Ảnh minh họa.
Theo đó, Bộ Y tế nhận được Công văn 2089/BNV-CCVC ngày 20/5/2021 của Bộ Nội vụ về việc tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành Dinh dưỡng và Công văn 1555/BTP-KTrVB ngày 16/5/2022 của Bộ Tư pháp về việc kiến nghị rà soát khoản 3, Điều 5, Thông tư 03/2022/TT-BYT, Bộ Y tế có ý kiến như sau:
- Thông tư 03/2022/TT-BYT ngày 26/4/2022 của Bộ trưởng Bộ Y tế sửa đổi, bổ sung một số quy định về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành y tế đã được xây dựng và ban hành theo đúng trình tự, thủ tục ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Căn cứ Nghị định 115/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức và Nghị định 89/2021/NĐ- CP ngày 18/10/2021 của Chính phủ ban hành về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 101/2017/NĐ-CP ngày 01/9/2017 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức, viên chức; Công văn 3845/VPCP-TCCV ngày 10/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ và Công văn 5355/BNV-CCVC ngày 25/10/2021 của Bộ Nội vụ; Bộ Y tế đã xây dựng và ban hành Thông tư 03/2022/TT-BYT.
Thông tư sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/6/2022.
Quá trình xây dựng và ban hành Thông tư 03/2022/TT-BYT, Bộ Y tế đã thực hiện đúng quy trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo quy định của pháp luật hiện hành.
Bộ Y tế đã có văn bản gửi các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Sở Y tế, Sở Nội vụ, các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ, các Vụ, Cục, Tổng cục, Văn phòng Bộ xin ý kiến vào dự thảo Thông tư.
Đồng thời có văn bản gửi Cổng thông tin điện tử Chính phủ, Cổng thông tin điện tử Bộ Y tế để đăng tải dự thảo Thông tư xin ý kiến rộng rãi của các tổ chức, cá nhân, công dân là đối tượng điều chỉnh của Thông tư.
Sau khi tổ chức thẩm định Thông tư, Ban soạn thảo đã xin ý kiến lãnh đạo Bộ Y tế, báo cáo xin ý kiến Ban cán sự Đảng Bộ Y tế trước khi ban hành.
- Quy định tiêu chuẩn trình độ đào tạo của chức danh nghề nghiệp dinh dưỡng hạng III tại khoản 3, Điều 5, Thông tư 03/2022/TT-BYT phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành và phù hợp nhu cầu thực tế quản lý, sử dụng chức danh nghề nghiệp dinh dưỡng hiện nay.
Theo đó, khoản 1, Điều 5, Thông tư liên tịch 28/2015/TTLT-BYT-BNV ngày 07/10/2015 của Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Nội vụ quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp dinh dưỡng quy định nhiệm vụ của chức danh nghề nghiệp Dinh dưỡng hạng III (mã số V.08.09.25) như sau:
“a) Tổ chức và thực hiện các quy định, quy trình, phác đồ chuyên môn về dinh dưỡng cộng đồng, dinh dưỡng tiết chế, an toàn thực phẩm;
b) Lập kế hoạch và thực hiện công tác dinh dưỡng cộng đồng, dinh dưỡng tiết chế, an toàn thực phẩm để dự phòng và điều trị.
c) Thực hiện kiểm tra, giám sát công tác dinh dưỡng, tiết chế và an toàn thực phẩm: kiểm tra quy trình bảo quản, chế biến, lưu mẫu, vận chuyển và phân phối thực phẩm, khẩu phần có chất lượng, đúng chỉ định và đảm bảo an toàn;
d) Quản lý trực tiếp trang thiết bị phục vụ kỹ thuật chuyên môn thuộc phạm vi phụ trách;
đ) Thực hiện truyền thông, giáo dục, tư vấn và công tác chỉ đạo tuyến về dinh dưỡng, tiết chế và an toàn thực phẩm;
e) Tham gia nghiên cứu khoa học, đào tạo, bồi dưỡng và hướng dẫn chuyên môn kỹ thuật đối với viên chức, sinh viên, học sinh thuộc phạm vi được giao;
g) Tham gia biên soạn tài liệu, giáo trình về dinh dưỡng, tiết chế, an toàn thực phẩm và giảng dạy khi có yêu cầu”.
Với yêu cầu nhiệm vụ nêu trên, thì việc quy định trình độ đào tạo của chức danh nghề nghiệp dinh dưỡng hạng III đối với 02 đối tượng là: Tốt nghiệp Đại học nhóm ngành Dinh dưỡng; Bác sĩ nhóm ngành Y học và tốt nghiệp sau Đại học nhóm ngành Dinh dưỡng hoàn toàn phù hợp để thực hiện nhiệm vụ của chức danh nghề nghiệp Dinh dưỡng hạng III.
Quy định này cũng đảm bảo phù hợp với khoản 5, Điều 2 và khoản 2, Điều 7 của Thông tư 18/2020/TT-BYT ngày 12/11/2020 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định về hoạt động dinh dưỡng trong bệnh viện (khoản 2, Điều 7 quy định: Người làm chuyên môn về dinh dưỡng điều trị là Bác sĩ y khoa, Bác sĩ đa khoa có chứng chỉ đào tạo về dinh dưỡng lâm sàng hoặc Dinh dưỡng viên).
Mặt khác, chức danh nghề nghiệp Dinh dưỡng là chức danh nghề nghiệp mới được Bộ Y tế ban hành từ năm 2015 (tại Thông tư liên tịch 28/2015/TTLT- BYT-BNV).
Trước khi chức danh nghề nghiệp Dinh dưỡng ra đời, nhiệm vụ dinh dưỡng tại các cơ sở y tế công lập cũng như tại cộng đồng đều do viên chức có trình độ chuyên môn là Bác sĩ giữ ngạch viên chức Bác sĩ (16.118) trước đây đảm nhiệm, vì vậy ngoài trình độ đào tạo Cử nhân Dinh dưỡng thì viên chức đã tốt nghiệp Bác sĩ y khoa, Bác sĩ y học dự phòng, Bác sĩ y học cổ truyền có thêm bằng tốt nghiệp sau Đại học nhóm ngành Dinh dưỡng (Thạc sĩ dinh dưỡng hoặc Tiến sĩ dinh dưỡng) phù hợp với yêu cầu trình độ đào tạo của chức danh nghề nghiệp Dinh dưỡng hạng III. Quy định này đảm bảo tính kế thừa trong thực tế quản lý và sử dụng viên chức dinh dưỡng hiện nay, quy định trình độ đào tạo Bác sĩ nhóm ngành Y học và tốt nghiệp sau Đại học nhóm ngành Dinh dưỡng vào trình độ đào tạo của chức danh nghề nghiệp dinh dưỡng hạng III không ảnh hưởng đến quyền lợi của Cử nhân Dinh dưỡng.
- Trong quá trình bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp dinh dưỡng hạng III đối với viên chức có trình độ đào tạo Bác sĩ nhóm ngành Y học và tốt nghiệp sau Đại học nhóm ngành Dinh dưỡng, Bộ Y tế không nhận được phản ánh cũng như khó khăn, vướng mắc của các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ, các Bộ, ngành, địa phương là đơn vị quản lý và sử dụng viên chức dinh dưỡng.
Sau khi nhận được Đơn đề nghị giúp đỡ của các Cử nhân Dinh dưỡng, Bộ Y tế đã có văn bản gửi các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ, các cơ sở đào tạo và một số Sở Y tế đề nghị thông tin cho cán bộ, viên chức, người lao động, người tốt nghiệp Cử nhân Dinh dưỡng hiểu đúng, chính xác về các quy định của Thông tư 03/2022/TT-BYT.
TRẦN QUÝ
Trình tự, thủ tục gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất trong năm 2022