/ Tin tức
/ Đề xuất quy định cụ thể phạm vi khai thác thông tin cá nhân

Đề xuất quy định cụ thể phạm vi khai thác thông tin cá nhân

23/06/2023 06:24 |

(LSVN) - Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, chiều ngày 22/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Căn cước. Trong đó, đại biểu đề xuất quy định cụ thể phạm vi khai thác thông tin cá nhân.

Ảnh minh hoạ. 

Đánh giá hồ sơ dự án Luật được chuẩn bị công phu, nghiêm túc và có chất lượng cao, đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Đoàn Đại biểu tỉnh Bắc Kạn) đóng góp một số nội dung cụ thể. Về thông tin của công dân được thu thập, tích hợp trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (Điều 10), dự thảo Luật quy định có 24 nhóm thông tin của công dân được thu thập, tích hợp trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Tuy nhiên, ở khoản cuối cùng của Điều này quy định: Ngoài những thông tin nêu trên còn thu thập, tích hợp cả những thông tin khác của công dân được chia sẻ từ Cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành. Đại biểu đề nghị cân nhắc thêm về các quy định này, bởi các cơ sở dữ liệu chuyên ngành rất nhiều như chuyên ngành y tế, giáo dục, lao động, thuế, chứng khoán...

Đồng thời, dự thảo Luật quy định "những thông tin khác của công dân" chưa rõ là những thông tin gì, băn khoăn việc có những thông tin liên quan đến đời sống riêng tư của công dân. Vì vậy, cơ quan soạn thảo cần tiếp tục rà soát để quy định cụ thể "những thông tin khác của công dân" ngay trong Luật.

Liên quan đến các chủ thể được khai thác thông tin (Điều 11), dự thảo Luật quy định: Các chủ thể được khai thác thông tin gồm các cơ quan quản lý Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội. Theo đại biểu Nguyễn Thị Thủy, các thông tin trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư rất rộng, ví dụ số điện thoại của công dân nếu không được quản lý phù hợp sẽ gây phiền cho công dân. Bên cạnh đó, mỗi cơ quan, tổ chức có chức năng, nhiệm vụ khác nhau nên mục đích và phạm vi khai thác là khác nhau. Chẳng hạn, cơ quan cảnh sát giao thông chỉ có nhu cầu khai thác thông tin liên quan đến giấy phép lái xe, còn các cơ quan địa chính chỉ có nhu cầu khai thác thông tin liên quan đến đất đai, nhà cửa của công dân.

Dự thảo Luật chỉ quy định các chủ thể khai thác thông tin mà lại không quy định phạm vi khai thác thông tin và giao cho Chính phủ quy định. Các thông tin liên quan trực tiếp đến cá nhân công dân và cả những thông tin liên quan đến đời sống riêng tư của công dân. Do đó, đại biểu đề nghị quá trình chỉnh lý phải rà soát, quy định cụ thể ngay trong Luật phạm vi khai thác của các chủ thể, bảo đảm đúng chức năng, nhiệm vụ. 

Đối với các thông tin trên thẻ căn cước công dân (Điều 19), dự thảo Luật đã điều chỉnh một số thông tin trên thẻ căn cước so với Luật hiện hành, trong đó có bỏ mục quê quán. Đại biểu cho rằng, trong bối cảnh đẩy mạnh xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và xây dựng Cơ sở dữ liệu căn cước, việc điều chỉnh các thông tin trên thẻ căn cước là phù hợp; tuy nhiên, cần nghiên cứu thêm về việc bỏ mục quê quán ở trong thẻ căn cước.

Ngoài ra, Điều 3 dự thảo Luật quy định "căn cước giúp cho việc nhận diện lai lịch của một con người". Theo quy định pháp luật hiện hành, chỉ có các cơ quan, tổ chức được khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và sử dụng những thiết bị chuyên dụng được Bộ Công an kiểm tra, đánh giá mới có thể khai thác được những thông tin tích hợp trong thẻ căn cước. Các giao dịch hằng ngày với các chủ thể khác và có nhu cầu phải sử dụng thẻ căn cước này để nhận diện lai lịch của một con người. Do đó, đại biểu đề xuất không nên bỏ mục quê quán trên thẻ căn cước...

PV

 

Nguyễn Mỹ Linh