/ Pháp luật - Đời sống
/ Quyền miễn trừ của đại biểu Quốc hội theo quy định

Quyền miễn trừ của đại biểu Quốc hội theo quy định

05/05/2024 06:37 |

(LSVN) – "Không được bắt, giam, giữ, khởi tố đại biểu Quốc hội, khám xét nơi ở và nơi làm việc của đại biểu Quốc hội nếu không có sự đồng ý của Quốc hội hoặc trong thời gian Quốc hội không họp, không có sự đồng ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Việc đề nghị bắt, giam, giữ, khởi tố, khám xét nơi ở và nơi làm việc của đại biểu Quốc hội thuộc thẩm quyền của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao".

Ảnh minh họa.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 21 Luật Tổ chức Quốc hội 2014, đại biểu Quốc hội là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân ở đơn vị bầu cử ra mình và của Nhân dân cả nước; là người thay mặt Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước trong Quốc hội.

Điều 37 Luật này cũng quy định quyền miễn trừ của đại biểu Quốc hội được quy định như sau: Không được bắt, giam, giữ, khởi tố đại biểu Quốc hội, khám xét nơi ở và nơi làm việc của đại biểu Quốc hội nếu không có sự đồng ý của Quốc hội hoặc trong thời gian Quốc hội không họp, không có sự đồng ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Việc đề nghị bắt, giam, giữ, khởi tố, khám xét nơi ở và nơi làm việc của đại biểu Quốc hội thuộc thẩm quyền của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao. Trường hợp đại biểu Quốc hội bị tạm giữ vì phạm tội quả tang thì cơ quan tạm giữ phải lập tức báo cáo để Quốc hội hoặc Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.

Bên cạnh đó, đại biểu Quốc hội không thể bị cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi đại biểu công tác bãi nhiệm, cách chức, buộc thôi việc, sa thải nếu không được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý.

Theo tác giả, đặc quyền miễn trừ của đại biểu Quốc hội được quy định là để khuyến khích việc thực hiện nhiệm vụ của các đại biểu Quốc hội. Hơn thế nữa, đặc quyền này là để bảo vệ lợi ích của toàn dân, đảm bảo phát huy tính dân chủ trong quản lý nhà nước. Bởi, đại biểu Quốc hội có vai trò lớn nhất là phản ánh ý chí, nguyện vọng của Nhân dân tham gia thảo luận và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội. Đại biểu Quốc hội còn có quyền chất vấn, giám sát các thành viên của cơ quan hành pháp và tư pháp như: Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ và các thành viên khác của Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao. Ngoài ra, họ có thể phát biểu những sai phạm, đưa ra góp ý theo ý chí của nhân dân. Từ đó, Quốc hội xem xét kịp thời cân nhắc và sửa chữa. Vì vậy, quyền miễn trừ được quy định nhằm khuyến khích đại biểu Quốc hội nói lên ý chí toàn dân mà không bị ảnh hưởng bởi nhánh quyền lực hành pháp và tư pháp.

Để hiểu rõ hơn, cần nhìn lại quyền miễn trừ của đại biểu Quốc hội trong giai đoạn 2002 – 2016. Cụ thể, theo quy định tại Điều 58 Luật Tổ chức Quốc hội 2001, không có sự đồng ý của Quốc hội và trong thời gian Quốc hội không họp, không có sự đồng ý của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thì không được bắt giam, truy tố đại biểu Quốc hội và không được khám xét nơi ở và nơi làm việc của đại biểu Quốc hội. Việc đề nghị bắt giam, truy tố, khám xét nơi ở và nơi làm việc của đại biểu Quốc hội thuộc thẩm quyền của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao. Nếu vì phạm tội quả tang mà đại biểu Quốc hội bị tạm giữ, thì cơ quan tạm giữ phải lập tức báo cáo để Quốc hội hoặc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xét và quyết định.

Trong trường hợp đại biểu Quốc hội bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quyết định tạm đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu Quốc hội đó. Đại biểu Quốc hội bị Toà án kết án thì đương nhiên mất quyền đại biểu Quốc hội, kể từ ngày bản án, quyết định của Toà án có hiệu lực pháp luật. Đại biểu Quốc hội không thể bị cơ quan, đơn vị nơi đại biểu làm việc cách chức, buộc thôi việc, nếu không được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đồng ý.

Như vậy, nhìn chung cả hai giai đoạn ta nhận thấy nội dung căn bản của quyền miễn trừ là đại biểu Quốc hội sẽ không bị xử lý phán xét đối với các sai phạm khi đang đương nhiệm. Quyền miễn trừ áp dụng cho tất cả hành vi trước và trong thời gian đương nhiệm, sẽ giúp đại biểu yên tâm làm việc. Quy định này giúp tăng vị thế và quyền lực cho các đại biểu Quốc hội và giúp cho Quốc hội hoạt động thực chất hiệu quả hơn.

Ngoài ra, trình tự bãi nhiệm đại biểu Quốc hội được quy định tại Điều 45 Nghị quyết 71/2022/QH15 gồm các bước như sau:

Bước 1: Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội bãi nhiệm đại biểu Quốc hội;

Bước 2: Quốc hội thảo luận tại Đoàn Đại biểu Quốc hội; Chủ tịch Quốc hội có thể họp với các Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội để trao đổi về các vấn đề có liên quan;

Bước 3: Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội về việc giải trình, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội thảo luận tại Đoàn Đại biểu Quốc hội;

Bước 4: Quốc hội thảo luận. Trước khi Quốc hội thảo luận, đại biểu Quốc hội bị đề nghị bãi nhiệm có quyền phát biểu ý kiến;

Bước 5: Quốc hội thành lập Ban kiểm phiếu;

Bước 6: Quốc hội bãi nhiệm đại biểu Quốc hội bằng hình thức bỏ phiếu kín;

Bước 7: Ban kiểm phiếu báo cáo kết quả kiểm phiếu, kết quả biểu quyết;

Bước 8: Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội dự thảo nghị quyết bãi nhiệm đại biểu Quốc hội;

Bước 9: Quốc hội thảo luận;

Bước 10: Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội về việc giải trình, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội và chỉnh lý dự thảo nghị quyết;

Bước 11: Quốc hội biểu quyết thông qua dự thảo nghị quyết.

Pháp luật Việt Nam quy định cho các đại biểu Quốc hội quyền miễn trừ. Tuy nhiên, không vì thế mà họ có thể lạm quyền, tự ý thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật bởi khi có quyết định của Quốc hội và Ủy ban thường vụ Quốc hội thì cơ quan điều tra có thể bắt, khởi tố và điều tra bình thường.

Luật sư TRẦN XUÂN TIỀN

Văn phòng Luật sư Đồng Đội

Hoàn thiện quy định về hủy kết quả trúng thầu theo Luật Đầu tư và Luật Đất đai

Nguyễn Mỹ Linh