Ảnh minh họa.
Bộ TT&TT vừa ban hành Thông tư 06 quy định về công nhận tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký điện tử (CA) nước ngoài tại Việt Nam; công nhận chữ ký điện tử, chứng thư chữ ký điện tử nước ngoài tại Việt Nam. Đây là 01 trong 05 văn bản hướng dẫn thi hành Luật Giao dịch điện tử năm 2023.
Là quy định mới hướng dẫn thực hiện Điều 26 của Luật Giao dịch điện tử năm 2023, Thông tư 06 của Bộ TT&TT, sẽ được áp dụng với: Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký điện tử nước ngoài đề nghị công nhận tại Việt Nam; tổ chức, cá nhân nước ngoài, tổ chức, cá nhân Việt Nam có nhu cầu giao dịch điện tử với tổ chức, cá nhân nước ngoài mà chữ ký điện tử, chứng thư chữ ký điện tử của tổ chức cung cấp dịch vụ trong nước chưa được công nhận tại nước đó; tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc công nhận tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký điện tử nước ngoài tại Việt Nam; công nhận chữ ký điện tử nước ngoài, chứng thư chữ ký điện tử nước ngoài tại Việt Nam.
Trao đổi với báo chí, Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia - NEAC (Bộ TT&TT), Thông tư 06 quy định về công nhận tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký điện tử nước ngoài tại Việt Nam; công nhận chữ ký điện tử, chứng thư chữ ký điện tử nước ngoài tại Việt Nam đã được xây dựng trên nguyên tắc đảm bảo tính thống nhất với quy định tại Luật Giao dịch điện tử 2023, không làm phát sinh các quy định mới, khả thi để thực hiện và hiệu quả khi thi hành.
Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia cũng cho hay, Thông tư 06 mới được Bộ TT&TT ban hành gồm có 02 nội dung chủ yếu là công nhận tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký điện tử nước ngoài và công nhận chữ ký điện tử nước ngoài.
Đây chính là bước đệm để tiến đến hợp tác quốc tế trong lĩnh vực chữ ký điện tử và xa hơn nữa, là giao dịch điện tử với các cá nhân, tổ chức nước ngoài. Việc ban hành Thông tư 06 cũng giúp bảo đảm được quyền lợi của người sử dụng dịch vụ trong nước, hỗ trợ giải quyết các vấn đề liên quan đến việc tiến hành giao dịch điện tử trên môi trường mạng.
Cụ thể, tại Thông tư 06, Bộ TT&TT hướng dẫn chi tiết về hồ sơ, trình tự, thủ tục và thời hạn công nhận tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký điện tử nước ngoài tại Việt Nam; hồ sơ, trình tự, thủ tục và thời hạn công nhận chữ ký điện tử nước ngoài, chứng thư chữ ký điện tử nước ngoài tại Việt Nam.
Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia lưu ý, khi áp dụng quy định mới tại Thông tư 06, các cơ quan, tổ chức, cá nhân cần lưu ý một số điểm gồm: Khi đề nghị công nhận, tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký điện tử nước ngoài cần cung cấp đầy đủ văn bản tài liệu chứng minh theo yêu cầu của thông tư, và phải cập nhật trạng thái chứng thư chữ ký điện tử vào hệ thống chứng thực dịch vụ tin cậy của tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký điện tử quốc gia.
Thời hạn công nhận tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký điện tử nước ngoài sẽ là thời hạn theo giấy phép, nhưng không quá thời hạn chứng thư chữ ký điện tử của tổ chức đó. Thời hạn công nhận chứng thư chữ ký điện tử của người dùng cuối (công ty/cơ quan/tổ chức/cá nhân) là 05 năm nhưng không quá thời hạn hiệu lực của chứng thư chữ ký điện tử đó.
Cùng với đó, khi thay đổi thông tin, tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký điện tử nước ngoài cũng như người dùng cuối sẽ phải báo cáo và đề nghị công nhận lại. Các thông tin định danh trên chứng thư chữ ký điện tử phải đầy đủ và chính xác.
Các tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký điện tử nước ngoài phải định kỳ báo cáo kiểm toán kỹ thuật, tình trạng cung cấp dịch vụ và các số liệu liên quan như số lượng chứng thư đã cấp, thông tin thuê bao... cho Bộ TT&TT.
Ngoài ra, các cơ quan, tổ chức, cá nhân cũng phải đảm bảo sử dụng chứng thư chữ ký điện tử nước ngoài tại Việt Nam, đúng theo phạm vi và mục đích được quy định trong Thông tư 06 năm 2024 và Luật Giao dịch điện tử năm 2023.
NGUYÊN MINH (t/h)