Theo đó, trong bối cảnh Bộ Công an tiến hành sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy Công an địa phương, Thông tư liên tịch quy định về phối hợp giữa các quan có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự, quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự khi không tổ chức Công an cấp huyện được ban hành nhằm đảm bảo quan hệ phối hợp giữa Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát nhân dân và Tóa án nhân dân khi chưa sửa đổi các luật có liên quan.
Thông tư liên tịch quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Điều 3, Nghị quyết số 164/2024/QH15 ngày 28/11/2024 của Quốc hội về thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự được liên ngành tư pháp trung ương ban hành nhằm tạo cơ sở pháp lý đồng bộ cho việc triển khai Đề án về cơ chế xử lý vật chứng, tài sản bị tạm giữ, kê biên, phong tỏa trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, vụ việc của Đảng ủy Công an Trung ương, đã được thể chế hóa thông qua Nghị quyết số 164 của Quốc hội.

Ảnh minh họa.
Việc ký kết các Thông tư liên tịch là cơ sở pháp lý quan trọng cho công tác tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra của Cơ quan Cảnh sát điều tra của Công an nhân dân; việc thực hành quyền công tố, kiểm sát; việc quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự và việc kiểm sát thi hành tạm giữ, tạm giam, kiểm sát thi hành án hình sự khi không tổ chức Công an cấp huyện; quy định chi tiết về căn cứ, điều kiện, thời hạn, trình tự, thủ tục, trách nhiệm của cơ quan, người tiến hành tố tụng và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan trong việc áp dụng các biện pháp xử lý vật chứng, tài sản theo quy định tại Điều 3, Nghị quyết số 146 của Quốc hội khóa XV.
Trước đó, ngày 19/02/2025, tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV đã thông qua Nghị quyết 190/2025/QH15 quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước. Trong đó đáng chú ý, Điều 6 Nghị quyết này quy định rõ về hoạt động tạm giữ, tạm giam, tố tụng, thi hành án khi sắp xếp bộ máy.
Cụ thể, cơ quan, người có thẩm quyền tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn trong hoạt động tạm giữ, tạm giam, tố tụng, thi hành án chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện hoạt động tạm giữ, tạm giam, tố tụng, thi hành án đúng thời hạn, trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật.
Trường hợp cơ quan, người có thẩm quyền trong hoạt động tạm giữ, tạm giam, tố tụng, thi hành án đã thực hiện một hoặc một số nội dung của các hoạt động này trong các vụ án, vụ việc cụ thể theo quy định của pháp luật trước khi sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước thì cơ quan, người có thẩm quyền tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn không thực hiện lại các nội dung này sau khi sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước.
Cơ quan, người có thẩm quyền tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn trong hoạt động tạm giữ, tạm giam, tố tụng, thi hành án có trách nhiệm tiếp tục thực hiện hoạt động tạm giữ, tạm giam, tố tụng, thi hành án đúng thời hạn, trình tự, thủ tục để giải quyết vụ án, vụ việc đó theo quy định của pháp luật.