Ảnh minh họa.
Bên cạnh nội dung về đấu giá biển số xe, dự thảo nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk và giải pháp xử lý vướng mắc tại một số trạm thu phí/dự án BOT cũng được bổ sung vào chương trình. Về nội dung thí điểm cấp quyền biển số ô tô thông qua đấu giá, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ khẩn trương gửi hồ sơ tài liệu, đề xuất cụ thể việc ban hành nghị quyết riêng hay đưa vào nghị quyết chung của kỳ họp.
Bên cạnh đó, Thường vụ Quốc hội thống nhất chưa đưa vào chương trình kỳ họp ba nội dung: Tổng kết, đánh giá việc thực hiện quy định tại khoản 3 Nghị quyết số 30 về kỳ họp thứ nhất; tổng kết thực hiện nghị quyết về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. HCM và đề xuất hoàn thiện các cơ chế, chính sách thực hiện thí điểm; xem xét, quyết định Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030.
Trước đó, theo tờ trình gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đề xuất khi chuyển nhượng xe, người dân được quyền giữ lại biển số đã trúng đấu giá để đăng ký cho xe khác. Tuy nhiên, người sở hữu không được phép chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế biển số trúng đấu giá; trong 12 tháng kể từ ngày trúng đấu giá phải đăng ký biển số gắn với phương tiện, nếu không sẽ bị thu hồi. Về xác định giá khởi điểm biển số đưa ra đấu giá, công thức tính được áp dụng thống nhất, giá khởi điểm là mức giá thấp nhất, được chia làm hai vùng. Vùng 1 gồm Hà Nội, TP. HCM, giá khởi điểm là 40 triệu đồng; vùng 2 gồm các địa phương còn lại, giá khởi điểm 20 triệu đồng.
Việc đấu giá biển số xe đẹp được Cục Cảnh sát giao thông đề xuất từ năm 1993, tuy nhiên gặp bế tắc vì Luật Đấu giá tài sản không đưa biển số xe vào danh mục tài sản đấu giá, các bộ liên quan không có căn cứ pháp lý triển khai...
PV