Về chức năng của cơ quan thanh tra Công an nhân dân, Nghị định 164/2024/NĐ-CP nêu rõ: Trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của mình, cơ quan thanh tra Công an nhân dân giúp Thủ trưởng Công an cùng cấp thực hiện quản lý nhà nước về công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; tiến hành thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo quy định của pháp luật.
Nghị định 164/2024/NĐ-CP quy định về cơ quan thực hiện chức năng thanh tra trong Công an nhân dân, trong đó phân chia thành 2 nhóm: Cơ quan thanh tra Công an nhân dân và cán bộ thanh tra chuyên trách, kiêm nhiệm.
Cụ thể, cơ quan thanh tra Công an nhân dân gồm:
- Thanh tra Bộ Công an (sau đây gọi tắt là Thanh tra Bộ);
- Thanh tra Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi tắt là Thanh tra Công an tỉnh);
- Thanh tra Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng; Thanh tra Cục Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (sau đây gọi tắt là Thanh tra Cục).
Công an huyện, thị xã, quận, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương và Công an các đơn vị có quân số từ 200 cán bộ, chiến sĩ trở lên, bố trí cán bộ thanh tra chuyên trách; Công an các đơn vị có quân số dưới 200 cán bộ, chiến sĩ, bố trí cán bộ thanh tra kiêm nhiệm.
Số lượng cán bộ thanh tra chuyên trách, cán bộ thanh tra kiêm nhiệm tại các đơn vị do Thủ trưởng đơn vị quyết định.
Về hình thức thanh tra, Nghị định 164/2024/NĐ-CP quy định: Hoạt động thanh tra Công an nhân dân được thực hiện theo kế hoạch hoặc đột xuất.
Nghị định 164/2024/NĐ-CP cũng quy định cụ thể các căn cứ ra quyết định thanh tra. Theo đó, việc ra quyết định thanh tra phải có một trong các căn cứ sau đây:
- Kế hoạch thanh tra hằng năm của Bộ Công an và Công an đơn vị, địa phương;
- Yêu cầu của Thủ trưởng Công an có thẩm quyền;
- Khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc quyền và phạm vi quản lý của Bộ Công an;
- Yêu cầu của việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của lực lượng Công an nhân dân;
- Căn cứ khác theo quy định của pháp luật.
Cuộc thanh tra do Thanh tra Bộ, Thanh tra Cục tiến hành không quá 45 ngày, trường hợp phức tạp hoặc ở miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn thì có thể gia hạn một lần không quá 30 ngày.
Cuộc thanh tra do Thanh tra Công an tỉnh tiến hành không quá 30 ngày, trường hợp phức tạp hoặc ở miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn thì có thể gia hạn một lần không quá 15 ngày.
Việc gia hạn thời hạn thanh tra thực hiện theo quy định tại Điều 48 Luật Thanh tra.
Nội dung thanh traNghị định 164/2024/NĐ-CP quy định cụ thể nội dung thanh tra:
- Nội dung thanh tra hành chính: Thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn được giao của các đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định này.
- Nội dung thanh tra chuyên ngành: Thanh tra việc chấp hành pháp luật đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi quản lý nhà nước về bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội của Bộ Công an theo quy định của pháp luật.
Căn cứ báo cáo kết quả thanh tra, báo cáo kết quả thẩm định và các văn bản giải trình, tham gia ý kiến (nếu có), người ra quyết định thanh tra chỉ đạo hoàn thiện dự thảo kết luận thanh tra, báo cáo, xin ý kiến Thủ trưởng Công an cùng cấp về dự thảo kết luận thanh tra.
Chậm nhất là 30 ngày, kể từ ngày nhận được ý kiến chỉ đạo của Thủ trưởng Công an cùng cấp, người ra quyết định thanh tra phải hoàn thiện và ban hành kết luận thanh tra.
Việc công khai kết luận thanh tra thực hiện theo quy định tại Điều 79 Luật Thanh tra. Đối với kết luận thanh tra có chứa đựng nội dung thuộc bí mật nhà nước thì người ra quyết định thanh tra trích sao theo quy định và thực hiện công khai đối với các nội dung không chứa đựng bí mật nhà nước.