Theo đó, Nghị quyết số 190/2025/QH15 nêu rõ việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ thanh tra được quy định như sau:
- Cơ quan thanh tra sau khi sắp xếp tổ chức bộ máy Nhà nước tiếp tục thực hiện chức năng, nhiệm vụ thanh tra của cơ quan đã chuyển giao chức năng, nhiệm vụ thanh tra.
- Cơ quan sau khi sắp xếp tổ chức bộ máy Nhà nước không còn tổ chức thanh tra thì thực hiện chức năng, nhiệm vụ kiểm tra trong phạm vi quản lý Nhà nước theo quy định của pháp luật.
Cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành sau khi sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước không thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành mà thực hiện chức năng, nhiệm vụ kiểm tra chuyên ngành theo quy định của pháp luật.
- Đối với Bộ, cơ quan ngang Bộ sau khi sắp xếp tổ chức bộ máy Nhà nước không còn tổ chức thanh tra, trong trường hợp cần thiết, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ thành lập đoàn thanh tra hoặc đề nghị Thanh tra Chính phủ tiến hành thanh tra.

Ảnh minh hoạ.
Riêng cơ quan thanh tra của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các cơ quan thanh tra được thành lập theo điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên thì tiếp tục thực hiện chức năng, nhiệm vụ thanh tra theo quy định của pháp luật.
Nghị quyết cũng nêu rõ, trường hợp cuộc thanh tra đang tiến hành hoặc đã kết thúc thanh tra trực tiếp nhưng chưa ban hành kết luận thanh tra thì đoàn thanh tra tiếp tục thực hiện nhiệm vụ, xây dựng dự thảo kết luận thanh tra trình Thủ trưởng cơ quan có chức năng thanh tra sau khi sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước xem xét, ban hành kết luận thanh tra. Cơ quan sau khi sắp xếp tổ chức bộ máy Nhà nước không còn tổ chức thanh tra thì người đứng đầu giao đơn vị trực thuộc thực hiện chức năng, nhiệm vụ tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực theo quy định của pháp luật.