/ Tin nổi bật
/ Quốc hội thông qua Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi)

Quốc hội thông qua Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi)

19/02/2025 11:05 |2 tháng trước

(LSVN) - Ngày 19/02, Quốc hội đã chính thức thông qua dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) với tỷ lệ tán thành cao.

Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) gồm: 7 chương, 50 điều và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/3/2025. Luật quy định đơn vị hành chính của Việt Nam gồm tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (cấp tỉnh); huyện, quận, thị xã, thành phố (cấp huyện); xã, phường, thị trấn (cấp xã) và đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do Quốc hội quyết định thành lập.

Đáng chú ý, Điều 2 của Luật quy định về tổ chức chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính nêu rõ, chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính cấp tỉnh, huyện, xã là cấp chính quyền địa phương gồm có HĐND và UBND. Trường hợp Quốc hội có quy định về việc không tổ chức cấp chính quyền địa phương, chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính đó là UBND. Nguyên tắc hoạt động của HĐND là làm việc theo chế độ tập thể và quyết định theo đa số. UBND ở cấp chính quyền địa phương hoạt động theo chế độ tập thể UBND kết hợp với trách nhiệm của chủ tịch UBND.

Các đại biểu Quốc hội bấm nút biểu quyết thông qua Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi).

Các đại biểu Quốc hội bấm nút biểu quyết thông qua Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi).

Bên cạnh đó, tổ chức chính quyền địa phương tinh, gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu quản trị địa phương chuyên nghiệp, hiện đại, minh bạch, bảo đảm trách nhiệm giải trình gắn với cơ chế kiểm soát quyền lực. Những công việc thuộc thẩm quyền của chính quyền địa phương phải do địa phương quyết định, địa phương tổ chức thực hiện và tự chịu trách nhiệm, theo tinh thần của luật sửa đổi.

Một trong những nội dung quan trọng khác nằm tại Chương III của Luật, về phân định thẩm quyền của chính quyền địa phương các cấp. Việc phân định thẩm quyền của chính quyền địa phương phải bảo đảm nhiều nguyên tắc như bảo đảm không trùng lặp, chồng chéo về nhiệm vụ, quyền hạn giữa các cơ quan Nhà nước ở Trung ương và địa phương, giữa chính quyền địa phương các cấp và giữa các cơ quan, tổ chức thuộc chính quyền địa phương. Cùng với yêu cầu đảm bảo tính công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình và thực hiện có hiệu quả việc kiểm soát quyền lực, chính quyền địa phương được chủ động đề xuất với cơ quan có thẩm quyền về việc phân quyền, phân cấp cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền ở địa phương thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn phù hợp với khả năng và điều kiện thực tiễn của địa phương.

Với quy định về phân quyền tại Điều 12, chính quyền địa phương tự chủ trong việc ra quyết định, tổ chức thi hành và tự chịu trách nhiệm trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn được phân quyền; được phân cấp, ủy quyền thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn được phân quyền theo quy định, trừ trường hợp luật, nghị quyết của Quốc hội quy định không được phân cấp, ủy quyền.

Về phân cấp, UBND cấp tỉnh, cấp huyện được phân cấp cho cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc UBND cấp mình hoặc UBND, chủ tịch UBND cấp dưới. Cơ quan phân cấp chịu trách nhiệm về tính hợp pháp của việc phân cấp và bảo đảm các điều kiện cần thiết để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn phân cấp, đồng thời có trách nhiệm theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đã phân cấp.

Cũng theo quy định của luật, UBND cấp tỉnh được đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng, bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ phân cấp hoặc đề xuất với Chính phủ đề nghị Quốc hội phân quyền cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền ở địa phương thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn phù hợp với khả năng và điều kiện thực tiễn của địa phương. Trong ủy quyền, UBND được ủy quyền cho chủ tịch UBND cấp mình hoặc UBND, chủ tịch UBND cấp dưới. Chủ tịch UBND được ủy quyền cho cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND cùng cấp hoặc chủ tịch UBND cấp dưới. Việc ủy quyền cho đơn vị sự nghiệp công lập chỉ thực hiện đối với các nhiệm vụ, quyền hạn nhằm tăng quyền tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công lập trong việc quản trị đơn vị và cung ứng dịch vụ sự nghiệp công.

Trình bày báo cáo giải trình tiếp thu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước đó, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp cho biết có ý kiến đề nghị thể chế hóa quan điểm chỉ đạo về "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm". Có ý kiến đề nghị bổ sung vào dự thảo Luật yêu cầu đẩy mạnh chuyển đổi số trong tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương để tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, phù hợp với xu hướng hiện nay.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin tiếp thu và chỉnh lý quy định của dự thảo luật bảo đảm bám sát quan điểm chỉ đạo của Đảng về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền giữa Trung ương và địa phương, giữa các cấp chính quyền địa phương. Việc này nhằm phát huy tính chủ động, sáng tạo của địa phương, bảo đảm phương châm "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm"; "cấp nào giải quyết hiệu quả hơn thì giao nhiệm vụ, thẩm quyền cho cấp đó", cũng như yêu cầu đẩy mạnh chuyển đổi số.

 

MINH ANH (t/h)