“Quốc triều hình luật” là một trong những bộ luật quan trọng nhất của Việt Nam thời kỳ phong kiến. Nói đến Quốc triều hình luật người ta nghĩ ngay đến một bộ luật có kĩ thuật lập pháp cao, nội dung phong phú, toàn diện với nhiều giá trị nổi bật trong lịch sử pháp luật Việt Nam thời kỳ phong kiến. Quốc triều hình luật không chỉ được đánh giá cao hơn hẳn so với những thành tựu pháp luật của các triều đại trước đó mà còn có nhiều ý nghĩa quan trọng đối với việc biên soạn nhiều bộ luật khác của các triều đại phong kiến Việt Nam sau này.
I. Sự ra đời và nội dung chính của “Quốc triều hình luật”
“Quốc triều hình luật”ra đời trong triều đại nhà Hậu Lê (sơ kỳ) – thời kỳ đất nước ta đạt đến đỉnh cao của chế độ phong kiến tập quyền. Do nhu cầu phát triển của chế độ Trung ương tập quyền, các hoạt động lập pháp của nhà Lê được đẩy mạnh nhằm xác lập sự thống trị của nhà Lê. Các vua đầu triều đã sớm có ý thức xây dựng những quy định, và luật lệ để quản lý các vấn đề trong nước: Lê Lợi đã huy động một số đại thần soạn luật lệ về kiện tụng, về phân chia ruộng đất, về hình phạt, ân xá, … Đến thời Lê Thái Tông đã xây dựng những nguyên tắc xử các vụ án kiện cáo, hối lộ và về những hành động giao thiệp với người nước ngoài. Đời Lê Nhân Tông đã ban hành 14 điều luật về quyền tư hữu ruộng đất. Và đỉnh cao của quá trình xây dựng hệ thống luật pháp của nhà Lê chính là việc ban hành “Quốc triều hình luật” (còn gọi là “Bộ luật Hồng Đức” hoặc “Lê triều hình luật”) dưới triều Lê Thánh Tông năm 1483. Văn bản gốc của Bộ luật này hiện nay không còn. Bản “Quốc triều hình luật” được giữ lại cho đến ngày nay đã được các vua thời Lê mạt bổ sung ít nhiều, ban hành năm 1777 (Cảnh Hưng thứ 38). Bộ Quốc triều hình luật bao gồm 6 quyển, 722 điều:
+ Quyển 1 có 2 chương: Danh lệ (49 điều), Cấm vệ (47 điều)
+ Quyển 2 có 2 chương: Vi chế (144 điều), Quân chính (43 điều)
+ Quyển 3 có 3 chương: Hộ hôn (58 điều), Điền sản (59 điều), Thông gian (10 điều)
+ Quyển 4 có 2 chương: Đạo tặc (54 điều), Đấu tụng (50 điều)
+ Quyển 5 có 2 chương: Trá nguỵ (38 điều), Tạp luật (92 điều)
+ Quyển 6 có 2 chương: Bộ vong (13 điều), Đoản ngục (65 điều)1. “Quốc triều hình luật” là một bộ luật có tính chất tổng hợp, phạm vi điều chỉnh rất rộng và được xây dựng dưới dạng hình sự, áp dụng chế tài hình luật. Các nhà nghiên cứu thường chia nội dung của nó thành: luật Hình, luật Dân sự, luật Hôn nhân gia đình và luật Tố tụng.
II. Những đặc trưng cơ bản của “Quốc triều hình luật”
1. “Quốc triều hình luật” là sự kế thừa và sáng tạo độc đáo các thành tựu luật pháp trước đó để đạt đến đỉnh cao nhất của thành tựu luật pháp phong kiến Việt Nam
Năm 1428, “Quốc triều hình luật” được ban hành với vai trò nổi bật của vị vua anh minh sáng suốt Lê Thánh Tông và xu hướng hưng thịnh của triều đại đang phát triển hưng thịnh, nhà Hậu Lê. Tuy nhiên, bộ “Quốc triều hình luật” ngày nay chúng ta còn giữ được cho thấy đây không chỉ là thành quả lớn lao ngành lập pháp đời Lê Thánh Tông mà nó được sinh ra trên cơ sở kế thừa nhiều thành tựu lập pháp của các triều đại trước, của Trung Quốc và của các vua đầu triều Lê. Ngay sau khi lên ngôi, Lê Thái Tổ đã ban hành nhiều những quy định về hình phạt và luật lệ kiện tụng, về chức tước các quan văn võ, về phân cấp hệ thống chính quyền địa phương, … Thái Tổ tỏ ra đặc biệt quan tâm đến những vấn đề thời hậu chiến như: hạn chế thế lực và quyền hạn của các quan đại thần, tướng hiệu, việc lập sổ điền, sổ hộ, việc cấm bỏ hoang ruộng đất… nhằm nhanh chóng thiết lập lại kỉ cương nhà nước, trật tự xã hội, củng cố địa vị của Vua, kiểm soát chặt chẽ đất đai, thuế khoá, … Hầu hết các điều khoản ở chương I được ban hành dưới triều đại Thái Tổ – làm cơ sở cho việc áp dụng pháp luật của triều đại mới ngay từ những ngày đầu lên nắm chính quyền. “So sánh hệ thống các hình phạt được quy định tại chương I “Quốc triều hình luật” với những ghi chép về hình phạt dưới thời Thái Tổ trong chính sử, chúng ta thấy có sự trùng khớp hầu như hoàn toàn”2. Theo “Hồng Đức thiện chính thư” – một cuốn sách chép tay, sưu tập những luật lệ dưới thời Hậu Lê (xuất hiện vào khoảng giữa thế kỷ XVI) thì có 5 điều khoản trong “Quốc triều hình luật” là những quy định của vua Lê Thái Tông đặt ra và được đưa vào bộ luật này. Đó là các điều khoản: 310, 502, 507, 513, 527 quy định các lĩnh vực khác nhau. Ngoài ra, năm 1434, Lê Thái Tông đã ra một lệnh chỉ quy định về thẩm quyền và trình tự xét xử có đề cao đến chức danh xã quan và lộ quan. Lệnh này hoàn toàn phù hợp với điều 672 của “Quốc triều hình luật”. Dưới thời Nhân Tông, hiện tượng mua bán, chuyển nhượng ruộng đất trở nên phổ biến và thường gây ra những cuộc tranh chấp đòi hỏi phải có quy định rõ ràng để giải quyết. Năm 1449, Lê Nhân Tông ban hành 14 điều luật, bổ sung vào Hình luật chương Điền sản. Và trong “Quốc triều hình luật”, 14 điều này được xếp vào một phần riêng thuộc chương VI với tiêu đề “Điền sản mới tăng thêm” (từ điều 374 đến điều 387). Ngoài ra, “Quốc triều hình luật” còn thừa kế trực tiếp thành tựu từ các bộ luật của triều đại trước như Hình thư đời Lý và Hình thư nhà Trần. Chủ yếu là “Quốc triều hình luật” trên cơ sở những quy định của hai bộ luật này và bổ sung thêm những yếu tố phù hợp. Ví dụ như bổ sung thêm hai hình phạt đồ, lưu để hoàn chỉnh hệ thống hình phạt. Điều đó được thể hiện ở các điều 9, 24, 26, 51, 411, 412, … Điều 22, 27, 46 hoàn thiện hơn hình phạt biến được đưa ra từ thời nhà Hồ (1406). Trên cơ sở kế thừa những thành tựu luật pháp từ các đời trước ở trong và ngoài nước như thế, Lê Thánh Tông đã có sự sáng tạo và đóng góp lớn lao để hoàn thiện cơ bản bộ “Quốc triều hình luật”. Phần lớn các luật lệ ban hành dưới thời Lê Thánh Tông được tập hợp trong hai tập tư liệu là Thiên hạ nam dư hạ tập và Hồng Đức thiện chính thư. Khi so sánh hai tập tư liệu này với “Quốc triều hình luật” ta thấy có 83 điều khoản được Lê Thánh Tông đưa thêm “Quốc triều hình luật” (sau khi loại trừ những điều khoản chắc chắn có trước đời Thánh Tông và các điều khoản trùng nhau ở hai tập tư liệu về pháp luật trên). Ngoài ra, chắc chắn còn có nhiều điều khoản Thánh Tông sử dụng của pháp luật thời trước nhưng đã có sửa chữa, bổ sung cho phù hợp với điều kiện đất nước khi đó. Lê Thánh Tông cũng cho tham khảo và tiếp thu chọn lọc pháp luật Trung Hoa. Đầu tiên là học tập về cấu trúc, mô phỏng theo bộ luật nhà Đường (các chương về cơ bản rất giống nhau về tên gọi và phạm vi điều chỉnh). Tuy nhiên, “Quốc triều hình luật” có 4 chương khác là chương 3, 4, 6, 7 và 9 , thể hiện sự độc lập tương đối của các nhà làm luật triều Hậu Lê. Về cách thể hiện điều khoản theo các phát biểu của các nhà luật pháp Trung Quốc: “người nào làm điều X thì phải chịu hình phạt Y”,… Những điều khoản vua Lê Thánh Tông bổ thêm chủ yếu nhằm củng cố chặt chẽ hơn nữa quan hệ vua – tôi và lễ nghi Nho giáo trong gia đình. Đồng thời, những điều khoản đó cũng nhằm hướng tới điều chỉnh những quan hệ xã hội liên quan đến đời sống của nhân dân, trong đó luôn có sự kết hợp hài hoà giữa luật tục, lễ nghi và tư tưởng Nho giáo. Đồng thời, qua đó cho chúng ta thấy tư duy cởi mở của tập đoàn phong kiến Lê Sơ, không bị hạn chế bởi tư tưởng tự tôn cực đoan thường thấy ở các triều đại phong kiến khác mà sẵn sàng tiếp thu và chủ động sáng tạo vào hoàn cảnh cụ thể nước ta thời kỳ đó.
“Quốc triều Hình luật” đỉnh cao của thành tựu luật pháp Việt Nam thời phong kiến.
2. “Quốc triều hình luật” là bộ luật bảo vệ chế độ phong kiến
Pháp luật là một bộ phận thuộc kiến trúc thượng tầng của xã hội. Các bộ luật của nhà nước phong kiến ra đời trên cơ sở kinh tế và kết cấu giai tầng của xã hội này. Vì thế, “là công cụ trong tay giai cấp phong kiến thống trị, pháp luật là ý chí của giai cấp địa chủ phong kiến được nâng lên thành luật pháp mà nội dung của ý chí đó được quy định bởi điều kiện sinh hoạt vật chất của giai cấp phong kiến. Pháp luật phong kiến là phương tiện để bảo vệ trật tự xã hội phong kiến mà trước hết là quan hệ sản xuất phong kiến”3. “Quốc triều hình luật” là một bộ luật phong kiến nên nó cũng mang bản chất của pháp luật phong kiến. Điều hiển nhiên nó là một bộ luật bảo vệ chế độ phong kiến. Nói tới luật pháp phong kiến trước hết phải nói tới vai trò tuyệt đối của Hoàng đế. Điều này được thể hiện rất rõ trong “Quốc triều hình luật”. Những điều luật được soạn thảo ra trong “Quốc triều hình luật” thực chất là xuất phát từ ý nguyện của vua Lê Thánh Tông, và cho dù nó gắn bó với thực tiễn cuộc sống nhưng về cơ bản nó mang những tư tưởng, tình cảm và quan niệm của Lê Thánh Tông, mang theo lòng nhân ái của vị vua lỗi lạc đó. Điều đó đã được khẳng định từ lâu nay. Nguyên tắc cơ bản nhất và cũng là mục tiêu quan trọng nhất của “Quốc triều hình luật” là bảo vệ, củng cố chế độ quân chủ phong kiến, lợi ích của nhà nước, nhà vua và hoàng tộc. Những hành vi xâm phạm đến lợi ích, sự an toàn và bình yên của Vua, Hoàng tộc và chính quyền đương thời sẽ bị liệt vào tội “thập ác” với những hình phạt nghiêm khắc nhất (điều 1, 2). “Quốc triều hình luật trở thành công cụ hữu hiệu để trừng trị triệt để những người xâm phạm đến chế độ phong kiến, đến vương quyền, đặc biệt là sự an toàn và lợi ích của triều đại, của bản thân nhà vua và các quan chức cao cấp và họ hàng thân thuộc của họ”4. Các quy định về tội phạm và hình phạt về lĩnh vực này được quy định rất kĩ và cụ thể, tập trung trong các chương: Danh lệ, Vệ cấm, Vi chế, Đạo tặc, Trá nguỵ và Tạp luật. “Quốc triều hình luật” bảo vệ sự phân chia giai cấp trong xã hội, khẳng định sự ưu ái của xã hội đối với giai cấp quý tộc địa chủ phong kiến. Bộ luật quy định có 8 “hạng người” có đặc quyền đặc lợi của triều đại nhà Lê. Những người được kể ra đầu tiên là những người thuộc gia đình hoàng tộc, những người cận kề, giúp việc cho nhà vua, quan chức trong triều (điều 3). Theo điều luật này, nếu những người kể trên phạm tội mà bị xử tử hình thì cơ quan nghị án phải đệ trình nhà Vua xem xét và quyết định. Nếu họ phạm vào những tội bị xử phạt nhẹ hơn thì đều được giảm tội theo quy định. Quy định này thể hiện sự tập trung quyền lực cao nhất vào tay nhà Vua, không chỉ quyền lập pháp mà cả tư pháp cao nhất cũng như sự tập trung đặc quyền đặc lợi vào hoàng tộc, quan lại và những người cận kề với nhà Vua. “Quốc triều hình luật” bảo vệ chế độ gia tộc phụ quyền và các nguyên tắc đạo đức phong kiến, củng cố trật tự xã hội, củng cố cơ sở xã hội cho chế độ phong kiến tồn tại và phát triển. Trên cơ sở đề cao hệ tư tưởng Nho giáo, Bộ luật này đã mặc nhiên thừa nhận những quyền và nghĩa vụ vợ chồng do Nho giáo và tục lệ đặt ra nhằm mục đích bảo vệ tuyệt đối chế độ gia tộc phụ quyền: thiên về quyền lợi pháp lý của người chồng, bảo vệ quyền lợi của người chồng với tư cách là gia trưởng. Vì thế, “Quốc triều hình luật” có nhiều quy định khắt khe về nghĩa vụ của người vợ như: phải tuyệt đối chung thuỷ với chồng, không được ghen tuông, tuyệt đối tuân thủ và phục tùng chồng, phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đối với các thành viên trong gia đình chồng như đối với chính chồng, thậm chí, người vợ phải gánh chịu những hậu quả xấu do hành vi phạm tội mà người chồng gây ra… Nếu người vợ không làm được những việc đó thì sẽ bị pháp luật trừng trị bằng nhỉều hình phạt khắt khe như bị li dị, xử tội lưu đày, bị làm táng thất phụ, giảo hình nặng nề, … (điều 144 – 146 (thất xuất), 321, 331, 401, 476, 481,…). Rõ ràng, gia đình phụ quyền gia trưởng – hạt nhân, nền tảng của xã hội phong kiến, được nhà nước bảo vệ với nhiều đặc quyền của người đàn ông. Nhà nghiên cứu Insun Yu đã đánh giá: “Chính trong bộ luật nhà Lê, quan niệm, Nho giáo về mối quan hệ vợ chồng đã được đề cao đến tột bậc về phương diện pháp lý đối với người Việt Nam …”5. Thực chất đó cũng chính một phương thức để củng cố chế độ phong kiến trung ương tập quyền ngày càng cao hơn của nhà Lê. “Quốc triều hình luật” bảo vệ cơ sở kinh tế của xã hội phong kiến: bảo vệ chế độ tư hữu ruộng đất với quyền lợi của quan lại, quý tộc và địa chủ và bảo vệ chế độ sở hữu tối cao của Nhà nước thông qua việc quản lý ruộng đất và thu tô thuế. Những quy định về ruộng đất nằm trong quyển III, chương Điền sản (59 điều). Pháp luật bảo vệ nghiêm ngặt chế độ ruộng đất công, xử phạt nặng những hành động cần cố, chiếm dụng đất công, ẩn lậu ruộng đất công (điều 342, 343, 345, 346…). Đồng thời, pháp luật cũng bảo vệ quyền sở hữu tư nhân về ruộng đất (điều 356, 357, 358, 360, 378, …). Ngăn cấm quan lại dựa quyền thế chiếm đoạt ruộng đất tư (điều 370), xử phạt nặng các hành vi vi phạm quyền sở hữư tư nhân như cấm lấn chiếm, xâm phạm, … Quy định cụ thể việc mua bán, chuyển nhượng, thừa kế, cầm cố đất đai (điều 355, 366, 388, 390, 391,…. ). Ruộng đất công làng xã là cơ sở tồn tại và sức mạnh của chính quyền trung ương, và chế sở hữu tư nhân chính là cơ hội để địa chủ chủ tập trung ruộng đất trong tay mìh, trở thành một giai cấp cơ bản trong xã hội phong kiến. Chính vì thế, củng cố hai hình thức sở hữu ruộng đất này chính là củng cố sự phát triển và ổn định của nhà nước phong kiến thời kỳ đó. “Quốc triều hình luật” là một bộ luật phong kiến tương đối điển hình, với tư cách là một “phương tiện để bảo vệ trật tự xã hội phong kiến”. Một điều rất rõ ràng rằng, “Quốc triều hình luật” ra đời là sự đáp ứng yêu cần phát triển trong giai đoạn xác lập và phát triển mạnh mẽ của chế độ phong kiến Việt Nam, với một triều đại đang cần khẳng định vị thế và ưu thế đang lên của mình. 407/722 điều trong “Quốc triều hình luật” là những điều khoản riêng biệt chỉ có trong bộ luật nhà Lê. Những điều khoản đó xuất phát từ tình hình kinh tế, chính trị, xã hội đương thời và những đòi hỏi cấp thiết của tình hình đó. Thiết lập chế độ chính trị bằng môt cuộc chiến tranh giải phóng nên vai trò của các vị đại công thần khai quốc có ảnh hưởng rất lớn trong triều đình. Và cũng vì vậy, các quan đầu triều Lê luôn luôn phải đề phòng các nguy cơ tiếm quyền, lộng quyền, lạm quyền trực tiếp từ các công thần. Điều đương nhiên là “Quốc triều hình luật” có nhiều điều khoản đặt ra nhằm hạn chế các thế lực ảnh hưởng đối với triều đình (điều 78, 168, 204, 208, 216, 230, 330, 337, 372, …) hạn chế sự lạm quyền (điều 49, 150, 153, 163,213, 675, 720, …), buộc các quan đại thần phải tuyệt đối trung thành và tận tuỵ với nhà vua (điều 234, 236, 624, 625, …); Bên cạnh đó là đề phòng nguy cơ tái xâm lược của nhà Minh, “Quốc triều hình luật” có những quy định nghiêm khắc trừng trị những kẻ thông đồng hoặc tiết lộ công việc triều đình trong nước cho người nước ngoài (điều 71, 612, 613), cấm không được tự tiện qua biên giới, kiểm soat chặt chẽ việc thông thương, … Đồng thời, việc ban hành “Quốc triều hình luật” có ý nghĩa rất lớn trong việc khẳng định vương quyền của triều Hậu Lê trên đất nước ta thời kỳ đó. Một bộ luật hoàn chỉnh và nghiêm khắc có thể khẳng định vai trò cai trị và sức mạnh của vương quyền phong kiến đang nắm giữ Nhà nước, cũng là giúp cho Nhà nước có thể quản lí đất nước một cách thống nhất và chặt chẽ nhất.
3. Quan hệ giữa pháp luật và phong tục tập quán
Nghiên cứu “Quốc triều hình luật” chúng ta thấy rất rõ vua “Lê Thánh Tông đã có ý thức rất rõ ràng và đầy đủ trong việc sử dụng vũ khí pháp luật để hỗ trợ cho việc xây dựng thuần phong mỹ tục cho thần dân được đặt dưới quyền trị vì của Ông”6 . “Quốc triều hình luật” đã có sự phân định rõ ràng phạm vi điều chỉnh của pháp luật và phạm vi điều chỉnh của đạo đức. Tính chất Nho giáo khắt khe, nghiêm khắc chỉ để “Quốc triều hình luật” quy định những vấn đề cơ bản để củng cố và bảo vệ quan hệ Nho giáo trong gia đình và xã hội, củng cố và bảo vệ quyền của người gia trưởng, nền tảng của thuần phong mĩ tục. Còn các hành vi xử sự cụ thể trong hôn nhân gia đình thì các nhà làm luật nhường chỗ cho các phong tục tập quán và đạo đức. Đồng thời, chính việc xác định khái niệm đạo đức (điều 2, khoản 7,9, …) đã tạo ra cơ sở cho việc xác định ranh giới điều chỉnh giữa “Quốc triều hình luật” với các quan điểm đạo đức. “Quốc triều hình luật” còn tạo ra một sợi dây liên kết gắn bó giữa pháp luật và đạo đức khi nó dùng chính những biện pháp đạo đức thành những biện pháp có tính chất chế tài của pháp luật. Ví dụ như hình thức biếm tước (điều 27), người phạm tội bị bêu riếu ở nơi công cộng (điều 186)… “Quốc triều hình luật” bảo vệ, tiếp thu những chuẩn mức đạo đức xã hội, những phong tục tập quán dân tộc ta. Trên nền tảng đạo đức xã hội là đạo Nho, nhiều quy định trong bộ luật được đặt ra để bảo vệ trật tự lễ giáo phong kiến từ trong triều đình đến trong gia đình hạt nhân của xã hội. Điều đó thường được thể hiện trong một số điều khoản riêng biệt như trong quan hệ gia đình, mặc dù “Quốc triều hình luật” đã thể chế lễ nghi gia đình gia trưởng Nho giáo nhưng đồng thời vẫn thừa nhận một số phong tục, thói quen, nếp sống cổ truyền trong dân gian. Ví dụ: “Quốc triều hình luật” không đưa hành vi chia tách tài sản khỏi gia đình cha mẹ để ra ở riêng là tội bất hiếu (điều 2), do đó, con cái có quyền được xây dựng hạnh phúc gia đình riêng khi cha mẹ còn sống. Tôn trọng tục thờ cúng tổ tiên, luật thừa kế cho phép con gái trưởng được hưởng phần thừa kế hương hoả nếu gia đình không có con trai (điều 308). Coi trọng và khuyến khích phát triển các phong tục tập quán, truyền thống đạo đức của dân tộc “Quốc triều hình luật” có rất nhiều quy định dựa trên cơ sở những chuẩn mực đó như khuyến khích tình yêu thương đồng bào, đề phòng, bài trừ tệ nạn cờ bạc trong nhân dân, chống tệ mê tín dị đoan. Bên cạnh đó, “Quốc triều hình luật” đã đặt ra những điều luật để trừng trị nhằm mục đích giáo hoá, bài trừ những thói xấu của con người: trừng trị những kẻ “ngang ngạnh, ngỗ ngược không theo giáo hoá”, những hành vi xâm phạm đến mồ mả, những hành ví có tính chất bất hiếu, bất mục, bất kính … đều bị trừng trị nghiêm khắc, đặc biệt các tội liên quan đến việc gian dâm, tà dâm, loạn luân bị lên án và trừng phạt nặng nề hơn bất cứ tội nào, … Như vậy, “Quốc triều hình luật” có mối quan hệ rất đặc biệt với phong tục tập quán và truyền thống đạo đức của con người Việt Nam. Tinh thần thương dân, vị tha, nhân từ của vua Lê Thánh Tông là yếu tố chi phối mạnh đến đặc trưng này của bộ luật. Tính chất nhân đạo cũng là một trong những đặc tính nổi bật của “Quốc triều hình luật” so với các bộ luật khác.
4. “Quốc triều hình luật” là một bộ luật rất sâu sắc và có sức bao quát lớn
Xét về nội dung, “Quốc triều hình luật” là một bộ “tổng luật”. Nếu xét theo khoa học pháp lý hiện đại, bộ luật này sẽ bao gồm các quy phạm pháp luật ở nhiều ngành luật khác nhau: luật hôn nhân – gia đình, luật dân sự, luật hành chính, luật hình sự, luật tố tụng, … Tìm hiểu bộ luật, chúng ta thấy phạm vi điều chỉnh và sự can thiệp của nó rất rộng, bao quát lên toàn bộ các mặt đời sống xã hội, từ những quan hệ trong gia đình đến những quan hệ trong làng xã, từ quan hệ vua tôi đến quan hệ vợ chồng cha con, mẹ con, từ các lĩnh vực kinh tế đến các lĩnh vực quản lí hành chính, ngoại giao, quân sự trong nước, … Về cơ bản, các điều khoản được quy định ở đây rất cụ thể, chi tiết, tinh vi, thậm chí đôi chỗ còn rơi vào sự vụn vặt, liệt kê. Bộ luật xây dựng trên cơ sở có một sự nghiên cứu rất sâu sắc của các nhà làm luật, về các vấn đề mà nó hướng tới điều chỉnh. Ví dụ, trong lĩnh vực hôn nhân gia đình, các nhà làm luật nghiên cứu và đưa ra rất nhiều trường hợp khác nhau để đưa ra các xử lý. Bộ luật quan tâm nhiều đến vấn đề kết hôn, li hôn, các điều kiện, và thủ tục hình thức, hậu của pháp lý, … Trong vấn đề kết hôn, bộ luật còn chỉ ra rõ các trường hợp cấm kết hôn như đang có tang cha, mẹ, chồng, khi ông bà cha mẹ đang bị giam tù, … Hoặc trong vấn đề về quyền thừa kế tài sản, chế độ tài sản gia đình, chế độ tài sản giữa vợ và chồng… luật quy định rất rõ, từng trường hợp được đưa ra rất cụ thể và minh bạch, rõ ràng. Như vậy, tính bao quát và tỉ mỉ của “Quốc triều hình luật” thể hiện rất rõ. Nó thể hiện một khả năng làm luật rất đặc sắc và chu toàn của các nhà Lê vào thế kỷ XV. Sự bao quát tỉ mỉ đó vưà tạo ra cho bộ luật một sự chặt chẽ, vừa tạo cho nó một tầm vóc tương đối toàn diện bởi “toàn bộ kỉ cương phép nước của quốc gia Đại Việt đều được đúc kết lại trong 722 điều cụ thể”7.
5. “Quốc triều hình luật” đạt một trình độ cao về kĩ thuật luật pháp
Điều tiến bộ lớn nhất của bộ luật này là đã chú ý đến tính hệ thống trong nội dung các điều luật. Các nhà làm luật đã ghép tương đối hợp lí các điều gần nhau về tính chất vào một chương và các chương có liên quan đến nhau được để trong một quyển. Hơn thế nữa, trong hoàn cảnh và trình độ pháp lý của thế kỷ XV, sự hoàn thiện và phong phú của các tình tiết cụ thể khiến cho nhiều nhà nghiên cứu và chúng ta ngày nay phải ngạc nhiên và thán phục. Hầu hết tất cả những vấn đề lớn nhỏ trong xã hội đều được nếu ra trong bộ luật. Thậm chí, cả những quy định dành riêng cho binh línhcũng được tập hợp một cách có hệ thống. Một số điều đã đạt tới trình độ tiếp cận với kỹ thuật lập pháp hiện đại: ý chí phạm tội, tình tiết làm nặng hoặc giảm nhẹ tội. Các điều luật trong “Quốc triều hình luật” không có tên gọi mà chỉ đánh số điều, vì vậy, trong rất nhiều điều luật, nhà làm luật không chỉ quy định một hành vi phạm vi tội mà còn quy định cả cách xử lý đối với những người có liên quan trong trường hợp phạm tội đó. Một số quy phạm pháp luật có cách trình bày tương đối độc đáo và dễ hiểu, mô tả những tình huống cụ thể đến chi tiết. Thậm chí, trong bộ luật còn cụ thể hoá tới mức giả địnhcả tên người trong hành vi hoặc quan hệ pháp luật (điều 397). Cách diễn đạt như vậy đảm bảo cho các quy phạm pháp luật phức tạp có thể được mọi người hiểu một cách dễ dàng. Phần chế tài trong các quy phạm pháp luật của “Quốc triều hình luật” được quy định dưới dạng chế tài cố định - đây là điểm khác biệt của bộ luật này so với các quy phạm pháp luật hiện hành ở cả các nước phương Đông, phương Tây. Thường thì các ngành luật sử dụng hình thức chế tài không cố định (có biện pháp cưỡng chế ở mức cao nhất và mức thấp nhất), còn mức độ áp dụng cụ thể trong trường hợp cụ thể thì được quy định bởi các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, nhưng ở “Quốc triều hình luật” thì các mức chế tài nặng hay nhẹ, tăng nạng hay giảm nhẹ tội được ấn định rõ ràng cho mối hành vi vi phạm cụ thể (điều 466). Điều đó đảm bảo tính chính xác cao nhất trong việc áp dụng pháp luật để quản lí đất nước của chính quyền Hậu Lê. Cách diễn đạt các quy phạm pháp luật dân chiếu được sử phổ biến trong “Quốc triều hình luật”. Khi cần xác định nội dung pháp lý hoặc hành vi pháp lý nào đó cần phải được xử lý theo điều luật khác, các nhà làm luật đã có sự chỉ rõ: “Những kẻ bỏ tiền ra mua đồ vật của công thì bị xử tội như ăn trộm của công” (điều 449); “nếu những quan thu tiền thuế và những đồ phải thu đã thu mà để quá kỳ không nộp vào kho, nếu quá 2, 3 tháng cho là tội giấu giếm, quá 4 tháng trở lên cho là tội ăn trộm” (điều 428)… Trong bộ luật cũng có một số điều nêu lên một số khái niệm pháp lý đáng lưu ý: khái niệm “bất hiếu” (điều 2), “lầm lỡ” (điều 499), …thậm chí điều 642 còn nêu lên như một nguyên tắc, một công thức pháp lý để vận dụng vào thực tế trước những điều luật không có điều luật cụ thể nào tương ứng. Có thể nói, “Quốc triều hình luật” là ‘văn bản quy phạm pháp luật chứa đựng những giá trị rất quý báu về tư tưởng và kĩ thuật lập pháp”8. Các nhà làm luật triều Hậu Lê và vua Lê Thánh Tông đã thực sự xây dựng được một trình độ kĩ thuật tiến bộ so với thời đại.
6. “Quốc triều hình luật” mang nhiều tưởng tiến bộ, đi trước thời đại
Ra đời vào giữa thế kỷ XV, nhưng bộ “Quốc triều hình luật”đã đạt được giá trị và thành tựu nổi bật, có những đặc điểm tiến bộ và ưu thế hơn hẳng các bộ luật trước và cả sau nó. Thậm chí, nhiều yếu tố còn có ý nghĩa lớn trong việc xây dựng và hoàn chỉnh hệ thống luật của nước ta hiện nay. Điều tiến bộ nổi bật nhất mà chúng ta thường đề cập đến nhiều nhất chính là sự quan tâm nhiều đến địa vị của người phụ nữ, quan tâm đến quyền lợi của họ, cho họ một sự bình đẳng tương đối đối với đàn ông trong xã hội và người chồng trong gia đình. Đó chính là yếu tố góp phần làm nên sự đặc biệt và tiến bộ đi trước thời đại của bộ luật này. Trong bộ luật đã có nhiều điều liên quan đến địa vị pháp lý của người phụ nữ - một điều ít thấy trong các bộ luật phong kiến. Giải thích về nguyên nhân có sự coi trọng người phụ nữ như vậy, nhiều ý kiến cho rằng điều đó phần nhiều là do sự chi phối của tư tưởng Lê Thánh Tông. Ông có kết hợp nhuần nhuyễn hệ tư tưởng Nho giáo với phong tục tập quán và truyền thống dân tộc, cuộc đời của vị vua này còn chịu ơn rất nhiều người phụ nữa như bà thứ phi Ngô Thị Ngọc Dao, bà Nguyễn Thị Lộ, … vì thế ông muốn bảo vệ người phụ nữ thoát khỏi sự khinh rẻ bị chà đạp thường xuyên trong xã hội phong kiến. “Quốc triều hình luật” đã quan tâm bảo vệ những quyền cơ bản của con người. Mặc dù bị hạn chế bởi quan niệm giai cấp hẹp hòi, nhưng bộ luật này cũng đã đưa ra nhiều quy định bảo vệ con người, trong đó có cả việc bảo vệ những những ở tầng lớp dưới trong xã hội, như bảo vệ quyền dân chủ tự do của dân đinh, có nhiều điều quy định các hình phạt cụ thể chống lại sự nô tỳ hoá đối với dân đinh, đặc biệt là trong đó không có sự phân biệt về địa vị xã hội và bảo vệ danh dự, nhân phẩm con người. … Trong lĩnh vực pháp luật, “Quốc triều hình luật” cũng có những tiến bộ vượt trội so với thời đại: đặc biệt quan tâm đến việc đào tạo và sử dụng quan lại, những điều luật liên quan đến quan tướng các cấp chiếm trên 50% tổng số điều luật về quy định về tội phạm, quy định về tội phạm rất tỉ mỉ, chi tiết làm tăng tính hiệu lực của bộ luật, các loại tội phạm được quy định khác nhau, tuy tội phạm này không cùng xâm hại một khách thể nhưng lại có liên hệ với nhau và được phân theo nhóm, nên rất thuận tiện cho việc xét xử. Tuy ra đời cách đây hơn 500 năm, nhưng “Quốc triều hình luật” đã quy định được gần như tất cả các tội danh cơ bản theo luật hình sự hiện đại9. “Quốc triều hình luật” có sự quan tâm nhiều đến việc bảo vệ các quan hệ gia đình. Có thể, các nhà lập pháp đã nhận thức rất rõ vai trò quan trong trong gia đình - hạt nhân của xã hội. Đồng thời, nó cũng cho thấy sự chi phối rất mạnh của hệ tư tưởng Nho giáo đến chính trị, xã hội Đại Việt thời kỳ đó. Có thể nói, “Quốc triều hình luật” đã đạt được rất nhiều thành tựu nổi bật, có tính chất tiến bộ vượt thời đại. Qua đó, chúng ta không chỉ thấy được tài năng tuyệt vời của các nhà lập pháp Việt Nam thế kỷ XV, trong đó vị vua anh minh Lê Thánh Tông mà còn thấy được sự phát triển mạnh mẽ và vững chắc của chế độ phong kiến Việt Nam thời kỳ này. Sự phát triển cao của chế độ phong trung ương tập quyền thời Lê Sơ đã được khẳng định ở thêm độ bền vững với sự ra đời của “Quốc triều hình luật” năm 1483. Đây được coi là bộ luật hoàn chỉnh nhất còn giữ lại được đến ngày nay trong lịch sử luật pháp phong kiến nước ta. Nó là một thành tựu đặc sắc trong lịch sử Nhà nước và pháp quyền Việt Nam. Mang bản chất giai cấp phong kiến nhưng “Quốc triều hình luật” đã thể hiện được sự kết hợp hài hài quyền lợi của giai cấp gắn với lợi ích dân tộc, thể hiện được sự điều hoà giai cấp tài tình trong xã hội Việt Nam thời kỳ Hậu Lê trong thời thịnh trị.
Theo Cảnh sát nhân dân