/ Pháp luật - Đời sống
/ Quy định về phục hồi danh dự cho người bị thiệt hại trong tố tụng hình sự thuộc trách nhiệm của VKSND

Quy định về phục hồi danh dự cho người bị thiệt hại trong tố tụng hình sự thuộc trách nhiệm của VKSND

18/12/2021 15:13 |

(LSVN) - Viện Kiểm sát giải quyết bồi thường phải chủ động tổ chức thực hiện phục hồi danh dự cho người bị thiệt hại, trừ trường hợp người bị thiệt hại yêu cầu không phục hồi danh dự.

Ảnh minh họa.

Việc phục hồi danh dự cho người bị thiệt hại phải bảo đảm kịp thời, công khai, đúng pháp luật, tôn trọng nguyện vọng chính đáng của người bị thiệt hại.

Đây là các nội dung đã được Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao hướng dẫn tại Quyết định số 304/QĐ-VKSTC ngày 29/6/2018 về quy trình giải  quyết yêu cầu bồi thường của Nhà nước trong hoạt động tố tụng hình sự thuộc trách nhiệm của Viện Kiểm sát nhân dân, cụ thể như sau:

Thứ nhất, chủ động phục hồi danh dự

Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày có bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của cơ quan, người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự xác định rõ người bị thiệt hại thuộc trường hợp được Nhà nước bồi thường theo Điều 35 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, Viện Kiểm sát giải quyết bồi thường gửi thông báo bằng văn bản cho người bị thiệt hại về việc tổ chức thực hiện phục hồi danh dự.

Thông báo về việc phục hồi danh dự được lập theo Mẫu số 19 ban hành kèm Quy định này.

Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo tại khoản 1 Điều này, người bị thiệt hại hoặc người yêu cầu bồi thường phải trả lời bằng văn bản nêu rõ ý kiến về việc phục hồi danh dự và gửi Viện Kiểm sát giải quyết bồi thường. Trường hợp họ trực tiếp trình bày bằng lời nói thì Viện Kiểm sát giải quyết bồi thường phải lập biên bản về việc trả lời thông báo phục hồi danh dự theo Mẫu số 20 ban hành kèm theo Quy định này.

Trường hợp không nhận được trả lời của người bị thiệt hại hoặc người yêu cầu bồi thường về thông báo phục hồi danh dự thì Viện Kiểm sát giải quyết bồi thường chỉ thực hiện phục hồi danh dự khi người bị thiệt hại hoặc người yêu cầu bồi thường có yêu cầu bằng văn bản.

Thứ hai, phục hồi danh dự theo yêu cầu

Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày thụ lý hồ sơ yêu cầu bồi thường trong đó có yêu cầu phục hồi danh dự cho người bị thiệt hại, Viện Kiểm sát giải quyết bồi thường trao đổi, thống nhất với người bị thiệt hại hoặc người yêu cầu bồi thường về việc tổ chức phục hồi danh dự theo các nội dung sau:

- Hình thức phục hồi danh dự theo khoản 1 Điều 56 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước;

- Địa điểm, thời gian, thành phần tham dự buổi trực tiếp xin lỗi và cải chính công khai;

- Việc đăng báo xin lỗi và cải chính công khai;

- Các vấn đề liên quan khác (nếu có).

Trường hợp người bị thiệt hại hoặc người yêu cầu bồi thường rút yêu cầu phục hồi danh dự thì người giải quyết yêu cầu bồi thường phải giải thích cho họ về hậu quả pháp lý của việc rút yêu cầu phục hồi danh dự; đồng thời lập biên bản, ghi rõ việc rút yêu cầu phục hồi danh dự. Biên bản được lập theo Mẫu số 20 ban hành kèm theo Quy định này.

Trường hợp người bị thiệt hại hoặc người yêu cầu bồi thường đề nghị chưa thực hiện phục hồi danh dự thì người giải quyết yêu cầu bồi thường phải lập biên bản và thông báo cho họ biết việc phục hồi danh dự sẽ chỉ được thực hiện khi họ có yêu cầu bằng văn bản. Biên bản được lập theo Mẫu số 20 ban hành kèm theo Quy định này.

Trường hợp không gặp được người bị thiệt hại hoặc người yêu cầu bồi thường để trao đổi, thống nhất những nội dung quy định tại khoản 1 Điều này thì Viện Kiểm sát giải quyết bồi thường phải thông báo bằng văn bản cho người bị thiệt hại hoặc người yêu cầu bồi thường về việc tổ chức thực hiện phục hồi danh dự theo Điều 8 Quy định này.

Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày thống nhất được các nội dung quy định tại khoản 1 Điều này, Viện kiểm sát giải quyết bồi thường tổ chức phục hồi danh dự cho người bị thiệt hại.

Trường hợp người bị thiệt hại chết, Viện Kiểm sát giải quyết bồi thường trao đổi, thống nhất với người yêu cầu bồi thường về việc phục hồi danh dự cho người bị thiệt hại bằng hình thức đăng báo xin lỗi và cải chính công khai theo quy định tại Điều 59 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và Điều 25 Nghị định số 68/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.

Thứ ba, tổ chức thực hiện phục hồi danh dự

Trình tự, thủ tục phục hồi danh dự bằng hình thức trực tiếp xin lỗi và cải chính công khai được thực hiện như sau:

- Kiểm sát viên Viện Kiểm sát giải quyết bồi thường tuyên bố lý do, giới thiệu thành phần tham gia và thông qua chương trình buổi trực tiếp xin lỗi và cải chính công khai;

- Đại diện Lãnh đạo Viện kiểm sát giải quyết bồi thường trình bày văn bản xin lỗi và cải chính công khai;

- Đại diện Lãnh đạo cơ quan tiến hành tố tụng có liên quan trong trường hợp có nhiều người thi hành công vụ thuộc nhiều cơ quan tiến hành tố tụng khác nhau cùng gây thiệt hại phát biểu;

- Người bị thiệt hại,người đại diện theo pháp luật của người bị thiệt hại thuộc trường hợp phải có người đại diện theo pháp luật theo quy định của Bộ luật Dân sự phát biểu về lời xin lỗi và cải chính công khai;

- Các thành phần khác tham gia buổi trực tiếp xin lỗi và cải chính công khai phát biểu;

- Đại diện Lãnh đạo Viện Kiểm sát giải quyết bồi thường phát biểu kết thúc.

Trình tự, thủ tục phục hồi danh dự bằng hình thức đăng báo xin lỗi và cải chính công khai được thực hiện theo quy định tại Điều 24 và Điều 25 Nghị định số 68/2018/NĐ của Chính phủ Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.

Liên quan đến vụ việc ngày 17/12/2021, bà Nguyễn Thị Kim Phương, người bị thiệt hại bởi việc khởi tố, truy tố oan do lỗi của Cơ quan Cảnh sát điều tra và Viện Kiểm sát nhân dân TP. Cam Ranh đã có đơn yêu cầu lãnh đạo Viện Kiểm sát nhân dân TP. Cam Ranh  và Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa)  tổ chức xin lỗi và cải chính công khai trực tiếp với người bị oan tại UBND phường Cam Lợi, TP. Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa.

Đây là vụ án oan kéo dài  hơn 4 năm tại Khánh Hòa đã được Tạp chí Luật sư Việt Nam phản ánh. 

ĐẠI HƯNG

Vụ bị khởi tố vì sửa nhà: Bà Nguyễn Thị Kim Phương đã được minh oan

Lê Minh Hoàng