệu quốc gia.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho biết, việc xây dựng Trung tâm dữ liệu quốc gia hiện đang triển khai thực hiện trên cơ sở Nghị quyết số 175/NQ-CP ngày 30/10/2023 của Chính phủ phê duyệt Đề án Trung tâm dữ liệu quốc gia.
Đảng ủy Công an Trung ương đã báo cáo cấp có thẩm quyền và được đồng ý với chủ trương xây dựng Trung tâm dữ liệu quốc gia trực thuộc Bộ Công an quản lý. Chính phủ đã ban hành nghị định thành lập Trung tâm dữ liệu quốc gia là một đơn vị mới thuộc Bộ Công an và giao Bộ trưởng Bộ Công an quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy.
Về sàn giao dịch dữ liệu, tiếp thu ý kiến Đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo rà soát và chỉnh lý Điều 53 dự thảo Luật chính phủ trình (nay là Điều 42 dự thảo Luật tiếp thu, chỉnh lý) theo hướng đổi tên Điều thành “Sàn dữ liệu”, chỉ quy định nội dung cơ bản về sàn dữ liệu và giao Chính phủ quy định chi tiết các nội dung theo thẩm quyền.
Luật Dữ liệu có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2025.