(LSVN) - Theo thông tin từ Bộ LĐ-TB&XH, quy định hệ số điều chỉnh tăng thêm tiền lương theo vùng do các bộ, ngành, địa phương quyết định.
Ảnh minh hoạ.
Bộ LĐ-TB&XH đã có phản hồi về thắc mắc của người lao động liên quan đến vấn đề tiền lương. Theo phản ánh của người lao động, hằng năm cơ quan của người lao động đặt hàng sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách Nhà nước nguồn chi thường xuyên, với nhà cung cấp dịch vụ sự nghiệp công có nhiều hạng mục kiến trúc, đường, điện, thoát nước… tại nhiều tỉnh, thành phố.
Căn cứ Khoản 4 Điều 4 Thông tư số 17/2019/TT-BLĐTBXH, các bộ, ngành ban hành quyết định hệ số điều chỉnh tăng thêm tiền lương không được vượt quá các giá trị đã quy định. Một số tỉnh, thành phố đã ban hành quyết định hệ số điều chỉnh tăng thêm tiền lương để thuận tiện trong quá trình xác định tiền lương của lao động trực tiếp sản xuất, lao động chuyên môn, nghiệp vụ, thừa hành, phục vụ trong giá, đơn giá sản phẩm, dịch vụ công sử dụng kinh phí ngân sách Nhà nước do doanh nghiệp thực hiện. Tuy nhiên, việc ban hành hệ số điều chỉnh tăng thêm tiền lương giữa các tỉnh, thành phố còn có sự khác nhau. Ví dụ, tỉnh, thành phố gần nhau, cùng là vùng IV nhưng hệ số điều chỉnh tăng thêm tiền lương lại khác nhau, hoặc cùng là thành phố thuộc tỉnh nhưng hệ số khác nhau.
Do vậy, người lao động đề nghị Bộ có hướng dẫn cụ thể việc xác định hệ số này, có tiêu chí nhất định để bảo đảm việc sử dụng hệ số hiệu quả, thống nhất trên cả nước. Việc xác định hệ số điều chỉnh tăng thêm tiền lương đối với các sản phẩm, dịch vụ công có tính chất chuyên ngành dựa trên nguyên tắc, tiêu chí cụ thể nào để tránh hiện tượng trong cùng một địa bàn có các hệ số khác nhau.
Về vấn đề này, Bộ LĐ-TB&XH thông tin, theo quy định tại Thông tư số 17/2019/TT-BLĐTBXH, thì tiền lương của lao động trực tiếp sản xuất được xác định trên cơ sở hệ số lương cấp bậc, hệ số phụ cấp lương của lao động thực hiện sản phẩm, dịch vụ công, nhân với mức lương cơ sở do Chính phủ quy định, và hệ số điều chỉnh tăng thêm theo từng vùng.
Trong đó, hệ số điều chỉnh tăng thêm tiền lương xác định theo từng vùng, không vượt quá 1,2 đối với vùng I; 0,9 đối với vùng II; 0,7 đối với vùng III; không quá 0,5 đối với vùng IV; và do các Bộ, ngành, UBND cấp tỉnh quyết định. Theo đó, hệ số điều chỉnh tăng thêm tiền lương nêu trên là mức tối đa, hệ số cụ thể đối với từng vùng lương tối thiểu thực hiện theo quyết định của Bộ, ngành, UBND cấp tỉnh.
Quy định xác định chi phí tiền lương trong Thông tư số 17/2019/TT- BLĐTBXH theo hệ số lương nhân với mức lương cơ sở áp dụng chung cả nước, không phân biệt theo vùng. Trong khi đó, các doanh nghiệp hoạt động trên các vùng khác nhau, ví dụ như Hà Nội, TP. HCM, Hòa Bình, Lai Châu...có sự chênh lệch khá lớn về chi phí sinh hoạt, mức lương trên thị trường.
Do đó, để bảo đảm sự hài hòa giữa các địa phương và đời sống người lao động, quy định hệ số điều chỉnh tăng thêm theo vùng do các Bộ, ngành, địa phương quyết định, để mức lương tính trong đơn giá phù hợp với mặt bằng tiền lương trên thị trường, và khả năng ngân sách của Bộ, ngành, địa phương. Trường hợp địa phương đã ban hành hệ số điều chỉnh tăng thêm, khi thay đổi vùng lương tối thiểu từ vùng III lên vùng II, thì hệ số điều chỉnh tăng thêm tối đa được xác định theo vùng II. Tuy nhiên, hệ số điều chỉnh tăng thêm cụ thể do UBND tỉnh quyết định.
Ngoài ra, theo Nghị định số 74/2024/NĐ-CP ngày 30/6/2024 của Chính phủ quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động, từ ngày 1/7 đến nay, mức lương tối thiểu vùng đang được áp dụng là: Vùng I với 4,96 triệu đồng/tháng; vùng II là 4,41 triệu đồng/tháng; vùng III là 3,86 triệu đồng/tháng; và vùng IV là 3,45 triệu đồng/tháng.
PHƯƠNG TRANG (t/h)