/ Pháp luật - Đời sống
/ Quy định mới về mức hưởng chế độ ốm đau từ ngày 01/9

Quy định mới về mức hưởng chế độ ốm đau từ ngày 01/9

20/07/2021 16:26 |

(LSVN) - Mới đây, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành Thông tư số 06/2021/TT-BLĐTBXH sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH về bảo hiểm xã hội bắt buộc, áp dụng từ ngày 01/9/2021.

  Ảnh minh họa. 

Trong đó, Thông tư số 06/2021/TT-BLĐTBXH bổ sung mức hưởng tối đa khi nghỉ ốm đau có ngày lẻ không trọn tháng. Cụ thể, khoản 2 Điều 1 Thông tư số 06/2021/TT-BLĐTBXH quy định tháng nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau được tính từ ngày bắt đầu nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau của tháng đó đến ngày trước liền kề của tháng sau liền kề. Trường hợp có ngày lẻ không trọn tháng thì cách tính mức hưởng chế độ ốm đau của những ngày lẻ không trọn tháng được tính theo công thức nhưng tối đa bằng mức trợ cấp ốm đau 01 tháng.

Trong khi đó, theo Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH hiện đang áp dụng không quy định về mức hưởng tối đa khi nghỉ ốm đau có ngày lẻ không trọn tháng.

Cách xác định mức hưởng chế độ ốm đau của những ngày lẻ không trọn tháng được tính theo công thức sau:

Mức hưởng chế độ ốm đau đối với bệnh cần chữa trị dài ngày của những ngày lẻ không trọn tháng = Tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc/24 ngày x Tỷ lệ hưởng chế độ ốm đau (%) x Số ngày nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau

Ngoài ra, theo Thông tư mới, mức hưởng chế độ ốm đau đối với người lao động thuộc đối tượng đóng BHXH bắt buộc bị ốm đau, tai nạn (không phải tai nạn lao động) hoặc phải nghỉ việc để chăm sóc con dưới 07 tuổi trong thời gian từ 14 ngày làm việc trở lên được tính trên mức tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc (trước đây, được tính trên tiền lương tháng làm căn cứ đóng BHXH của chính tháng đó). Trường hợp các tháng liền kề tiếp theo vẫn tiếp tục bị ốm và phải nghỉ việc thì mức hưởng được tính trên tiền lương tháng làm căn cứ đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ việc (bổ sung mới).

PHƯƠNG THẢO

Về quyền tác giả, quyền sở hữu trí tuệ trong môi trường số

Lê Minh Hoàng